Thêm quốc gia châu Á đề phòng ứng dụng AI của DeepSeek

* Cuba hướng tới phát triển hệ thống AI riêng

Deepseek. Ảnh minh họa. Nguồn: Vietnam+

Deepseek. Ảnh minh họa. Nguồn: Vietnam+

Ngày 5/2, Bộ Ngoại giao, Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc cho biết họ đã chặn quyền truy cập vào ứng dụng chatbot giá rẻ sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) của công ty khởi nghiệp DeepSeek tại Trung Quốc vì lo ngại nguy cơ thu thập dữ liệu người dùng.

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, quyền truy cập vào chatbot của DeepSeek đã bị hạn chế trên các máy tính của 2 bộ trên kết nối với mạng bên ngoài, do 2 bộ này nằm trong số các cơ quan chính phủ trọng yếu xử lý dữ liệu quan trọng liên quan ngoại giao và thương mại.

Giới phân tích nhận định động thái trên là một phần trong nỗ lực của Chính phủ Hàn Quốc nhằm chủ động giải quyết mối lo ngại rằng dữ liệu quan trọng của chính phủ có thể bị xâm phạm khi các quan chức sử dụng các ứng dụng có tích hợp AI.

Trước đó, ngày 4/2, Bộ Nội vụ và An toàn Hàn Quốc đã gửi công văn tới các cơ quan chính phủ, chính quyền đô thị và các tỉnh, kêu gọi thận trọng khi sử dụng các dịch vụ AI như DeepSeek và ChatGPT. Công văn được cho là nhấn mạnh tầm quan trọng của việc không chia sẻ thông tin cá nhân và không tin tưởng hoàn toàn vào kết quả do các dịch vụ này cung cấp.

Trong lĩnh vực kinh doanh, ngày 4/2, Công ty nền tảng Kakao của Hàn Quốc cũng đã cấm sử dụng DeepSeek cho mục đích kinh doanh, trở thành công ty công nghệ lớn đầu tiên của Hàn Quốc thực hiện lệnh này. Sáng 5/2, LG Uplus đã triển khai chính sách tương tự.

Các “ông lớn” công nghệ khác gồm Samsung Electronics, SK Group và LG Electronics cũng đã cấm các chương trình như vậy trên máy tính của công ty mà không xin phép trong bối cảnh tất cả những tập đoàn này đều đang phát triển các dịch vụ AI của riêng họ.

Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, một số cố vấn Bộ Tài chính Ấn Độ cho biết bộ này đã yêu cầu nhân viên tránh sử dụng các công cụ Trí tuệ nhân tạo (AI) bao gồm ChatGPT của công ty OpenAI (Mỹ) và DeepSeek cho các mục đích chính thức nhằm bảo mật tài liệu và dữ liệu của chính phủ.

Trước đó cùng ngày, các quốc gia như Úc và Ý đã đặt ra các hạn chế tương tự đối với việc sử dụng DeepSeek, với lý do rủi ro về bảo mật dữ liệu.

Trong tuyên bố ngày 5/2, Trung Quốc đã chỉ trích chính quyền Canberra về quyết định cấm ứng dụng trí tuệ nhân tạo DeepSeek của Trung Quốc trên các thiết bị của Chính phủ Úc vì lý do an ninh, đồng thời phản đối ý đồ “chính trị hóa các vấn đề kinh tế, thương mại và công nghệ”.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh: “Chính phủ Trung Quốc chưa từng và sẽ không bao giờ yêu cầu các doanh nghiệp hoặc cá nhân thu thập hay lưu trữ dữ liệu một cách bất hợp pháp”.

* Trong cuộc chạy đua toàn cầu về phát triển trí tuệ nhân tạo (AI), Cuba đang đặt cược vào các giải pháp nội sinh, với mục tiêu đạt được mức độ tự chủ công nghệ cao hơn, đồng thời tối ưu hóa quy trình quản trị và chẩn đoán y tế.

Theo phóng viên TTXVN tại La Habana, nhà nghiên cứu Armando Plasencia, chuyên gia về AI, cho biết mặc dù Cuba gặp nhiều khó khăn về cơ sở hạ tầng và nguồn lực, các nhà nghiên cứu, giáo sư và nhà phát triển AI của Cuba có trình độ tương đương các quốc gia khác trong lĩnh vực này.

Theo ông Plasencia, vấn đề lớn nhất là việc tiếp cận cơ sở hạ tầng công nghệ cần thiết để thực hiện các phát triển AI và đào tạo các mô hình AI. Điều này đòi hỏi một lượng lớn dữ liệu số, sức mạnh tính toán và năng lượng. Những yếu tố này đang bị cản trở bởi cuộc khủng hoảng kinh tế và tình trạng thiếu hụt năng lượng mà Cuba phải đối mặt kể từ năm 2020. Bên cạnh đó, quá trình số hóa của quốc đảo Caribe này bắt đầu muộn, khiến việc thu thập dữ liệu trở nên khó khăn hơn.

Chuyên gia Plasencia nhấn mạnh rằng việc đầu tư vào AI cần phải mang tính toàn diện và bao trùm mọi lĩnh vực của xã hội. Điều quan trọng là phải đầu tư vào việc chuẩn bị và đào tạo nguồn nhân lực, cũng như nâng cao nhận thức của công chúng về AI, nhu cầu và tầm quan trọng của công nghệ này đối với sự phát triển của đất nước.

Phải đến năm 2018, Chính phủ Cuba mới cho phép bán dịch vụ Internet cho người dân thông qua dữ liệu di động. Tháng 5/2024, Cuba đã thông qua Chính sách chuyển đổi số, Chương trình nghị sự số và Chiến lược AI. Tuy nhiên, Cuba đã đạt được những kết quả đáng kể trong việc phát triển AI, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế, với các ứng dụng nhận dạng hình ảnh (da liễu, phổi và não), theo dõi bệnh nhân mắc các bệnh như Parkinson và cấy ghép thủy tinh thể trong phẫu thuật đục thủy tinh thể.

AI cũng đã được ứng dụng trong lĩnh vực công nghiệp, như trong việc chẩn đoán hiệu quả các quy trình tại nhà máy xi măng Cienfuegos thuộc sở hữu nhà nước. Trong nông nghiệp, AI giúp dự đoán mùa màng thông qua xử lý hình ảnh trên không. Công nghệ này cũng được sử dụng để tự động hóa việc thu thập tài liệu đăng ký từ Bộ Tư pháp.

Ông Yuniesky Vasconcelos, người đứng đầu nhóm Công nghiệp số của công ty nhà nước Xetid, cho biết, kể từ năm 2023, khi AI bắt đầu được ứng dụng tại Xetid, hơn 2,5 triệu chứng chỉ đã được cấp tự động, chiếm 30% tổng số đơn xin cấp chứng chỉ.

Trong khi đó, Bộ trưởng Truyền thông Cuba Mayra Arevich Marín cho rằng việc thúc đẩy các dự án liên quan đến AI sẽ giúp tối ưu hóa việc học trong tương lai, đồng thời có tác động tích cực đến năng suất, tiết kiệm thời gian và giảm thiểu lỗi của con người. Tóm lại, AI được đánh giá là sẽ tạo ra một “cuộc cách mạng trong nhiều lĩnh vực”.

Do tình hình tài chính khó khăn, nhiều dự án AI của Cuba đã được thực hiện thông qua hợp tác quốc tế. Ông Plasencia cho biết một trong những ví dụ điển hình là sự thành lập viện nghiên cứu AI quốc tế do một số trường đại học Cuba và các trường đại học ở Hà Bắc, Trung Quốc thúc đẩy.

Tháng 12/2024, Công viên Khoa học và Công nghệ Havana (PCT) đã gia nhập Mạng lưới Liên minh AI của BRICS +, nhóm do Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi dẫn đầu, trong đó Cuba là thành viên liên kết. Liên minh này bao gồm 16 tổ chức từ 13 quốc gia, trong đó có 2 tổ chức Mỹ Latin là Hiệp hội Robot Chile và Hiệp hội các công ty và doanh nhân viễn thông Brazil. Liên minh đặt mục tiêu tạo ra một quỹ hỗ trợ thực hiện các dự án chung về AI.

Khu vực tư nhân của Cuba cũng đang phát triển mạnh trong lĩnh vực AI. Hiện nay, Cuba có 271 doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ (SME) chuyên về lập trình máy tính.

Ngoài ra, với sự hỗ trợ của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO), Cuba đang hoàn thiện phương pháp đánh giá mức độ sẵn sàng (RAM) về khả năng áp dụng AI một cách có đạo đức và có trách nhiệm.

H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/92/325657/them-quoc-gia-chau-a-de-phong-ung-dung-ai-cua-deepseek.html