Thêm vài giọt này vào, thịt lợn luộc vừa trắng vừa thơm, còn dễ thái

Chỉ với mẹo nhỏ này, món thịt lợn luộc của bạn sẽ thơm nức, hoàn toàn khử hết mùi tanh hôi, thịt lại mềm ngọt, cực kỳ hấp dẫn.

Thịt lợn luộc là món ăn quen thuộc trong bữa cơm của nhiều gia đình vì hương vị thanh đạm, không gây cảm giác ngấy ngán như các món thịt rán. Thịt lợn luộc có thể ăn quanh năm, dù trong mùa hè nóng bức hay mùa đông lạnh giá. Cách chế biến món này lại không quá cầu kỳ.

Tuy nhiên nhiều người thắc mắc tại sao mình luộc thịt không thơm, thậm chí là khô, luộc xong thịt còn bị thâm không hề trắng. Thực tế muốn có một đĩa thịt lợn luộc thơm ngon cũng cần có bí quyết.

Từ kinh nghiệm của bản thân, chị Nguyễn Minh Trang (Hà Nội) đã chia sẻ bí quyết luộc và thái thịt trên một diễn đàn khá lớn về ẩm thực để chị em tham khảo.

Nguyên liệu:

- 1 miếng thịt lợn (thịt ba chỉ hoặc thịt mông, nên chọn miếng to cho dễ cuộn đồng thời có phần nạc và mỡ trải khắp chiều dài miếng thịt, như vậy khi ăn không bị khô)

- 1 thìa giấm (nước chanh), 1 nhánh gừng, 1 củ hành.

- Dây ni lông hoặc dây chỉ dày và chắc, không bị phai màu.

Cách luộc thịt thơm ngon:

-Thịt lợn rửa sạch, loại bỏ phần lông còn sót lại. Xát muối quanh miếng thịt, rửa bằng giấm và nước thật sạch để loại bỏ các chất bẩn và khử bớt mùi hôi.

-Cuộn tròn miếng thịt theo dọc thớ (khi luộc xong sẽ thái theo thớ ngang), để phần da hướng ra ngoài.

-Dùng chỉ quấn nhiều vòng quanh miếng thịt. Nên buộc càng chặt càng tốt để sau khi luộc miếng thịt vẫn giữ được hình dạng và độ săn chắc.

-Luộc thịt làm 2 lần. Lần 1 luộc thịt sôi được khoảng 2-3 phút thì cho thêm vài giọt giấm (hoặc nước chanh). Mẹo nhỏ này có tác dụng khử mùi hôi và giúp thịt có màu trắng đẹp sau khi luộc. Tiếp theo vớt thịt ra, rửa lại bằng nước ấm rồi cho vào nồi nước ấm sạch, luộc tiếp. Khi luộc lần 2 thì cho thêm vài hạt muối, vài lát gừng, 1 củ hành. Muối giúp miếng thịt thêm đậm đà, gừng giúp khử mùi hôi của thịt còn hành có tác dụng tăng hương vị cho miếng thịt. Lúc này bạn luộc tầm 25-30 phút tùy kích thước và độ dày mỏng của miếng thịt.

-Dùng chiếc đũa sạch thử xiên vào miếng thịt, nếu thấy thịt không ra nước màu hồng nữa là thịt đã chín.

-Vớt thịt ra rồi thả vào 1 bát nước lạnh (hoặc đá lạnh). Cách này giúp miếng thịt săn lại, giữ được hình dáng, không bị khô và thẫm màu. Cách này còn giúp cho việc thái miếng thịt thành thớ mỏng dễ dàng hơn mà thịt không bị nát.

Một số sai lầm khiến món thịt luộc trở nên kém ngon

-Luộc quá kỹ: Nhiều người sợ thịt không đủ chín nên luộc quá lâu. Việc đun lâu khiến phần thịt nạc bị khô, lâu hơn nữa thì toàn miếng thịt bị nhũn, bở và mất đi vị ngọt, ăn nhanh ngán. Luộc thịt quá lâu cũng ảnh hưởng đến dinh dưỡng.

Theo các chuyên gia, trong nhiệt độ 200 – 300 độ C, các axit amin, creatinin, đường và hợp chất vô hại trong thịt sẽ tạo ra phản ứng hóa học, hình thành một số hợp chất có hại. Do đó, khi luộc thịt, bạn chỉ nên luộc vừa chín tới, miếng thịt sẽ giữ được vị ngọt, thơm.

-Chế thêm nước lạnh: Thêm nước lạnh vào nồi nước đang sôi là sai lầm khi luộc thịt mà rất nhiều người mắc phải. Nhiệt độ giảm đột ngột sẽ khiến protein và chất béo lập tức kết tủa, các rãnh, khe hở của thịt sẽ co lại và rất khó mềm, phần nạc sẽ bị cứng hơn, mùi vị tươi ngon của thịt cũng bị ảnh hưởng. Do đó bạn nên đổ nước ngập thịt khi luộc, nếu cần cho thêm thì hãy chế nước sôi vào.

-Chọc kiểm tra liên tục: Vì sốt ruột hoặc vì sợ không kiểm soát được độ chín của miếng thịt, nhiều người thường xuyên chọc đũa, lật thịt trong quá trình luộc. Điều này sẽ khiến chất ngọt trong miếng thịt tiết ra ngoài nhiều, làm mất đi độ ngọt, thịt cũng khô hơn.

-Thái thịt ngay khi vừa luộc: Muốn đảm bảo độ nóng, nhiều người thái thịt ngay khi vừa luộc. Đây là một sai lầm vì lúc này, bạn sẽ khó thái được miếng thịt đẹp, "sắc nét" do nó còn mềm, bở. Tốt nhất là bạn cho miếng thịt vào tô nước nguội khoảng một phút rồi mới mang ra thái, thịt vẫn ấm nóng, vừa ngon vừa đẹp mắt.

Minh Hoa (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/them-vai-giot-nay-vao-thit-lon-luoc-vua-trang-vua-thom-con-de-thai-204240730231033403.htm