Thêm tư liệu về Tiến sĩ Vũ Thoát Dĩnh huyện Gia Lộc, Hải Dương

Thông qua tấm bia mộ này, và tấm bia do chính tiến sĩ Vũ Thoát Dĩnh soạn chúng ta rõ thêm về quê hương, hành trạng của vị tiến sĩ thời Mạc.

Mục lục bài viết

Thông qua tấm bia mộ này, và tấm bia do chính tiến sĩ Vũ Thoát Dĩnh soạn chúng ta rõ thêm về quê hương, hành trạng của vị tiến sĩ thời Mạc.

1. Mở đầu

2. Vài nét về tiến sĩ Vũ Thoát Dĩnh

3. Bài văn bia chùa Phúc Long do tiến sĩ Vũ Thoát Dĩnh soạn

4. Thay lời kết

Thông qua tấm bia mộ này, và tấm bia do chính tiến sĩ Vũ Thoát Dĩnh soạn chúng ta rõ thêm về quê hương, hành trạng của vị tiến sĩ thời Mạc.

Nguyễn Văn Thinh & Ts.Nguyễn Huy Khuyến
Trung Tâm tư liệu Phật giáo Việt Nam
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 5/2024

Tóm tắt: Tiến sĩ Vũ Thoát Dĩnh (1616-?) người xã Bao Trung huyện Gia Phúc, 24 tuổi đỗ Đệ Tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Mậu Tuất niên hiệu Đại Chính thứ 9 (1538) đời Mạc Đăng Doanh, làm quan đến chức Tả thị lang, tước Minh Lễ bá, trí sĩ, tặng Thượng thư. Ông được biết đến là người biên soạn văn bia chùa Phúc Long, huyện Gia Lộc, Hải Dương. Hành trạng của ông được ghi chép trong sách Công dư tiệp ký.

1. Mở đầu

Trong một lần khảo sát văn bia tại chùa làng Khay, xã Thống Nhất huyện Gia Lộc Tỉnh Hải Dương, chúng tôi may mắn đọc được một tấm bia còn bảo quản tại chùa. Qua thông tin khắc trên bia đá chúng tôi khẳng định đây là bia mộ chí, ghi chép tên tuổi của một vị tiến sĩ triều Mạc, khoa thi năm Mậu Tuất, ông người họ Vũ được tặng Thượng Thư chức Tả thị lang. Điều đáng nói là tấm bia này được người dân tìm thấy khi xây dựng chùa làng Khay.

Chữ Mạc trên bia khắc lệch về bên phải chứ không thẳng một hàng. Có thể đây là cách viết “khiêm” của đời sau đối với triều đại trước. Bia lại được cấp huyện cung kính ghi và lập. Điều đó có thể cũng là sự tôn kính của địa phương đối với một vị tiến sĩ.

Bia khắc chữ Hán nội dung như sau:

莫戊戌科進士左侍郎贈尚書武先生之墓

褒中社人

本縣謹記

Mạc Mậu Tuất khoa Tiến sĩ Tả Thị lang tặng Thượng thư Vũ tiên sinh chi mộ. Bao Trung xã nhân. Bản huyện cẩn ký.

Nghĩa là: Mộ của tiên sinh họ Vũ, tiến sĩ khoa Mậu Tuất triều Mạc, chức Tả thị lang tặng Thượng thư. Người làng Bao Trung. Bản huyện kính cẩn ghi.

Theo Sư trụ trì cho biết: “tấm bia này được Phật tử tìm thầy trên khu đất chùa và được nhân dân báo cho biết: trước đây có mộ của cụ tiến sĩ, nay mặt đá trên khu vực mộ đã bị chìm trong khu ao phía trái nhà Tổ chùa. Trong làng có người họ Vũ nhưng không còn Gia Phả nhắc đến Vũ Thoát Dĩnh. Có lẽ còn phải chờ thêm các nhà khoa học khảo chứng để có thể biết cụ thể hơn về vị tiến sĩ thời Mạc này.

2. Vài nét về tiến sĩ Vũ Thoát Dĩnh

Vũ Thoát Dĩnh (hiệu là Đạm Trai), người xã Bao Trung. Theo sách Gia Lộc văn hiến cho biết “xưa kia tổng Bao Trung huyện Gia Lộc có 4 thôn là thôn Vô Lượng tục gọi là làng Vo, thôn Thọ Khai tục gọi là làng Khay, thôn Thường Lạc tục gọi là làng Bão và thôn Trung. Sau cách mạng tháng Tám 1945 tách ta thành 3 làng là Vô Lượng, Khay, Trung thuộc xã Thống Nhất”. Làng Khay vẫn là một làng không chịu sự thay đổi. Làng có chùa Khay xây dựng lại trên đất cũ.

(Thác bản văn bia chùa Phúc Long do Vũ Thoát Dĩnh soạn)

Năm 24 tuổi cụ Dĩnh thi Hội đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, khoa Mậu Tuất, niên hiệu Đại Chính thứ 9 (1538) đời Mạc Đăng Doanh, cụ làm quan đến chức Tả thị lang Bộ Binh, thanh hoa đạo, tán trị thừa tuyên sứ ti, thừa tuyên sứ, tước minh lễ bá, sau về trí sĩ. Khi mất cụ được truy phong chức Thượng thư. Ông mất năm nào chưa rõ, chỉ biết là mất sau khi đến tuổi già và đã được triều đình cho về trí sỹ một thời gian.

Ông được triều đình truy tặng chức Thượng Thư, vì thế, sử cũ vẫn thường gọi ông là Vũ Thượng Thư. Sinh thời, Vũ Thoát Dĩnh là người hóm hỉnh, có biệt tài làm thơ trào phúng bằng chữ Nôm. Sách Công dư tiệp ký (quyển 3) có đoạn chép về thuở hàn vi của ông như sau: “Một hôm có người tìm đến ông và xin ông soạn giúp cho mấy câu để trên mộ của thân phụ mình. Ông nghe xong, liền hỏi rằng:

– Thân phụ của anh ngày xưa làm gì?

Người đó đáp:

– Thân phụ tôi ngày trước làm chức Tài Quan.

(Thác bản văn bia chùa Phúc Long do Vũ Thoát Dĩnh soạn)

Ông đọc ngay rằng:

Sinh vi Tài Quan

Tử nhập quan tài

Kỳ sinh dã vinh

Kỳ tử dã ai

Nghĩa là:

Sống làm Tài Quan

Chết vào quan tài

Sống thì vinh hiển

Chết để bi ai

Đọc xong, ông liền bảo người ấy chép lại mà đem về. Lối văn hài hước của ông đại để là như thế. Lại có lần nọ, ông ra chợ trêu ghẹo con gái người ta, bị người ta bắt giải vào phủ. Quan phủ hỏi cung thì ông khai rằng:

Sinh ư phủ hạ

Quán tại Bao Trung

Nhân vì du thị

Xẩy gặp má hồng

Lỡ chân đạp phải

Vô tờ tư cung

Tiểu sử của tiến sĩ Vũ Thoát Dĩnh trong Công Dư tiệp ký

3. Bài văn bia chùa Phúc Long do tiến sĩ Vũ Thoát Dĩnh soạn

Thác bản bia thôn Đăng Long xã Chương Tuyền 漳泉社登龍村, sưu tầm tại chùa Phúc Long xã Lãng Xuyên tổng Hội Xuyên huyện Gia Lộc tỉnh Hải Dương. Thác bản 2 mặt, khổ 51 x 70cm, gồm 46 dòng chữ Hán, toàn văn ước khoảng 800 chữ, có hoa văn, không có chữ húy. Niên đại khắc năm Diên Thành thứ 6 (1583).

Người soạn bia là Vũ Thoát Dĩnh 武脫穎; quê quán xã Bao Trung huyện Gia Phúc (nay thuộc huyện Gia Lộc tỉnh Hải Dương); học vị: Tiến sĩ khoa Mậu Tuất niên hiệu Đại Chính thứ 9 (1538) đời Mạc Đăng Doanh; chức vị: Đặc tiến Kim tử Vinh lộc Đại phu, Binh bộ Tả Thị lang, Thanh Hoa đạo Tán trị Tuyên xứ ty Thừa tuyên sứ, tước Minh Lễ bá.

Nguyên văn chữ Hán:

福 龍 寺 碑

漳泉社登龍村善士娓為重修福龍寺碑敘并銘 嘗謂福田八。寺居其一。漳泉鄉龍村此好寺以福龍名者、義何所取。

蓋龍受水、水出泉派源、源不絕。龍在田、利見大福。重重而至、溯其源、象氣之所鍾、福之所旺。語其 形勢大路其東、上阜其北神祠寺之青龍人村寺之玄武、仁基義址、累加培築。國禱民祈、稔有靈應。真福邑笫一福地。久而弊蟲而復舊而新之必待大檀越、大慈願之大手段者。

善士阮文泰福大福山福泉范公福等菩提心、捐家貲、 先為之唱、聞見請善信出家財、樂為之助、其錢米之至、 材木之來、浩浩如源泉。荐於壬午年四月初七日、鼻工 門前三關、鼎新軒豁、僚牆二壁峙立蟬聯庵佛婆重修塑佛像十相。

宛然天竺國之樓臺、金天之世界圓成。功德 做好十分。徵銘於余、以壽此功德。余惟夫德由心、得福自己、求德之所在福之所集。這寺成則善士之德之福、不持為一鄉一邑之福、足以為天下國家之福、十祿百福于其身、于其子孫、而福慶源乎。其來矣。不惟善士然偕善士者亦然陰福陽報、愈久愈徵。是宜銘之、以為千萬世種福者動云銘曰:

瞻 彼 福 龍 介 在 州 洪

土 阜 其 北 大 路 其 東

青 龍 左 抱 白 虍 右 重

福 之 所 萃 氣 之 所 鐘

有 求 必 應 隨 感 皆 通

賢 哉 太 老 善 與 人 同

萃 材 鳩 匠 觸 穀 鼻 工

門 墻 軒 豁 佛 像 玲 瓏

功 德 圓 滿 福 祿 來 崇

等 之 天 地 相 為 始 終。

會主各士娓阮文泰

延成萬萬年之六閏二月花朝節穀日。賜戊戌科進士、 特進金紫榮祿大夫、兵部左侍郎、清華道贊治承宣使司承宣使明禮伯、柱 國。澹齋武脫穎純夫撰。書寫長寧社阮液記。紅蓼社刊書鄭維貞。
信施信施各總社。。。 (xin lược tên)
書寫謝國安記 。

Bia chùa Phúc Long

Lời thuật và bài minh về việc thiện sĩ sãi vãi thôn Đăng Long, xã Chương Tuyền trùng tu chùa Phúc Long.

Thường nghe: đất phúc có 8, thì đất chùa là một(1). Chùa tốt này thôn Long, hương Chương Tuyền, được gọi là Phúc Long. Tên đó lấy nghĩa từ đâu vậy?

Đại loại là rồng lấy nước, nước ra suối, chia vào nguồn, nguồn bất tận. Rồng tại ruộng, lợi thấy phúc lớn, ùn ùn mà đến. Ngược lên nguồn, ở đó, tú khí chung đúc, phúc trạch hưng thịnh. Nói về hình thế [chùa này] thì: đường lớn phía Đông, gò đất phía Bắc, có thanh long(2) bên chùa, miếu thần; có huyền vũ(3) bên chùa, dân thôn. Nền nhân, gốc nghĩa trải bao bồi đắp; nước cầu, dân khấn đã từng linh ứng. Thật là đất phúc bậc nhất của ấp phúc vậy.

Lâu ngày đổ nát mà muốn sửa cũ thành mới, tất đợi phương sách lớn của bậc đàn việt(4), bậc đại từ nguyện. Thiện sĩ Nguyễn Văn Thái, Phúc Đại, Phúc Sơn, Phúc Tuyền, Phạm Công Phúc, cùng phát lòng Bồ đề(5) quyên góp tiền của tư nhân, làm người xướng lên trước. Mọi người biết và nghe thấy rồi, liền mời thiện tín góp gia tài, vui mà trợ giúp. Tiền gạo đến, gỗ đá về, ào ào như nguồn suối đổ. Vào ngày 7 tháng tư, năm Nhâm Ngọ khởi công làm cửa trước, tam quan tươi mới rộng rãi; tường bên hai bức cao chắc. Lại sửa am Phật Bà, tô 10 pho tượng Phật.

Đẹp thay! Lâu đài Thiên Trúc, thế giới Kim thiên. Công đức vẹn tròn mười phần tốt đẹp, xin tôi làm bài minh để ghi công đức. Tôi ngẫm rằng: nếu đức có trong tâm, phúc tự lòng cầu thì đức sẽ đến, phúc sẽ quy tạo. Chùa này hoàn thành thì thiện sĩ được phúc đức, tạo thành phúc đức không chỉ của một hương một ấp, mà đủ làm phúc của thiên hạ, quốc gia. Mười lộc, trăm phúc đến với bản thân mình, đến với con cháu mình mà phúc lộc thì luôn là nguồn đến vậy.

Chẳng riêng một thiện sãi nào, ai có âm phúc thì được dương báo, càng lâu thì càng rạng. Bởi thế viết bài minh để làm lời khuyên của người gieo phúc cho nghìn vạn đời. Bài minh rằng:

Ngắm chùa Phúc Long Địa giới Châu Hồng
Gò cao phía Bắc Đường lớn bên Đông
Thanh long ôm trái Bạch hổ chầu bên
Phúc được ngưng tụ Khí được chung linh
Có cầu có ứng Cảm được, đều thông
Quý thay! Thái lão Thiện cùng dân thôn
Tập hợp thầy thợ Chọn ngày khởi công
Cửa tường mới rộng Phật tượng linh lung
Công đức tròn vẹn Phúc lộc về cùng
Sánh ngang trời đất Cùng nhau thủy chung.

Hội chủ các sãi vãi: Nguyễn Văn Thái tự Phúc Đại, Nguyễn Phúc tự Phúc Quảng (lược 12 vị).

Ngày lành tiết Hoa triều tháng 2 nhuận, năm Diên Thành thứ 6 (1583).

Nội dung bia ca ngợi Chùa Phúc Long ca là nơi danh lam thắng cảnh ở vào nơi phúc địa, rất là linh ứng, trải qua năm tháng đã bị hư hỏng dột nát. Nay các thiện nam, tín nữ trong thôn đứng ra hưng công tu sửa lại chùa. Năm Nhâm Ngọ (1582) đóng góp tiền, gỗ, gạo làm tam quan, 2 bức tường bao, tu tạo lại 10 pho tượng Phật. Nay việc xong dựng bia ghi lại sự việc và ghi họ và tên các vị hưng công, hội chủ, thiện nam, tín nữ đã tín thí tiền bạc vật liệu để trùng tu xây dựng chùa.

4. Thay lời kết

Như vậy, thông qua tấm bia mộ này, và tấm bia do chính tiến sĩ Vũ Thoát Dĩnh soạn chúng ta rõ thêm về quê hương, hành trạng của vị tiến sĩ thời Mạc. Mặc dù vật đổi sao dời, nhiều vết tích cũ đã mai một, nhưng việc phát hiện bia mộ có thông tin về hành trạng của ông có thể khẳng định nơi thờ và mộ của ông cạnh chùa làng Khay như lời thầy trụ trì cho biết “trước kia có bàn đá to giờ đã chìm dưới ao”.

Vấn đề này cần được các nhà nghiên cứu, và các cơ quan hữu quan tiếp tục nghiên cứu để làm sáng tỏ thêm về mảnh đất nơi đặt mộ và nơi từng phụng thờ vị tiến sĩ họ Vũ triều Mạc.

Nguyễn Văn Thinh & Ts.Nguyễn Huy Khuyến
Trung Tâm tư liệu Phật giáo Việt Nam
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 5/2024

***

CHÚ THÍCH:

(1) Bát điền: (Bát phước điền là tám ruộng phước, nếu ai ra công gieo trồng thì sẽ thu được phước lợi.

(2), (3) Thanh long: chỉ hướng Đông, Huyền Vũ: phía Bắc.

(4) Đàn việt giả: người bố thí.

(5) Bồ đề: chữ Phạn: chính giác.

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/tu-lieu-ve-tien-si-vu-thoat-dinh.html