Thêm một góc nhìn về phát triển du lịch Pleiku: Kiến tạo 'đường băng'
Năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng Pleiku cũng đón khoảng 650 ngàn lượt khách, trong đó có 3.400 lượt khách quốc tế, doanh thu ước đạt trên 400 tỷ đồng. Đây là những số liệu đáng mừng, chứng tỏ Phố núi tiếp tục khẳng định vị trí của mình trên bản đồ du lịch Việt.
Kiến tạo một “đường băng” hợp lý cho du lịch Pleiku “cất cánh” là một vấn đề đã và đang được chính quyền thành phố cùng đông đảo người dân Pleiku quan tâm. Nhiều thập niên qua, hạ tầng đô thị được đầu tư nâng cấp, mở rộng và không ngừng chỉnh trang. Năm 1999, thị xã Pleiku được nâng cấp lên thành phố (đô thị loại III), 10 năm sau là đô thị loại II và năm 2020 lên đô thị loại I trực thuộc tỉnh. Đó là kết quả của một chuỗi thời gian không ngừng phấn đấu xây dựng của Đảng bộ, chính quyền và người dân thành phố và của tỉnh.
Với tổng diện tích hơn 260 km2, trên 300 ngàn người dân sinh sống, Pleiku xứng tầm một đô thị lớn của cả Tây Nguyên. Nơi đây có Học viện Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai JMG, hàng loạt khu công nghiệp tập trung cùng các công trình thu hút nhiều tập đoàn lớn trong nước đến đầu tư, sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, với vị trí cửa ngõ của vùng Bắc Tây Nguyên, trung tâm khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam, Pleiku là điểm trung chuyển của toàn khu vực trên con đường xuyên Á, từ Singapore, Malaysia, Thái Lan, Myanmar, Campuchia, Lào sang Việt Nam trước khi ngược lên phía Bắc hoặc ra Biển Đông.
Năm qua, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 song Pleiku cũng đón khoảng 650 ngàn lượt khách, trong đó có 3.400 lượt khách quốc tế, doanh thu ước đạt trên 400 tỷ đồng. Đây là những số liệu đáng mừng, chứng tỏ Phố núi tiếp tục khẳng định vị trí của mình trên bản đồ du lịch Việt.
Có được những kết quả đó là nhờ sự đầu tư của chính quyền cùng các ngành hữu quan của thành phố. Hơn thế nữa, đây còn là sự tác động tích cực của các chương trình liên kết du lịch của tỉnh với các địa phương trong vùng và tác động của chính những sự kiện lớn được tổ chức trong năm qua như: Lễ hội hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya (huyện Chư Păh); Hội đua thuyền độc mộc sông Pô Cô (huyện Ia Grai); Ngày hội văn hóa-thể thao các dân tộc thiểu số gắn với du lịch đồi cỏ hồng (huyện Đak Đoa); Kỷ niệm 15 năm Ngày Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể, đại diện của nhân loại; Triển lãm ảnh về Căn cứ cách mạng Khu 10 (nay thuộc xã Krong, huyện Kbang) và Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Bình… đã thu hút một lượng lớn du khách từ các nơi đến dự hội nghị, tham quan, du lịch.
Thế nhưng, như chúng tôi đã đề cập, thế mạnh của Pleiku chính là từ vị trí quan trọng của mình. Nhờ hệ thống đường bộ và đường hàng không thuận lợi, nếu Pleiku là tâm thì các điểm du lịch trong tỉnh đều có bán kính không quá 50 km (ngoại trừ Tây Sơn Thượng đạo 90 km), rất thuận tiện cho việc đón và đưa khách tham quan đi về trong ngày.
Thắng cảnh có Vườn quốc gia Kon Ka Kinh, núi lửa Chư Đang Ya, hồ Ayun Hạ, thác Phú Cường, Biển Hồ, Thủy điện Ia Ly và chuỗi nhà máy thủy điện trên sông Sê San... Đối với khách về thăm chiến trường xưa có Phà 10 sông Pô Cô, Đức Cơ, Plei Me, Đak Pơ, Krong… Ấy là chưa kể đến một lĩnh vực có tiềm năng lớn là nền văn hóa các dân tộc bản địa như Bahnar, Jrai và ngành khảo cổ luôn được những nhà văn hóa trong và ngoài nước đặc biệt quan tâm.
Du lịch Pleiku sẽ không thể phát triển mạnh nếu như không đặt vào quỹ đạo chung của cả tỉnh và ngành du lịch các địa phương liên quan thông qua chương trình liên kết, hợp tác lâu dài và có tính ổn định. Trước mắt là liên kết với các thành phố thuộc khu vực Tây Nguyên như: Đà Lạt, Buôn Ma Thuột, Kon Tum, Gia Nghĩa và các tỉnh duyên hải miền Trung là: Quy Nhơn, Tuy Hòa, Nha Trang, Quảng Ngãi, Hội An, Đà Nẵng. Khi dịch Covid-19 đã yên thì có thể mở tuyến du lịch quốc tế kết nối với các thành phố: Ban Lung, Stung Treng (Campuchia), Attapeu, Pakse, Savanakhet (Lào) và cả Ubon, Mukdahan của vương quốc Thái Lan trên tuyến đường xuyên Á.
Để làm được điều đó, về phía cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch trong nội thành, Pleiku đã có khá đầy đủ các khách sạn, nhà hàng 3-4 sao. Vấn đề quan tâm là xây dựng đội ngũ tiếp viên ở những nơi này phải thật chuyên nghiệp, bảo đảm văn hóa giao tiếp (cả ngoại ngữ), am hiểu lịch sử, đời sống, tập tục của du khách và cư dân của nơi tham quan.
Đặc biệt, quan tâm đến các ngôi làng đồng bào dân tộc thiểu số khu vực nội thành, khuyến khích bà con xây dựng lại nhà sàn cách tân với nguyên vật liệu là gỗ, tre nứa đã qua xử lý, tận dụng không gian bên dưới làm nhà kho, ga ra xe, xưởng sản xuất. Hiện nay, hầu như các làng đều không còn nhà sàn truyền thống mà bà con đã theo xu hướng chung là tầng hóa, trệt hóa với mái ngói, bê tông cốt thép. Đồng thời, khôi phục các nghề truyền thống của đồng bào như: rèn, đan lát, dệt thổ cẩm… Chính những điều tưởng như bình thường ấy lại là điểm hấp dẫn, thu hút khách tham quan, nhất là du khách quốc tế.
Vài năm gần đây, Pleiku đã có một số gia đình tổ chức du lịch cộng đồng theo hình thức homestay. Tuy nhiên, các homestay này lại xây dựng bên ngoài nhà ở của chủ nhân chứ không phải cùng bên trong không gian nhà đúng nghĩa, như đồng bào H’Mông ở Quản Bạ, Đồng Văn (Hà Giang) hay đồng bào Thái ở Mộc Châu (Sơn La) đã làm rất thành công.
Khách ở homestay nghĩa là ở riêng phòng, sinh hoạt chung dưới một mái nhà với gia đình chủ nhân. Du khách sẽ được thưởng thức các món ẩm thực truyền thống như: cơm lam, lá mì, cà đắng, gà nướng, cá nhét, rượu cần… Sau khi phục dựng nhà sàn truyền thống, các làng dân tộc thiểu số ở nội thành Pleiku nên đầu tư tổ chức mô hình homestay, tất nhiên ngành du lịch phải tổ chức tập huấn dịch vụ này cho các hộ gia đình, khi đi vào hoạt động sẽ mang lại một nguồn thu ổn định cho người dân.
Không gian thung lũng-cánh đồng-vườn cây như đã nêu cũng là một thế mạnh về du lịch của thành phố nếu như chúng ta xây dựng các mô hình farmstay để du khách cùng tham gia. Tưới cà phê, chăm sóc vườn hoa, trồng rau xanh, thu hoạch lúa, bắt cá dưới ao… là những hoạt động luôn thu hút du khách là những người sinh sống ở thành phố, nhất là giới trẻ cùng tham gia, trải nghiệm.
Tóm lại, du lịch không thể nơi nào cũng giống nơi nào, đó là điều tối kỵ trong phát triển ngành “công nghiệp không khói”. Phải dựa vào tiềm năng đặc thù của từng địa phương mà có hướng đầu tư đúng, mang lại lợi ích thiết thực về kinh tế cũng như môi trường kinh doanh. Hy vọng rằng, với sự quyết tâm và cầu thị của chính quyền cùng các ngành hữu quan, sự tham gia tích cực của người dân Phố núi, trong tương lai gần, TP. Pleiku sẽ kiến tạo vững chắc “đường băng” cho du lịch “cất cánh” bay xa!
THANH PHONG