Thi đua ái quốc từ lời kêu gọi của Bác Hồ

Ngày 11-6-1948, kỷ niệm 1.000 ngày kháng chiến toàn quốc, Bác Hồ đã ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc. Từ đó, ngày này hàng năm đã trở thành ngày truyền thống thi đua ái quốc của đất nước.

 Ảnh: TTXVN

Ảnh: TTXVN

Với bản lĩnh chính trị và tầm nhìn cao, xa và rộng, qua lời kêu gọi, Bác muốn khơi dậy “lòng yêu nước và chí quật cường” của nhân dân ta; khơi dậy “lực lượng vô tận của dân tộc ta”; khơi dậy “lòng yêu nước và chí kiên quyết của nhân dân và quân đội ta” để phục vụ đắc lực cho công cuộc kháng chiến kiến quốc. Bác nêu rõ “mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ, đều cần trở nên một chiến sĩ tranh đấu trên mặt trận: quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa”...

Từ lời kêu gọi đó của Bác, cả nước đã dấy lên phong trào thi đua ái quốc rất sôi nổi và hiệu quả. Đại hội toàn quốc các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu lần thứ nhất (từ ngày 1-5-1952 đến ngày 6-5-1952 với 154 chiến sĩ tiêu biểu cho các lực lượng công, nông, binh, trí thức và lực lượng vũ trang trên toàn quốc) đã tuyên dương 7 anh hùng chiến sĩ thi đua, gồm 4 anh hùng quân đội là Cù Chính Lan, Nguyễn Quốc Trị, La Văn Cầu, Nguyễn Thị Chiên và 3 anh hùng lao động là Trần Đại Nghĩa, Ngô Gia Khảm, Hoàng Hanh. Phong trào thi đua yêu nước đã tiếp thêm sức mạnh cho cuộc kháng chiến của nhân dân ta.

Đặt trong tình hình hiện nay, Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Bác Hồ vẫn vang vọng non sông, thúc giục toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiến lên phía trước nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; chuẩn bị thật tốt cho đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng. Điều này nhắc nhở chúng ta bảo đảm tính thiết thực, hiệu quả của các phong trào thi đua. Muốn thế, phải đặt toàn bộ phong trào thi đua yêu nước ở tất cả các lĩnh vực, các cấp vào mục tiêu chung.

Nghĩa là phải bảo đảm tính hướng đích, bảo đảm cho mọi sức mạnh đều hướng vào mục tiêu phát triển mà đường lối của Đảng đã nêu; phải tạo cho được sức mạnh tổng hợp, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, trong đó phải biến ngoại lực thành nội lực, và nội lực luôn luôn có tính quyết định, ngoại lực là quan trọng; phải phòng, tránh và chống bệnh hình thức trong phong trào thi đua, khắc phục tình trạng như nhiều người hay nhắc nhở là chớ có “đánh trống bỏ dùi”, “phát mà không động”, “nói không đi đôi với làm”, “làm qua loa chiếu lệ”; phải đề phòng và chống “bệnh thành tích”, tránh tình trạng thưởng - phạt vừa không đúng, vừa không nghiêm, vừa không kịp thời, vừa không tương xứng, làm mất đi động lực.

Chúng ta cũng phải chú ý tạo ra và nhân rộng điển hình tiên tiến. Trong đó, cán bộ, đảng viên, nhất là những cán bộ chủ chốt, người đứng đầu, người trong bộ máy của hệ thống chính trị, phải gương mẫu đi tiên phong trong các phong trào thi đua. Muốn làm được phải bắt đầu từ những cán bộ chủ chốt, vì họ là những người đầu tàu, người tiên phong kéo theo cả phong trào. Họ phải là những gương sáng, không bụi mờ, tiêu biểu cho khí thế, bản lĩnh chính trị cũng như ý chí, trí tuệ, đức và tài, tiêu biểu cho sức mạnh cho cả một tập thể. Cùng với đó, cần bảo đảm sự lãnh đạo đúng đắn cho phong trào thi đua ái quốc. Những tổ chức và cán bộ lãnh đạo phải luôn làm tròn trách nhiệm, chăm lo tới sự lớn mạnh của phong trào.

Ngày nay, trong hoàn cảnh mới, yêu cầu đặt ra cho các phong trào thi đua ngày càng cao thì trách nhiệm lãnh đạo của các tổ chức chính trị - xã hội càng cần được chú trọng hơn. Sự lãnh đạo này phải bảo đảm cho tất cả phong trào có mục tiêu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; bảo đảm có hình thức phong phú, có phương pháp phù hợp và phải có hiệu quả.

Đất nước ta đã vượt qua biết bao trở ngại để đi lên. Phong trào thi đua ái quốc là một giải pháp chiến lược để phát triển bền vững. Đó cũng là thông điệp quý giá mà Bác Hồ kính yêu đã nêu lên từ cách đây gần 80 năm.

GS MẠCH QUANG THẮNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/thi-dua-ai-quoc-tu-loi-keu-goi-cua-bac-ho-post744017.html