Thêu hồn dân tộc
Từ những sợi chỉ tơ óng ả nhiều màu sắc, bàn tay khéo léo của những nghệ nhân làng nghề Xuân Nẻo đã 'vẽ' nên những bức tranh đẹp về con người, quê hương, đất nước Việt Nam.
Trải qua thăng trầm, những nghệ nhân của làng nghề thêu Xuân Nẻo, xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ) vẫn bền bỉ giữ nghề. Từ bàn tay khéo léo, họ thêu chân dung Bác Hồ, cờ Tổ quốc và cả những bức tranh quê sống động, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam.
Thêu chân dung Bác Hồ
Điệu chèo ngân nga trên căn gác nhỏ của gia đình bà Phạm Thị Hòa tạo không gian thư thái cho các nghệ nhân thêu Xuân Nẻo thỏa sức sáng tạo. Bằng đôi tay tài hoa, từ những cuộn chỉ đủ sắc màu, thợ thêu làng Xuân Nẻo có thể tạo ra những bức tranh sống động về con người, thiên nhiên đất nước Việt Nam.
Cần mẫn kéo từng sợi chỉ mảnh, nghệ nhân Phạm Thị Hòa có hơn 60 năm tuổi nghề giới thiệu tỉ mỉ cho chúng tôi kỹ thuật thêu tranh. Bàn tay nghệ nhân uyển chuyển, điêu luyện, nhanh nhưng vẫn chính xác. Phía dưới khung thêu, bàn tay trái lão luyện đón, bắt từng mũi kim xuyên xuống với tốc độ nhanh chóng mặt mà không nhầm, không lỗi.
Điêu luyện như vậy nhưng để thêu được bức tranh chân dung Bác Hồ đòi hỏi thợ thêu phải có kỹ thuật riêng. Ngoài phối màu chỉ, mỗi đường kim còn phải truyền vào đó thần thái của Người. Bà Hòa cho biết để thêu chân dung Bác Hồ, ngoài chân thực, sống động còn phải làm sao thể hiện được phong thái rất riêng của Người, nhất là đôi mắt. “Thêu chân dung Bác Hồ tôi đã phải làm đi làm lại rất nhiều lần. Không chỉ ngắm ảnh Bác mà tôi còn xem nhiều bộ phim tài liệu về Người để có thể cảm nhận kỹ về tâm hồn của vị Cha già của dân tộc. Khi đã bắt được thần thái thì thêu chân dung Bác mới có hồn. Mãi đến năm 2012, tôi mới thêu được bức chân dung Bác Hồ ưng ý nhất”, bà Hòa nói.
Ở Xuân Nẻo, những bức tranh thêu mang dáng hình lãnh tụ được nhiều nghệ nhân thể hiện như hình Bác Hồ làm việc bên nhà sàn, hình Bác với các cháu thiếu nhi... Điều đặc biệt là khi thêu chân dung Bác, các nghệ nhân thường thêu luôn cờ Tổ quốc để treo cùng. Những bức tranh về Bác thường được các tổ chức mua làm quà tặng hoặc treo ở trụ sở cơ quan… Theo các nghệ nhân Xuân Nẻo, thêu tranh Bác Hồ khó nhất là đôi mắt, chòm râu và vầng trán. Đó là những nét rất khác biệt của Bác so với nhiều người khác. Vì vậy, những chi tiết này thường được các nghệ nhân chau chuốt. “Chi tiết, tỉ mỉ đến từng sợi chỉ. Chỗ này dùng chỉ mảnh màu này, chỗ khác lại dùng chỉ mảnh màu khác. Đôi khi chúng tôi còn phải kết hợp hai loại chỉ rất mảnh vào một đường nét để toát được thần thái, chân dung của Bác”, nghệ nhân Nguyễn Thị Hoan chia sẻ.
Cho đến nay, chưa có một thống kê cụ thể ở Xuân Nẻo có bao nhiêu nghệ nhân từng thêu chân dung hay các bức tranh liên quan đến Bác Hồ, nhưng với lòng tôn kính nên nhiều người dù mắt đã mờ vẫn bền bỉ, cần mẫn thêu những bức tranh đẹp về vị Cha già kính yêu của dân tộc.
Đậm màu quê hương
Thợ thêu ở Xuân Nẻo còn nổi tiếng với những bức tranh thêu đậm màu sắc quê hương. Đó là những cánh đồng lúa vàng thẳng cánh cò bay, thấp thoáng mái đình, cây đa, bến nước. Qua tranh thêu, hình ảnh làng quê Việt Nam với những hội làng nhộn nhịp, giàu bản sắc văn hóa cũng được thể hiện sống động. Các nghệ nhân làng Xuân Nẻo còn thêu những bức tranh về di sản văn hóa, cảnh sắc thiên nhiên của đất nước để giới thiệu đến bạn bè quốc tế như vịnh Hạ Long, Sa Pa, chùa Một Cột...
Nhiều khách du lịch khi về Hải Dương, thăm Xuân Nẻo, rất thích thú với những bức tranh sống động như thật về chân dung lãnh tụ, các địa danh, di sản thiên nhiên thế giới... Có những bức tranh thêu lớn, nhiều chi tiết tỉ mỉ cần đến 10 thợ thêu trong vài tháng mới xong và giá bán cũng lên tới vài trăm triệu đồng. Chính tình yêu nghề, sự cần mẫn của những nghệ nhân đã khiến cho tranh thêu Xuân Nẻo ngày càng độc đáo, tinh xảo và phá cách.
Huyện Tứ Kỳ dự kiến xây dựng điểm du lịch làng nghề thêu ren truyền thống tại xã Hưng Đạo. Đây là một phần trong Đề án “Xây dựng và phát triển du lịch huyện Tứ Kỳ giai đoạn 2021-2025”. Khi điểm du lịch này hình thành, đây sẽ là nơi trải nghiệm, tham quan của khách du lịch trong và ngoài nước. Với tinh hoa làng nghề được gìn giữ nhiều đời, mỗi du khách đến thăm, trải nghiệm sẽ cảm nhận được hồn cốt quê hương qua từng đường kim mũi chỉ.
Xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ) hiện có khoảng 200 thợ thêu, trong đó có 11 nghệ nhân (1 Nghệ nhân Nhân dân, 3 Nghệ nhân Ưu tú và 7 Nghệ nhân Làng nghề). Nghề thêu ở Hưng Đạo đã có từ lâu đời với nhiều sản phẩm thủ công truyền thống đặc sắc, hấp dẫn du khách, nhất là khách nước ngoài.
Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/theu-hon-dan-toc-355125.html