Thép Việt được bảo hộ trước hàng Trung Quốc
Việt Nam sẽ áp thuế chống bán phá giá tạm thời đối với một số sản phẩm thép cán nóng từ Trung Quốc. Đây là quyết định do Bộ Công Thương công bố vào ngày 21/2 vừa qua.
Quyết định này đánh dấu một bước tiến quan trọng trong nỗ lực bảo vệ ngành sản xuất thép trong nước trước áp lực cạnh tranh không lành mạnh từ hàng nhập khẩu giá rẻ.
Mức thuế áp dụng lên từng loại sản phẩm cụ thể dao động từ 19,38% đến 27,83%. Thuế chống bán phá giá tạm thời có hiệu lực 15 ngày sau ban hành, áp dụng trong 120 ngày.
Chống bán phá giá là biện pháp được áp dụng trong trường hợp hàng hóa được xác định bị bán phá giá khi nhập khẩu, gây ra thiệt hại đáng kể hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể đến ngành sản xuất trong nước hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước. Áp thuế chống bán phá giá là một trong các giải pháp để chống bán phá giá, giúp bảo vệ nền sản xuất trong nước.
Thuế chống bán phá giá tạm thời là bước 1 của quá trình chống bán phá giá. Bước tiếp theo là các bên sẽ làm việc với nhau sau khi điều tra về việc bán phá giá. Bên bán có thể điều chỉnh giá bán tự nguyện, hoặc điều chỉnh khối lượng tự nguyện. Nếu bên mua (bên nhập khẩu) không chấp nhận mức điều chỉnh đó thì họ sẽ áp thuế chống bán phá giá chính thức.
Thuế chống bán phá giá là cách các quốc gia bảo vệ nền sản xuất trong nước, nhưng là trên các cơ sở rõ ràng, theo những thông lệ được chấp nhận trên toàn cầu.
Theo dữ liệu từ FiinPro, năm 2024 Việt Nam nhập khẩu 12,6 tỷ USD sắt thép các loại, trong đó có loại thép cán nóng mà chúng ta vừa áp thuế lên Trung Quốc. Mức nhập khẩu này tăng 20,6% so với năm 2023.
Trung Quốc là quốc gia xuất khẩu sắt thép nhiều nhất sang Việt Nam, chiếm tỷ trọng tới gần 60% kim ngạch nhập khẩu sắt thép của chúng ta. Tỷ trọng này vào năm 2023 là trên 54%.
Việc Việt Nam đánh thuế lên thép cán nóng Trung Quốc có thể là tin vui đối với ngành sản xuất thép trong nước. Hoặc là tin vui với hai doanh nghiệp sản xuất thép cán nóng trong nước là Hòa Phát và Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh. Đây là hai doanh nghiệp yêu cầu Bộ Công Thương mở cuộc điều tra về việc bán phá giá thép cán nóng từ Trung Quốc và Ấn Độ. Yêu cầu này đã được gửi lên Bộ Công Thương từ giữa năm 2024, đến nay mới có kết quả.
Thép cán nóng là nguyên liệu đầu vào để sản xuất các sản phẩm tôn thép mạ kẽm, mạ lạnh, mạ màu, ống thép, các sản phẩm thép được sử dụng trong nhiều ứng dụng của ngành xây dựng, cơ khí và các ngành công nghiệp khác. Hòa Phát và Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đang sản xuất không đủ cho nhu cầu trong nước.
Như vậy, đánh thuế lên thép cán nóng nhập khẩu từ Trung Quốc, nhà cung ứng lớn nhất về sản phẩm này cho Việt Nam có thể gây ra ảnh hưởng đến giá thép cán nóng nói riêng, giá các sản phẩm từ thép nói chung trên thị trường Việt Nam, cụ thể là tăng giá. Ngành xây dựng, sản xuất ô tô, chế tạo máy, và thậm chí các ngành sản xuất tôn mạ… sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực, ít nhất là trong ngắn hạn.
Tất nhiên, tác động này sẽ khiến các doanh nghiệp phải tìm nguồn cung mới. Nhưng mọi sự dịch chuyển đều gây tổn thương ở một mức độ nào đó trong những tháng ngày đầu tiên. Việt Nam nhìn chung khá ôn hòa trong các chính sách đối ngoại, ít khi có những quyết định gây sốc, ảnh hưởng tới quan hệ ngoại giao với các quốc gia khác. Nên, một khi quyết định áp thuế chống bán phá giá lên một mặt hàng nào đó từ một quốc gia, thông điệp cứng rắn đã được phát đi.
Trung Quốc sẽ phản hồi thế nào, các doanh nghiệp thép Trung Quốc sẽ phản ứng ra sao với chính sách này là điều chúng ta phải tính đến.
Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/thep-viet-duoc-bao-ho-truoc-hang-trung-quoc-305140.htm