Thêm phúc lợi nhờ thỏa ước
Thỏa ước lao động tập thể được ký kết tại các đơn vị chưa có Công đoàn đã giúp cho người lao động an tâm làm việc, cống hiến
Mới đây, 73 lao động của Công ty CP Bệnh viện Mắt Quốc tế Hoàn Mỹ Sài Gòn rất vui mừng khi LĐLĐ quận 3, TP HCM đã đại diện họ ký kết thỏa ước lao động tập thể (thỏa ước) với ban giám đốc công ty. Do công ty chưa thành lập Công đoàn (CĐ) cơ sở nên việc ký kết thỏa ước đặc biệt có ý nghĩa, bởi đó chính là cam kết chăm lo của ban giám đốc đối với người lao động (NLĐ).
An tâm cống hiến
Để có được bản thỏa ước hoàn chỉnh, đội ngũ cán bộ chuyên trách LĐLĐ quận 3 đã mất nhiều thời gian lẫn công sức, từ việc rà soát tình hình hoạt động của doanh nghiệp (DN) đến việc tiếp xúc với người sử dụng lao động và NLĐ, soạn thảo, thương lượng nội dung. "Từ lúc bắt tay đến lúc ký kết thỏa ước mất khoảng 1 tháng. Trong quá trình thương lượng, cái khó là phải hài hòa lợi ích các bên liên quan" - bà Vũ Thế Vân, Chủ tịch LĐLĐ quận 3, TP HCM, chia sẻ.
Sự chỉn chu của đội ngũ cán bộ CĐ, đặc biệt là sự quan tâm của lãnh đạo DN đã giúp việc thương lượng diễn ra suôn sẻ, đáp ứng mong đợi của tập thể lao động. Thỏa ước có nhiều điều khoản có lợi cho NLĐ như được hỗ trợ 100% (hoặc một phần) kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao tay nghề; được nâng lương trước thời hạn nếu có sáng kiến, tiết kiệm nguyên vật liệu từ 10 triệu đồng trở lên.
Đặc biệt, lao động nữ trong thời gian mang thai và nuôi con nhỏ sẽ được tiếp tục ký hợp đồng lao động mới khi hợp đồng cũ hết hạn. "Với bản thỏa ước này, lao động nữ an tâm làm việc vì không chỉ quyền lợi được bảo đảm mà phúc lợi cũng được cải thiện" - chị Trần Thị Kim Thu, nhân viên Công ty CP Bệnh viện Mắt Quốc tế Hoàn Mỹ, nhận xét.
Chất lượng nội dung thỏa ước được ký kết giữa LĐLĐ quận 9, TP HCM và ban giám đốc Công ty TNHH MTV Chế biến Nông sản Tuấn Kha cũng khiến tập thể lao động tại đơn vị này hết sức phấn khởi. Thỏa ước có hiệu lực một năm, với nhiều nội dung có lợi cho NLĐ như: lương thử việc bằng ít nhất 90%; tiền ăn giữa ca 40.000 đồng/suất. Ngoài ra, NLĐ còn được các khoản phụ cấp như đi lại, nhà ở, chức vụ, tay nghề, lễ, Tết, kết hôn, khó khăn đột xuất... (thấp nhất 200.000 đồng, cao nhất 1 triệu đồng).
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Chế biến Nông sản Tuấn Kha, nhìn nhận: "Ký kết thỏa ước, không chỉ DN có trách nhiệm thực hiện đúng cam kết mà bản thân NLĐ cũng phải có ý thức, tuân thủ để đưa đơn vị phát triển. Cam kết bảo đảm tiền lương, phúc lợi trong thỏa ước cũng là cách ổn định quan hệ lao động và việc này có lợi cho DN".
Đôi bên cùng có lợi
Mới đây, tập thể lao động Công ty TNHH XNK Phú Thành Phát (quận 8, TP HCM) đã đón nhận hai niềm vui lớn, đó là công ty chính thức có thỏa ước sau nhiều năm thành lập và chưa đầy 1 tháng nữa, khi hoàn tất các thủ tục thì CĐ cơ sở sẽ chính thức được thành lập.
Điều khiến tập thể NLĐ vui mừng nhất là tuy lần đầu tiên được ký kết nhưng bản thỏa ước có nhiều nội dung cao hơn luật. Trong đó, phải kể đến chính sách nâng chất lượng bữa ăn giữa ca cho NLĐ. Cụ thể hằng tháng, ngoài tiền ăn trưa và ăn tối (1,46 triệu đồng/người/tháng), NLĐ còn được DN hỗ trợ thêm bữa ăn nhẹ (gồm bánh mì, sữa, đồ ăn nhanh…) từ 30.000 - 50.000 đồng nếu tăng ca.
Khi giá cả thị trường có thay đổi thì DN cũng sẽ điều chỉnh mức hỗ trợ để chất lượng bữa ăn không giảm sút. Không dừng lại ở đó, DN cũng đưa nhiều khoản phụ cấp vào thỏa ước như hỗ trợ xăng xe từ 200.000 - 600.000 đồng/người/tháng, hỗ trợ về nhà ở từ 1 - 1,5 triệu đồng/tháng/NLĐ, tiền trang phục 400.000 đồng/người. Hằng năm, NLĐ sẽ được thưởng lương tháng 13, được đi du lịch (mức chi phí từ 2 - 3 triệu đồng/người), khám sức khỏe định kỳ, đồng thời tăng thêm ngày nghỉ lễ cho NLĐ vào ngày thành lập DN.
Là người tham gia tích cực vào quá trình xây dựng nội dung thỏa ước, bà Đinh Thị Kiều My, trưởng phòng tài chính nhân sự công ty, cho biết công ty được thành lập hơn 10 năm nay, ban đầu chỉ có vài nhân viên. Đầu năm 2020, xưởng sản xuất của công ty mới được thành lập nâng tổng số lao động lên gần 50 người. Theo bà My, công ty phát triển được như hôm nay có công sức rất lớn của NLĐ, do vậy họ phải được chăm lo đúng mức. Đó cũng chính là lý do vì sao khi LĐLĐ quận vận động ký kết thỏa ước, ban giám đốc rất ủng hộ.
Quá trình thương thảo nội dung thỏa ước cũng diễn ra suôn sẻ khi ý kiến của NLĐ đều được tiếp thu. "Dịch bệnh gây ảnh hưởng không nhỏ đến DN, tuy nhiên công ty xác định phải chăm lo tốt nhất cho NLĐ. Cụ thể hóa chính sách chăm lo trong thỏa ước chính là cách chăm sóc NLĐ" - bà My nói. Đây là DN thứ 6 chưa có CĐ ở quận 8 được LĐLĐ quận 8 trực tiếp ký kết thỏa ước trong năm 2020.
Theo ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Chủ tịch LĐLĐ quận 8, việc ký kết thỏa ước tại các đơn vị chưa có CĐ có ý nghĩa quan trọng bởi không chỉ mang lại lợi ích tốt hơn cho NLĐ mà còn giúp cả NLĐ và DN biết và hiểu về CĐ. Việc này cũng thể hiện sự quan tâm, vai trò đồng hành của CĐ đối với NLĐ tại các đơn vị chưa thành lập CĐ.
Ông NGUYỄN THÀNH ĐÔ, Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật LĐLĐ TP HCM:
Mang lại lợi ích thiết thực cho NLĐ
Nhằm thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVC-LĐ và thực hiện kế hoạch "Nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện có hiệu quả thỏa ước" giai đoạn 2019-2023, trong năm 2020, LĐLĐ TP đã chỉ đạo CĐ cấp trên trực tiếp của 24 quận, huyện đại diện cho tập thể NLĐ tham gia xây dựng, thương lượng và ký kết thỏa ước với ban giám đốc các DN chưa thành lập CĐ. Kết quả đến nay, 150 bản thỏa ước được ký kết, qua đó 70 DN đã thành lập CĐ. Việc ký kết thỏa ước tại các đơn vị chưa có CĐ không chỉ mang lại lợi ích trực tiếp cho NLĐ, giúp ổn định quan hệ lao động mà còn góp phần quảng bá hình ảnh của CĐ, giúp DN và NLĐ hiểu về CĐ, từ đó ủng hộ và tự nguyện gia nhập CĐ .
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/cong-doan/them-phuc-loi-nho-thoa-uoc-2020102920481001.htm