Thị giá cổ phiếu MVN tiếp tục kéo dài xu hướng tăng 12 phiên không ngắt quãng, vốn hóa của VIMC vươn lên cao nhất ngành cảng và vận tải biển

Chỉ sau chưa đầy 3 tuần, cổ phiếu MVN của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam - CTCP (VIMC) đã vượt mốc đỉnh lịch sử thiết lập vào tháng 8/2021, kéo theo vốn hóa tăng mạnh lên gần 75.000 tỷ đồng.

Bước vào phiên sáng 20/6, cổ phiếu MVN tiếp tục tăng kịch khung lên mức 62.400 đồng/cp, đánh dấu phiên tăng trần thứ 3 liên tiếp, tiếp tục kéo dài xu hướng tăng 12 phiên không ngắt quãng. Con số này đã phá mốc giá đỉnh kỷ lục mà doanh nghiệp này từng đạt được hồi tháng 8/2021 là 50.700 đồng/cp.

Tính từ đầu tháng 6 đến nay, cổ phiếu MVN đã ghi nhận mức tăng hơn 180%, từ mức giá 19.000 đồng/cp.

Vốn hóa thị trường của VIMC cũng theo đó tăng mạnh chỉ sau chưa đầy 3 tuần, lên gần 75.000 tỷ đồng, cao nhất ngành cảng và vận tải biển.

Vốn hóa VIMC tăng mạnh lên gần 75.000 tỷ đồng.

Vốn hóa VIMC tăng mạnh lên gần 75.000 tỷ đồng.

Sự tăng tốc mạnh mẽ của cổ phiếu MVN diễn ra trong bối cảnh giá cước container tăng phi mã thời gian gần đây. Việc này cũng đã tác động tích cực đến hầu hết cổ phiếu của các doanh nghiệp vận tải biển.

Theo thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam, thời gian qua, giá dịch vụ vận tải container trên thế giới tăng 12%, trong đó giá dịch vụ từ châu Á đến châu Âu tăng từ 11-14% và từ châu Mỹ về châu Á không đổi. Riêng với các tuyến nội Á ổn định hơn, tăng nhẹ khoảng 5-10%.

Báo cáo cập nhật từ các công ty môi giới tàu biển, các chuyên trang nghiên cứu hàng hải thế giới cho thấy, giá cước vận tải container tuyến hàng hải quốc tế đã tăng hơn 70% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng hơn 110% so với thời điểm trước đại dịch COVID-19. Nhiều doanh nghiệp cảng dự báo thời gian tới, cùng với nguy cơ thiếu container rỗng, giá cước vận tải biển có thể tăng chạm ngưỡng thời điểm dịch COVID-19.

Mức giá container tăng vọt do các nguyên nhân như nguồn cung tàu container bị hạn chế bởi các tàu đang phải định tuyến lại quanh khu vực biển Đỏ do xung đột chiến sự, do thị trường bước vào mùa cao điểm và tình trạng thiếu container rỗng gia tăng.

Ông Phạm Quốc Long, Chủ tịch Hiệp hội Đại lý, Môi giới và Dịch vụ hàng hải Việt Nam (Visaba) cho biết, trước đây, các hãng tàu báo giá cước container cho thời gian từ 15-30 ngày nhưng hiện chỉ báo giá theo tuần. Giá cước có xu hướng tăng nhanh và liên tục, thậm chí có thể thay đổi ngay trong ngày. Giá cước hiện nay gấp đôi trước dịch nhưng vẫn thấp hơn 5 lần so với thời điểm dịch COVID-19.

Về kết quả kinh doanh, quý I/2024, VIMC ghi nhận doanh thu đạt 3.596 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 576 tỷ đồng, lần lượt tăng 26% và 19% so với cùng kỳ 2023.

Được biết, VIMC là đơn vị sở hữu đội tàu lớn nhất cả nước và đóng vai trò vận tải quan trọng của nền kinh tế. Đội tàu của VIMC hiện đang chiếm tới 25% tổng dung tích đội tàu trong cả nước, trong đó có những loại tàu hàng rời cỡ lớn đến 73.000 DWT, hàng năm chuyên chở 60% hàng hóa xuất và nhập khẩu vào Việt Nam, góp phần vào việc mở rộng giao thương của Việt Nam tới rất nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ.

Châu Anh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//co-phieu/thi-gia-co-phieu-mvn-tiep-tuc-keo-dai-xu-huong-tang-12-phien-khong-ngat-quang-von-hoa-cua-vimc-vuon-len-cao-nhat-nganh-cang-va-van-tai-bien-1100530.html