Thi đua xây dựng Hà Nội là trung tâm hội tụ, lan tỏa giá trị văn hóa
Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 34-CT/TƯ về 'Tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng' và trao giải 'Cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt', báo Lao động Thủ đô có tác phẩm 'Người thầm lặng vá những con đường' của nhóm tác giả Phạm Thảo - Phạm Thắng đạt giải Ba.
Sáng 11/6, Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TƯ ngày 7/4/2014 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng” và Cuộc thi viết về điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt.
Làm cho phong trào thi đua của Hà Nội có sức sống mạnh mẽ
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đánh giá cao thành phố Hà Nội đã tích cực, chủ động, là một trong những địa phương đầu tiên tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TƯ. Qua tổng kết cho thấy, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã nghiêm túc quán triệt, triển khai tổ chức thực hiện có hiệu quả chỉ thị, luôn đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, đạt được nhiều thành tựu nổi bật.
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân nêu rõ, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra mục tiêu đến năm 2030, nước ta là nước đang phát triển, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Để đạt được các mục tiêu đó, đòi hỏi sự quyết tâm cao độ, sự chung sức, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Hà Nội phát triển nhanh và bền vững sẽ góp phần quan trọng lan tỏa, thúc đẩy cả nước cùng phát triển.
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đề nghị trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục bám sát chỉ đạo của Trung ương, cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ được nêu trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, nhất là Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân; khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế; tranh thủ thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức; phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.
Trong quá trình đó, Hà Nội cần phát huy vai trò tích cực của công tác thi đua khen thưởng và những kết đã đạt được, đồng thời khắc phục hạn chế đã được chỉ ra. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước trong các lĩnh vực, trong toàn hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân.
Đặc biệt là, thi đua cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; lấy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực then chốt. Thi đua phát triển văn hóa, xây dựng Hà Nội thực sự là trung tâm hội tụ, kết tinh, lan tỏa những giá trị văn hóa của cả nước, trở thành nguồn lực phát triển mới.
Thi đua xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị đoàn kết, trong sạch, vững mạnh; hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách phù hợp, đặc thù; sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ cao, có phẩm chất đạo đức trong sáng, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Phát huy quyền làm chủ và vai trò của nhân dân trong việc tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; tăng cường mối quan hệ mật thiết của Đảng với nhân dân.
Đồng thời, chú trọng công tác tuyên truyền, nhân rộng, tạo sức lan tỏa sâu rộng các gương điển hình tiên tiến, “Người tốt, việc tốt”; động viên, khen thưởng kịp thời, xứng đáng đối với những tập thể, cá nhân lập được thành tích xuất sắc trong học tập, lao động, công tác, cống hiến cho xã hội; làm cho các phong trào thi đua của Hà Nội có sức sống mạnh mẽ trong đời sống xã hội, trở thành hình mẫu cho các địa phương trong cả nước, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Thủ đô trong giai đoạn mới.
Khâu đột phá trong phát hiện gương điển hình tiên tiến
Theo UBND thành phố Hà Nội, qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị, công tác thi đua, khen thưởng của Thành phố đã đạt được những hiệu quả tích cực, với nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội các cấp về công tác này được nâng lên, xác định là động lực, biện pháp quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Các phong trào thi đua yêu nước có nhiều đổi mới về nội dung và hình thức, thiết thực, hiệu quả hơn. Công tác khen thưởng đã có tác dụng động viên, cổ vũ kịp thời các tập thể và cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc, với chất lượng ngày càng được nâng cao, góp phần thúc đẩy phong trào thi đua; việc bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến có bước chuyển tích cực.
Đặc biệt, khâu đột phá trong công tác phát hiện gương điển hình tiên tiến là từ năm 2015 đến nay, Thành phố phát động và tổ chức Cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt trong phong trào thi đua yêu nước. Với tiêu chí phát hiện được đưa lên hàng đầu, Cuộc thi đã tạo hiệu ứng lan tỏa, thu hút đông đảo thành phần xã hội tham gia.
Tại hội nghị, các tập thể, cá nhân thực hiện tốt Chỉ thị số 34-CT/TƯ và Cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt đã được biểu dương, khen thưởng, cụ thể: 10 tập thể đã được nhận Bằng khen của Ban Thường vụ Thành ủy; 20 tập thể được nhận Cờ Thi đua của UBND thành phố; 44 tác giả, nhóm tác giả được nhận Bằng “Sáng kiến Thủ đô”.
Ban tổ chức cũng đã trao giải cho các tác giả, đại diện nhóm tác giả đạt giải trong Cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt năm 2024. Cụ thể có 2 giải Nhất; 4 giải Nhì; 5 giải Ba.
Báo Lao động Thủ đô có tác phẩm “Người thầm lặng vá những con đường” do nhóm tác giả Phạm Thảo - Phạm Thắng thực hiện vinh dự đạt giải Ba cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt năm 2024.