Thép phục hồi kém, xi măng khó tăng trưởng cao

Các chuyên gia của TPS cho rằng, sự phục hồi của ngành thép vẫn còn hạn chế, nhu cầu xi măng trong nước khó đạt mức tăng trưởng cao, trong khi đó ngành đá được kỳ vọng sẽ có sự cải thiện, đặc biệt là các doanh nghiệp ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Công ty Chứng khoán TPS (TPBS) đã có những cập nhật về tình hình cũng như triển vọng của ngành vật liệu xây dựng cho nửa cuối năm 2024. Cơ hội phục hồi chung của ngành thép, xi măng và đá cho nửa cuối năm đều đến từ đầu tư công. Dù vậy, các chuyên gia của TPS cho rằng sự phục hồi của ngành thép vẫn còn hạn chế, nhu cầu xi măng trong nước khó đạt mức tăng trưởng cao, trong khi đó ngành đá được kỳ vọng sẽ có sự cải thiện, đặc biệt là các doanh nghiệp ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Nhìn chung, sản lượng thép thành phẩm sản xuất trong 3 tháng đầu năm ghi nhận mức tăng đáng kể so với cùng kỳ nhưng vẫn thấp hơn mức tiêu thụ trong 2020, 2021 và 2022. Mức tăng sản lượng ghi nhận chủ yếu đến từ sự phục hồi của nền kinh tế nói chung và ngành đầu tư công hoặc xây dựng nói riêng. Tuy nhiên, mức phục hồi vẫn khá khiêm tốn và đơn hàng chủ yếu tập trung cục bộ ở những doanh nghiệp thép lớn.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Theo TPS, triển vọng phục hồi nền kinh tế cũng như các đơn hàng thép nội địa có xu hướng thấp hơn dự kiến. Tại Việt Nam, ngành thép có mức độ phụ thuộc lớn vào ngành xây dựng, đầu tư công và bất động sản do sản lượng thép tiêu thụ lớn nhất vẫn là thép xây dựng và các sản phẩm thép liên quan đến các công trình.

“Theo một báo cáo từ VNR, ở tất cả các phân khúc xây dựng, tỷ lệ doanh nghiệp bày tỏ lạc quan về triển vọng đều cao hơn so với kết quả khảo sát 2023. Việc đẩy mạnh đầu tư công và sự gia tăng nguồn vốn FDI là cơ sở củng cố niềm tin đối với mảng xây dựng hạ tầng và xây dựng công nghiệp. Tuy nhiên, các khó khăn tồn đọng trong thiếu vốn hay nợ đọng cũng ảnh hưởng lớn đến tiến độ giải ngân và hoạt động ngành xây dựng”, các chuyên gia của TPS cho biết.

Theo đó, công ty chứng khoán này cho rằng sự phục hồi ngành sẽ vẫn hạn chế vì đơn hàng chỉ tập trung chủ yếu với các doanh nghiệp lớn trong khi các doanh nghiệp nhỏ hơn lại gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đơn hàng mới. TPS đánh giá khả quan đối với ngành thép với mức tiêu thụ được ước tính phục hồi tăng chỉ từ 10-15% so với cùng kỳ.

Theo TPS, giá thép nguyên liệu vào các tháng đầu năm 2024 đã có mức giảm nhất định. Tình hình tồn kho tăng và đầu ra thép tại Trung Quốc ngày càng khó khăn hơn đã giúp chi phí nguyên vật liệu sản xuất thép giảm bớt áp lực tăng giá. Do cả nguyên vật liệu thô và bán thành phẩm HRC đều có mức giảm lớn hơn so với điều chỉnh giá, TPS dự báo các doanh nghiệp thép trong năm nay có khả năng rất lớn cải thiện được biên lợi nhuận gộp và biên lãi thuần để vượt qua khó khăn và vực dậy từ mức đáy của năm 2023.

Về ngành xi măng, ước tính trong quý I, tiêu thụ xi măng đạt mức thấp nhất kể từ quý III/2021, thời điểm áp dụng giãn cách xã hội vì dịch Covid-19. Nguyên nhân chính là do yếu tố mùa vụ (nghỉ Tết Nguyên đán) và nhu cầu thị trường vẫn chưa có nhiều phục hồi đáng kể.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong quý I/2024, ngành xi măng đã xuất khẩu khoảng 7,9 triệu tấn sản phẩm, thu về 298 triệu USD. Mặc dù sản lượng xuất khẩu không thay đổi so với cùng kỳ năm ngoái, giá trị lại giảm 11,7%. Đặc biệt, xu hướng giảm này đã tiếp tục kéo dài sang năm thứ ba liên tiếp.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

TPS cho biết, tính đến năm 2024, cả nước có 61 nhà máy xi măng hoạt động, tổng công suất thiết kế khoảng 117 triệu tấn mỗi năm, năng lực sản xuất thực tế có thể vượt 130 triệu tấn mỗi năm. Hiện tại, 80% sản lượng xi măng được sản xuất từ các dây chuyền có công suất lớn và công nghệ tiên tiến, hiện đại, trong khi 20% còn lại đến từ các dây chuyền xi măng lò quay có công suất nhỏ.

TPS cho rằng, trước tình hình này, các doanh nghiệp xi măng phải tìm đường xuất khẩu để duy trì sản xuất. Nếu không xuất khẩu, ngành xi măng sẽ gặp khó khăn, trong đó các doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn về tài chính.

“Theo chia sẻ từ nhiều doanh nghiệp xi măng, trong những tháng cuối năm 2024, rủi ro từ nền kinh tế toàn cầu vẫn sẽ tồn tại và tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Mặc dù nhu cầu xi măng trong nước có thể được cải thiện, nhưng khó có thể đạt mức tăng trưởng cao đủ để tiêu thụ hết công suất của các nhà máy hiện tại”, các chuyên gia của TPS cho biết.

Được biết, Chính phủ đang ưu tiên nguồn lực triển khai các giải pháp đồng bộ, sẽ đẩy nhanh tiến độ phê duyệt và triển khai 16 dự án với tổng kinh phí 2,5 tỷ USD để phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Nếu các dự án này sớm được triển khai, TPS cho rằng sẽ là cơ hội lớn cho ngành xi măng phục hồi. Ngoài ra, các dự án lớn như sân bay Long Thành, hay cao tốc Bắc Nam cũng sẽ giúp cho tình hình tiêu thụ xi măng được cải thiện trong các quý cuối năm 2024.

Về ngành đá, theo TPS, nhu cầu sử dụng đá xây dựng phục vụ cho các dự án đầu tư công là rất lớn. Theo Bộ Giao thông Vận tải, nhu cầu về đá xây dựng cho các công trình hạ tầng trong giai đoạn 2023-2025 rơi vào khoảng 21,5 triệu m3 (tăng 38% so với giai đoạn 2016-2021).

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Nhu cầu đá cho các dự án lớn như sân bay Long Thành là 2,05 triệu m3; đường vành đai 3 TP. HCM là 5,2 triệu m3 đá xây dựng. Nguồn cung đá xây dựng có cơ chế riêng đối với các dự án cao tốc Bắc Nam.

Trong bối cảnh này, TPS cho rằng Bộ Kế hoạch và Đầu sẽ tập trung vào việc tăng cường giải ngân vốn đầu tư công, với mục tiêu đạt trên 95% kế hoạch do Thủ tướng Chính phủ giao trong năm 2024.

Điều này sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ đá xây dựng, đặc biệt là ở khu vực Đông Nam bộ. Với việc các dự án ở phía Nam trong năm nay có được sự quan tâm, các doanh nghiệp ngành đá xây dựng ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long được kỳ vọng sẽ có sự cải thiện so với năm 2023 nhờ vào lợi thế về địa lý cũng như nhu cầu tăng.

Hải Đường

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/thep-phuc-hoi-kem-xi-mang-kho-tang-truong-cao-d112365.html