Thêm nhiều kết quả tích cực trên lĩnh vực văn hóa
Sau Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, 1 năm qua, tỉnh Sóc Trăng đã tập trung triển khai toàn diện nhiều hoạt động về văn hóa và đạt được những kết quả cụ thể, nhất là việc giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, di sản, di tích lịch sử văn hóa truyền thống của dân tộc.
Sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (tháng 11/2021), Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các cấp ủy đảng trong tỉnh đã nỗ lực tổ chức triển khai, quán triệt Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến toàn thể cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân; đồng thời, chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện Kết luận số 76-KL/TW, ngày 4/6/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” gắn với thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cơ quan, đơn vị. Cùng với đó, UBND tỉnh xây dựng chương trình, kế hoạch... triển khai thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư gắn với việc chỉ đạo, điều hành các nhiệm vụ chủ yếu.
Quán triệt Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân; tuyên truyền, giáo dục tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần đoàn kết dân tộc và khát vọng phát triển đất nước. Đồng thời, chăm lo xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, trọng tâm là giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, địa phương; khơi dậy truyền thống yêu nước, nâng cao ý thức, trách nhiệm công dân đối với xã hội; xây dựng lối sống lành mạnh, văn minh, đoàn kết, tương thân, tương ái; đề cao trách nhiệm của bản thân với gia đình và xã hội…
Bên cạnh đó, các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, địa phương, đơn vị quan tâm thực hiện các nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn tỉnh; phát huy hiệu quả công tác bảo tàng; tăng cường đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở; tiếp tục mở rộng xã hội hóa hoạt động văn hóa; thực hiện nhiều giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa; chỉ đạo các đơn vị liên quan tập trung xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số và công dân số; định hướng thực hiện chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh. Bên cạnh đó, các cấp ủy, chính quyền còn quan tâm chỉ đạo xây dựng văn hóa trong Đảng và hệ thống chính trị; trong đó, đặc biệt chú trọng xây dựng đội ngũ công chức, viên chức gương mẫu với tư cách là người công dân biết ứng xử một cách văn minh trên các lĩnh vực.
Qua 1 năm thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, với việc tập trung triển khai toàn diện nhiều hoạt động về văn hóa và đạt được những kết quả tích cực.
Từ việc triển khai, quán triệt sâu rộng Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về lĩnh vực văn hóa, văn nghệ đã tạo sự thống nhất tư tưởng trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội. Đời sống văn hóa của nhân dân trong tỉnh ngày càng được quan tâm phát triển phong phú; nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được bảo tồn, phát huy; nhiều chuẩn mực văn hóa, đạo đức mới được hình thành; sản phẩm văn hóa, văn học nghệ thuật ngày càng đa dạng; công tác quản lý nhà nước về văn hóa được tăng cường, thể chế văn hóa từng bước được hoàn thiện. Trong quá trình tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, các lễ hội… các cấp, các ngành luôn tôn trọng và bảo vệ sự đa dạng về văn hóa của các dân tộc, bảo đảm sự bình đẳng trong sáng tạo và hưởng thụ văn hóa của mọi người dân, tôn trọng quyền tự do sáng tạo của văn nghệ sĩ.
Tỉnh Sóc Trăng đã bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật sân khấu dù kê. Ảnh: THẠCH PÍCH
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 8 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và 51 di tích đã được xếp hạng, trong đó có 8 di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia và 43 di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Tiếp tục triển khai thực hiện Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”, trong năm 2022, tỉnh đã bố trí trên 7 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương phân bổ để thực hiện các nhiệm vụ của dự án. Từ sự quan tâm đầu tư của Nhà nước và việc xã hội hóa, nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được phát huy, bảo tồn, tôn tạo; các phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số được nghiên cứu, sưu tầm và phục dựng như đờn ca tài tử, sân khấu dù kê, múa Khmer, thư pháp... Công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh đã có sự chuyển biến tích cực; các hoạt động lễ hội diễn ra trang trọng, an toàn, tiết kiệm. Bên cạnh đó, việc tôn vinh các văn nghệ sĩ, nghệ nhân được thực hiện tốt. Hiện nay, toàn tỉnh có 8 cá nhân được Nhà nước tặng danh hiệu “Nghệ sĩ Ưu tú”, 6 cá nhân được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, 12 cá nhân là “Nghệ nhân Ưu tú”.
Từ việc quan tâm đầu tư các nguồn lực cho văn hóa đã giúp cho hệ thống tổ chức bộ máy quản lý ngành văn hóa từ tỉnh đến cơ sở ngày càng được kiện toàn và củng cố, từng bước nâng cao năng lực quản lý, đổi mới phương thức quản lý, thúc đẩy sự phát triển và hạn chế những tiêu cực trong đời sống văn hóa, văn nghệ. Đội ngũ làm công tác văn hóa, văn nghệ có bước trưởng thành, toàn tỉnh hiện có 397 cán bộ, công chức, viên chức làm công tác văn hóa, tăng 124 cán bộ, công chức so với 2019. Cùng với đó, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được đầu tư xây dựng hoàn thiện đã tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho nhân dân tham gia sinh hoạt và hưởng thụ văn hóa.
Thực hiện mục tiêu “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” gắn với thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, các địa phương, cơ quan, đơn vị, cả hệ thống chính trị và toàn dân tiếp tục hưởng ứng, thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước. Trong đó, cùng với việc xây dựng môi trường văn hóa ở khu dân cư, môi trường văn hóa trong gia đình được quan tâm, góp phần phát huy các giá trị tốt đẹp của gia đình truyền thống, đồng thời tiếp thu, bổ sung những giá trị mới, tiến bộ của gia đình thời hiện đại. Đối với văn hóa trong Đảng và hệ thống chính trị, các cấp ủy và lãnh đạo các đơn vị coi trọng và nâng cao văn hóa lãnh đạo và quản lý; thể hiện tốt trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị và mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, góp phần tạo sự chuyển biến về văn hóa chính trị.
Sau 1 năm thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, với việc tập trung triển khai toàn diện nhiều hoạt động, lĩnh vực văn hóa của tỉnh Sóc Trăng tiếp tục đạt được những kết quả đáng mừng. Bằng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân và những kết quả đạt được chính là tiền đề thuận lợi, điều kiện quan trọng để sự nghiệp văn hóa của tỉnh tiếp tục phát triển trong những năm tới, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XIV của Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.