Thêm nhiều trích đoạn cải lương phục vụ khán giả

Để phục vụ nhu cầu giải trí của công chúng trong dịp hè 2024, Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai đã ra mắt nhiều trích đoạn cải lương mới, đầu tư công phu.

Trích đoạn cải lương Ông Sáu rừng Sác, do Nghệ sĩ Nhân dân Giang Mạnh Hà đạo diễn. Ảnh: L.Na

Trích đoạn cải lương Ông Sáu rừng Sác, do Nghệ sĩ Nhân dân Giang Mạnh Hà đạo diễn. Ảnh: L.Na

Không chỉ biểu diễn trực tiếp tại các thiết chế văn hóa cơ sở, Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai còn tăng cường các suất diễn trực tuyến, phục nhân dân trong và ngoài tỉnh.

Nhiều câu chuyện hấp dẫn

Trích đoạn Ông Sáu rừng Sác được Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Giang Mạnh Hà chuyển thể cải lương và đạo diễn. Đây là trích đoạn được trích từ vở diễn Dòng sông đỏ của tác giả Ngô Hồng Khanh (vở diễn được nhà hát dàn dựng và công diễn tại Hà Nội, phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc năm 2001).

Vào vai ông Sáu - lão nông làm nghề giăng cá, nghệ sĩ Hoàng Việt Trang đã mang đến nhiều cảm xúc cho khán giả khi hóa thân xuất sắc vào hình tượng người dân yêu nước, căm thù giặc sâu sắc. Ông Sáu quyết tử để bảo vệ cán bộ, chiến sĩ trung đoàn Đặc công rừng Sác trước sự càn quét của giặc. Trước khi ngã xuống bởi tiếng súng của kẻ thù, ông Sáu căn dặn con gái dù bất cứ chuyện gì xảy ra cũng không được đầu hàng…

Nghệ sĩ Hoàng Việt Trang cho biết, trích đoạn Ông Sáu rừng Sác thuộc đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng. Đây là một vai diễn khó, đòi hỏi người diễn phải hiểu kỹ về bối cảnh lịch sử cũng như hoàn cảnh xuất thân của nhân vật để có những tìm tòi, sáng tạo trong lối ca, lối diễn. Anh cảm thấy tự hào bởi thông qua hình tượng ông Sáu góp phần lan tỏa tinh thần yêu nước, truyền thống cách mạng của dân tộc đến với công chúng, nhất là những người trẻ.

Khai thác đề tài lịch sử để làm nổi bật câu chuyện tình yêu của Ngô Phù Sai - Tây Thi - Phạm Lãi, trích đoạn Máu nhuộm thành Cô Tô (chuyển thể cải lương và đạo diễn: NSND Quế Anh) được dựng mới, có bố cục phù hợp với hơi thở đời sống sân khấu nghệ thuật truyền thống đương đại. Với nhan sắc nghiêng nước, nghiêng thành, Tây Thi trở thành sủng phi trong hậu cung của Phù Sai. Ngũ Tử Tư phát hiện điều này liền yêu cầu vua phế truất Tây Thi. Nhưng ngược với mong đợi, Phù Sai không chỉ nổi giận, bảo vệ bằng được người đẹp mà còn gián tiếp khiến Ngũ Tử Tư phải tự vẫn.

Khi Việt vương Câu Tiễn phục thù nước Ngô, dù đất nước và bản thân đang lâm nguy, Phù Sai vẫn hết lòng lo cho sự an nguy của Tây Thi. Phạm Lãi vào thành Cô Tô gặp Tây Thi để thông báo tin vui và đưa nàng về nước nhưng Tây Thi nguyện theo Phù Sai, gieo mình vào “biển lửa” tự vẫn để giữ trọn đạo thủy chung với chồng.

Vào vai công chúa Ngọc Hoa con gái vua Nguyên dành tình yêu cho Yết Kiêu - danh tướng của Đại Việt trong trích đoạn Tình mãi thiên thu, nghệ sĩ Băng Châu chia sẻ, đây không phải là lần đầu cô tham gia vai diễn mang đề tài lịch sử. Vai diễn công chúa Ngọc Hoa thể hiện tâm lý giằng xé của nhân vật, mong chờ ngày đoàn tụ với tình yêu. Tuy nhiên, khi hay tin Yết Kiêu chết, công chúa liền lập đền thờ, sau đó nàng gieo mình xuống sông tự vẫn.

Bên cạnh các chương trình ca múa nhạc, hiện Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai đang công diễn 4 trích đoạn cải lương: Ông Sáu rừng Sác, Tình mãi thiên thu, Máu nhuộm thành Cô Tô và Tiếng khóc trong đêm. Khán giả trong và ngoài tỉnh có thể xem trực tuyến các vở diễn qua Fanpage của Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai.

Trao cơ hội cho người trẻ biểu diễn

Nghệ sĩ Ngọc Khoa, Phó hiệu trưởng Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật Đồng Nai, cho hay các trích đoạn cải lương được nhà hát dàn dựng với thời lượng ngắn, khoảng 25-30 phút. Mỗi trích đoạn mang một màu sắc khác nhau, sân khấu được thiết kế hiện đại, sử dụng hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màn hình LED sinh động. Các nhân vật trong lịch sử được làm “mềm” bằng những câu chuyện tình yêu, dễ đi vào lòng người, được nhớ lâu, nhớ sâu hơn.

Trích đoạn Tiếng khóc trong đêm được công diễn trực tuyến và trực tiếp phục vụ các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh.

Trích đoạn Tiếng khóc trong đêm được công diễn trực tuyến và trực tiếp phục vụ các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh.

Theo NSND Quế Anh, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai, các trích đoạn cải lương công diễn trong mùa hè 2024 có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ trẻ như: Băng Châu, Đông Nguyên, Hoài Minh, Sang Sang, Thành Vinh, Hoàng Việt Trang, Hồng Gấm, Diễm Hương, Hoàng Linh… Đây là môi trường để nghệ sĩ trẻ thể hiện năng khiếu, rèn luyện kỹ năng ca, diễn. Từ việc trao cơ hội để người trẻ biểu diễn, nhà hát hy vọng sẽ nuôi dưỡng được lớp nghệ sĩ mới để nối tiếp những giá trị truyền thống của nghệ thuật cải lương.

Giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và du lịch Lê Thị Ngọc Loan cho biết, các trích đoạn sân khấu được nhà hát dàn dựng phù hợp với công diễn phục vụ nhân dân ở cơ sở. Trong đó, trích đoạn Ông Sáu rừng Sác không chỉ ôn lại lịch sử, giáo dục thế hệ hôm nay về truyền thống cách mạng vẻ vang, hào hùng của quân và dân ta mà còn hướng đến chào mừng Kỷ niệm 30 năm Ngày tái thành lập huyện Nhơn Trạch (1-9-1994 -1-9-2024).

“Với sự chuẩn bị công phu, đầu tư nghiêm túc và nỗ lực hết mình của nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai, tin tưởng rằng sân khấu cải lương sẽ tiếp tục chinh phục những người “mộ điệu”. Qua đó, ngành văn hóa phát hiện thêm nhân tố mới, bổ sung vào lực lượng kế thừa cho nghệ thuật cải lương hiện nay” - bà Loan nhấn mạnh.

Ly Na

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202406/them-nhieu-trich-doan-cai-luong-phuc-vu-khan-gia-cce59c6/