Thi hoa hậu tràn lan: 'Gõ đầu' cơ quan chủ quản

Nếu như ngày xưa, các cuộc thi hoa hậu 'chui' với quy mô nhỏ lẻ diễn ra tràn lan thì giờ đây, tình trạng 'dẫm đạp', trùng tên ở các cuộc thi đang ở mức báo động. Trách nhiệm của cơ quan chủ quản ở đâu khi để tình trạng loạn các cuộc thi hoa hậu diễn ra liên tiếp, công khai?

Trùng tên, loạn hoa hậu công khai

Theo quy định cũ, một năm, Bộ cấp phép cho hai cuộc thi hoa hậu cấp quốc gia, ba đến năm cuộc thi hoa khôi và một số cuộc thi người đẹp khác, ước chừng 12 cuộc.

Theo quy định cũ, một năm, Bộ cấp phép cho hai cuộc thi hoa hậu cấp quốc gia, ba đến năm cuộc thi hoa khôi và một số cuộc thi người đẹp khác, ước chừng 12 cuộc.

Theo thống kê, Việt Nam hiện có gần 20 cuộc thi hoa hậu. Trong đó, 8 tháng đầu năm đã tổ chức gần 24 cuộc thi lớn, nhỏ khác nhau. Tính trung bình, Việt Nam sẽ có khoảng hơn 64 hoa hậu, á hậu và nhiều danh hiệu người đẹp mới trong năm nay.

Loạn cuộc thi sắc đẹp", "Bội thực hoa hậu", "Thi hoa hậu ồ ạt"… vốn không phải chủ đề mới nhưng thời gian gần đây lại “nóng” lên vì những vấn đề liên quan. Không dừng lại ở tranh cãi vì số lượng quá nhiều, câu chuyện thi hoa hậu tại Việt Nam còn lùm xùm bởi vấn đề bản quyền giữa các đơn vị tổ chức.

Nhắc đến Miss Peace Vietnam 2022, khán giả nhớ về những ồn ào, tranh cãi thay vì hiệu ứng tích cực.

Nhắc đến Miss Peace Vietnam 2022, khán giả nhớ về những ồn ào, tranh cãi thay vì hiệu ứng tích cực.

Câu chuyện giữa 2 đơn vị tổ chức cuộc thi Miss Peace Vietnam - Hoa hậu Hòa bình Việt Nam mới đây là một ví dụ điển hình cho việc các cuộc thi hoa hậu ngày nay đang thiếu đi sự kiểm soát. Khi 2 đơn vị có tranh chấp tên gọi với cuộc thi đã khiến công chúng đặt ra câu hỏi: Liệu ai, đơn vị nào tổ chức kiểm duyệt mà vẫn để tình trạng này ngang nhiên tiếp diễn?

Hai cuộc thi hoa hậu kể trên có tên tiếng Việt giống nhau nhưng tên gọi tiếng Anh và kịch bản cuộc thi lại khác nhau. Do đó, công chúng tỏ ra bối rối trước những tranh chấp liên quan đến đăng ký bản quyền, sở hữu trí tuệ và tính pháp lý của cuộc thi về nhan sắc.

Mới đây, BTC Miss Grand cũng lên tiếng về phần thi "Best in Swimsuit" của các thí sinh.

Mới đây, BTC Miss Grand cũng lên tiếng về phần thi "Best in Swimsuit" của các thí sinh.

Không chỉ trùng tên, trùng thí sinh, một số cuộc thi nhan sắc thu hút khoảng chục đơn đăng ký cũng khiến nhiều người ngao ngán về chất lượng của những cá nhân dự thi. Nhiều cuộc thi hoa hậu trong năm 2022 được đánh giá có chất lượng kém, truyền thông thờ ơ, kết quả tranh cãi và gây thất vọng đối với khán giả.

Trên một vài diễn đàn về sắc đẹp, nhiều ý kiến nhận xét, có lẽ vì thiếu thí sinh nên tiêu chí để chọn lựa cũng không còn quá khắt khe như trước. Nhiều trường hợp thí sinh không đủ đẹp và đủ phẩm chất thi hoa hậu vẫn đi tới vòng chung kết chỉ vì có sức hút sẵn trên mạng xã hội, giúp tăng độ nóng cho cuộc thi, và ai cũng biết họ không thể lọt vào top cao.

Cũng không ít người đặt nghi vấn dùng người có tiếng tăm để PR cũng là yếu tố khiến nhiều người chán ngán. Không ít người còn đặt vấn đề, phải chăng các cuộc thi nhan sắc mở ra chỉ để làm hình ảnh quảng bá cho đơn vị tổ chức và các nhà tài trợ?

Trách nhiệm của cơ quan chủ quản

Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Trần Ly Ly khẳng định sẽ rà soát, siết chặt công tác quản lý các cuộc thi hoa hậu.

Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Trần Ly Ly khẳng định sẽ rà soát, siết chặt công tác quản lý các cuộc thi hoa hậu.

Theo Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn Trần Ly Ly, Nghị định 144/2020/NĐ-CP về hoạt động nghệ thuật biểu diễn được ban hành cuối năm 2020, trải qua 18 tháng triển khai đã phát sinh nhiều tình huống khác nhau ở từng địa phương.

Cục đang tích cực phối hợp các cơ quan, đơn vị nhằm tiến hành rà soát, đánh giá tổng thể để từ đó có căn cứ đưa ra những tham mưu, đề xuất điều chỉnh phù hợp trong thời gian tới.

"Với vai trò là cơ quan tham mưu trong công tác quản lý nhà nước về nghệ thuật biểu diễn, Cục đã chỉ đạo các Sở Văn hóa, Thể thao xử lý những trường hợp vi phạm, hướng dẫn tháo gỡ điểm nghẽn trong việc triển khai các văn bản quy phạm pháp luật. Nghị định 144 cũng nêu rõ quy định về điều kiện, thủ tục tổ chức cuộc thi, điều kiện đối với cá nhân Việt Nam ra nước ngoài dự thi cũng như thu hồi danh hiệu, giải thưởng, hủy kết quả cuộc thi nếu vi phạm các điều khoản có trong Nghị định", bà Trần Ly Ly nhấn mạnh.

Người đứng đầu Cục Nghệ thuật Biểu diễn chia sẻ, trong thời gian tới, việc tăng cường công tác hậu kiểm, giảm tiền kiểm, gắn trách nhiệm trong Nghị định 144 được chú trọng.

Đối với những trường hợp vi phạm, các cơ quan quản lý Nhà nước có trách nhiệm thanh tra, chế tài xử lý vi phạm một cách triệt để.

Về phía Sở Văn hóa, Thể thao các tỉnh, thành phố cần linh hoạt hơn trong việc cấp phép, giám sát và hậu kiểm những cuộc thi sắc đẹp để tránh tình trạng "loạn" hoa hậu như thời gian qua.

Ngoài ra, đơn vị tổ chức các cuộc thi nhan sắc cần phải cam kết thực hiện đúng theo đề án xin cấp phép và kiên quyết xử lý khi có vi phạm.

"Chúng ta cũng nên nhìn nhận đa chiều về các cuộc thi sắc đẹp. Bên cạnh một số hạn chế, không thể phủ nhận những đóng góp tích cực về các sân chơi này. Những cuộc thi được tổ chức nghiêm túc, bài bản góp phần quan trọng trong việc quảng bá du lịch, tôn vinh nét đẹp văn hóa và con người Việt Nam. Nhiều người đẹp bước ra từ các cuộc thi sắc đẹp trong nước cũng có thành tích đáng kể trên đấu trường khu vực và quốc tế", Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn cho hay.

Trong 10 năm trở lại đây, không thể phủ nhận sự trỗi dậy của người đẹp châu Á tại các đấu trường nhan sắc trên thế giới. Trong đó, Việt Nam là một quốc gia của Đông Nam Á đang có nhiều thành tích tốt tại "tứ đại hoa hậu". Thứ bậc của nhan sắc Việt cũng tăng vọt trên bản đồ sắc đẹp thế giới. Tuy nhiên, tình trạng diễn ra ồ ạt, thiếu kiểm soát vô tình tạo nên những tình huống “dở khóc, dở cười” khiến dư luận vô cùng bức xúc.

Hoàng Vân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/thi-hoa-hau-tran-lan-go-dau-co-quan-chu-quan-5697520.html