Thêm một quốc gia Đông Nam Á sẽ đến Mỹ để đàm phán về vấn đề thuế quan
Theo hãng tin Reuters, Bộ trưởng Thương mại Malaysia Tengku Zafrul Aziz sẽ có chuyến thăm Mỹ từ ngày 24/4, gặp Đại diện Thương mại Mỹ và một số quan chức khác để tiến hành đàm phán về các mức thuế quan mà Mỹ đã tuyên bố áp đặt.

Bộ trưởng Malaysia Tengku Zafrul Aziz phát biểu tại một cuộc họp. Ảnh: TTXVN
Thông tin trên cũng đã được hãng thông tấn nhà nước Bernama của Malaysia đưa tin hôm 17/4. Theo một phát biểu trong buổi họp báo được Bernama trích dẫn, Bộ trưởng Thương mại Malaysia cho biết ông sẽ không đàm phán một thỏa thuận thương mại chi tiết trong chuyến đi kéo dài hai ngày.
"Đàm phán cần thời gian, đúng không? Vì vậy, vấn đề là thảo luận về cách Malaysia có thể đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng giữa châu Á và Mỹ", ông nói.
Malaysia đã bác bỏ khả năng áp thuế trả đũa và vào tuần trước ông Tengku Zafrul cho biết các nhân viên tại đại sứ quán nước này ở Washington đã liên hệ với các quan chức Mỹ để làm rõ hơn về vấn đề thuế quan.
"Chúng ta cần đến đó để giải thích rằng Malaysia, với tư cách là một quốc gia trung lập, đang đóng vai trò quan trọng trong các lĩnh vực bán dẫn, điện và điện tử. Mục tiêu của chúng tôi là chứng minh rằng Malaysia có thể hỗ trợ các ngành công nghiệp tại Mỹ thay vì gây ra mối đe dọa cho họ", ông nói.
Về chuyến thăm Mỹ sắp tới, ông Tengku Zafrul cho biết cũng sẽ giải thích rõ lập trường của ASEAN về vấn đề thuế quan, trong đó có thông tin về kết quả cuộc họp các bộ trưởng kinh tế ASEAN vào tuần trước .
"Chúng tôi cũng muốn giải thích với Mỹ rằng nhiều người trong số chúng tôi, bản thân ASEAN, không tin rằng chúng tôi đã áp đặt mức thuế cao như vậy đối với các sản phẩm của Mỹ", ông Zafrul nêu rõ. Vị Bộ trưởng Malaysia cũng cho biết ASEAN muốn làm rõ một số vấn đề hiểu lầm đang còn tồn tại với Mỹ.
Trước đó, Bộ trưởng Truyền thông Malaysua Fahmi Fadzil cho biết Bộ trưởng Tài chính thứ hai của nước này sẽ cùng tham gia chuyến thăm Mỹ cùng với Bộ trưởng Thương mại Tengku Zafrul.
Vào ngày 14/4, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim đã chủ trì phiên họp đầu tiên của Trung tâm Chỉ huy Địa kinh tế quốc gia (NGCC), nhằm thảo luận và đưa ra chiến lược ứng phó với các biện pháp thuế quan mới từ phía Mỹ. Kết thúc cuộc họp, Chính phủ Malaysia xác định chiến lược đối phó sẽ dựa trên ba trụ cột chính: cải cách, hợp tác và đa dạng hóa, đồng thời kết hợp cả cách tiếp cận song phương và đa phương.
Phát biểu tại cuộc họp báo sau phiên họp, Bộ trưởng Bộ Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp (MITI) của Malaysia, ông Tengku Datuk Seri Utama Zafrul, đã làm rõ nhiều ưu tiên này.
Về hợp tác, Malaysia sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác với Mỹ ở mọi cấp độ. Chính phủ sẽ tổ chức các phiên họp tham vấn với ngành công nghiệp và các bộ, ngành liên quan để đảm bảo tiếng nói chung trong đàm phán và ra quyết định.
Về đa dạng hóa, chính phủ đang đẩy mạnh các cuộc thảo luận chủ động với các khối kinh tế và thị trường tiềm năng khác như BRICS (Các nền kinh tế mới nổi lớn gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi), MERCOSUR (Cộng đồng thị trường Nam Mỹ) và các nước châu Phi, nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu và giảm sự phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống.
Về cải cách, Malaysia sẽ tăng tốc cải cách kinh tế nhằm nâng cao năng lực chuỗi cung ứng trong nước, từ đó cải thiện khả năng chống chịu và thích ứng của các doanh nghiệp xuất khẩu trước những biến động toàn cầu.
Bộ trưởng Zafrul khẳng định rằng nền kinh tế Malaysia vẫn duy trì được sự ổn định và kiểm soát tốt. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình thế giới thay đổi nhanh chóng, chính phủ nhấn mạnh sự cần thiết phải hành động linh hoạt, kịp thời và kiên cường, nhằm hạn chế tác động ngắn hạn và củng cố sức mạnh kinh tế về trung và dài hạn.
Liên quan đến tình trạng bán phá giá hàng nhập khẩu, Malaysia hiện có chính sách áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại như thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp và các biện pháp bảo vệ khác để bảo vệ sản xuất trong nước. MITI cũng hoan nghênh nỗ lực của tập đoàn thương mại điện tử Trung Quốc JD.com, công bố ngày 11/4 về việc thành lập quỹ trị giá 27,35 tỷ USD nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu Trung Quốc tiêu thụ hàng hóa trong nước – một bước đi tích cực trước nguy cơ các doanh nghiệp nhỏ mất thị trường xuất khẩu do căng thẳng thương mại.
Hiện nay, Malaysia nằm trong số hơn 75 quốc gia được Mỹ tạm hoãn áp thuế đối ứng trong vòng 90 ngày theo quyết định của Tổng thống Donald Trump công bố ngày 9/4. Malaysia đã hoan nghênh quyết định này và cho biết sẽ tận dụng tối đa thời gian hoãn thuế để thúc đẩy đàm phán với phía Mỹ.
Tái khẳng định lập trường, Bộ trưởng Zafrul cho biết Malaysia sẽ không áp thuế đối ứng với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ. Thay vào đó, chính phủ theo đuổi giải pháp đàm phán để giảm thuế suất và mở rộng danh mục hàng hóa được miễn trừ, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến nền kinh tế quốc gia.
Mặc dù Mỹ là một trong những đối tác thương mại quan trọng của Malaysia, chiếm 11,3% tổng kim ngạch thương mại của nước này trong năm 2024, Malaysia vẫn giữ vững chính sách thương mại đa dạng và không phụ thuộc vào một hoặc hai thị trường. Chính phủ Malaysia tin tưởng rằng với chiến lược phù hợp, vẫn còn 88% thị trường toàn cầu để mở rộng và phát triển thương mại trong thời gian tới.