Thi nhan sắc tràn lan: Cần bộ lọc, siết cấp phép

Trước sự bùng nổ của những cuộc thi sắc đẹp kém chất lượng, nhiều địa phương đã nói không với các đơn vị tổ chức yếu kém. Chuyên gia về văn hóa khẳng định, đã đến lúc chấn chỉnh, siết chặt việc cấp phép thi nhan sắc.

Nhiều cuộc thi kém chất lượng

Nghị định 144/2020 của Chính phủ quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn mở rộng điều kiện xét duyệt cho các cuộc thi hoa hậu, hoa khôi, người đẹp, người mẫu... Theo đó, đơn vị tổ chức các cuộc thi sắc đẹp không cần xin phép Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTTDL), thay vào đó UBND tỉnh, thành phố hoặc sở quản lý văn hóa nơi diễn ra cuộc thi được phân cấp chấp thuận tổ chức.

Một đơn vị tổ chức thi nhan sắc bị thí sinh tố có dấu hiệu mua bán giải.

Một đơn vị tổ chức thi nhan sắc bị thí sinh tố có dấu hiệu mua bán giải.

Với sự cởi trói này, hàng loạt cuộc thi sắc đẹp liên tục được tổ chức trong vài năm qua. Nhẩm tính số lượng lên tới gần 30 cuộc thi diễn ra trong một năm.

Cơ chế cởi mở hơn, nhưng tình trạng “lên tàu trước, mua vé bổ sung sau” khá phổ biến. Nhiều đơn vị ngang nhiên tổ chức cuộc thi sắc đẹp không thông báo, hoặc sau khi tổ chức mới làm giấy chấp thuận bổ sung. Các trường hợp vi phạm đều được cảnh báo, xử phạt rõ ràng. Tuy nhiên, khoản tiền phạt có vẻ không nhằm nhò so với mối lợi mà họ thu lại. Vì vậy, dù liên tục bị “tuýt còi”, nhiều cuộc thi sắc đẹp kém chất lượng vẫn không ngừng sinh sôi.

Một số địa phương từ chối chấp thuận thi nhan sắc

Trước sự hỗn loạn của một số cuộc thi sắc đẹp, nhiều địa phương đã không cho phép tổ chức. Đầu năm 2024, Sở VHTTDL tỉnh Lâm Đồng chưa chấp thuận tổ chức 2 cuộc thi. UBND tỉnh Hậu Giang cũng từ chối một cuộc thi dành cho nữ công dân từ 18-30 tuổi. Đại diện Sở VHTTDL Lâm Đồng cho biết, năm 2024, các cơ quan, đơn vị của Lâm Đồng đăng ký tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, các sự kiện chính trị trọng đại của đất nước và địa phương, do đó chưa xem xét việc tổ chức hai cuộc thi sắc đẹp.

Tháng 6/2023, đơn vị tổ chức Hoa hậu Doanh nhân thành đạt hoàn cầu 2023 đã bị phạt 55 triệu đồng vì “tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu không có văn bản chấp thuận” của Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM. Vào tháng 5/2023, đơn vị tổ chức cuộc thi Đại sứ Hoàn mỹ (Miss International Queen Vietnam 2023) bị xử phạt vi phạm hành chính với mức 55 triệu đồng, do chưa được chấp thuận. Thực tế, dù bị “tuýt còi”, yêu cầu dừng hoạt động nhưng đêm chung kết vẫn diễn ra.

Hồi tháng 3/2023, cuộc thi Hoa hậu Nhân ái Việt Nam (Miss Petite Vietnam 2023) bị cơ quan chức năng yêu cầu tạm ngưng lễ công bố cuộc thi sau khi chương trình bắt đầu được vài phút. Tháng 2/2022, Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Minh Khang Việt Nam - đơn vị tổ chức cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2022 (Miss Peace Vietnam) - cũng bị xử phạt hành chính 55 triệu đồng do tổ chức cuộc thi người đẹp không có văn bản chấp thuận.

Đơn vị tổ chức cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2022 bị xử phạt 55 triệu đồng do tổ chức cuộc thi chui.

Đơn vị tổ chức cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2022 bị xử phạt 55 triệu đồng do tổ chức cuộc thi chui.

Bên cạnh những vi phạm về thủ tục, dư luận hoang mang khi một số thí sinh lên mạng tố cáo đơn vị tổ chức mua bán giải. Tháng 5/2024, nhiều thí sinh tham gia Hoa hậu Doanh nhân Đất Việt 2023 lên tiếng tố cuộc thi có dấu hiệu mua bán giải. Họ được nhân viên của công ty tổ chức đưa đến gặp riêng người đại diện để nói chuyện riêng, nhưng thực chất là gợi ý việc mua giải. Cơ quan chức năng đang điều tra vụ việc này.

Sớm xây dựng Luật Nghệ thuật biểu diễn

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khẳng định, làm đẹp và tôn vinh sắc đẹp là nhu cầu xã hội. Vì vậy, các sự kiện tôn vinh sắc đẹp sẽ được tổ chức nhiều hơn. “Nhiều công ty tổ chức sự kiện nhanh chóng nhận thấy nhu cầu này, biến việc tổ chức các cuộc thi sắc đẹp thành cơ hội thu lợi nhuận”, ông Sơn nêu.

Tuy nhiên, từ mong muốn của các nhà quản lý đến thực tế tổ chức hoạt động luôn có những độ chênh nhất định. Điều này khiến việc tổ chức nhiều cuộc thi sắc đẹp bị đánh giá là yếu kém trong khâu tổ chức, quản lý.

“Việc thay đổi từ cấp phép của Bộ VHTTDL (qua Cục Nghệ thuật biểu diễn) - vốn có các chuyên viên quen với công việc này - thành phân cấp xuống địa phương gặp những bỡ ngỡ nhất định. Các địa phương mong muốn tổ chức thi nhan sắc như cơ hội quảng bá hình ảnh, du lịch, tạo dấu ấn, lan tỏa sang phát triển kinh tế - xã hội”, ông Sơn lý giải.

Cũng theo ông Sơn, cần chấn chỉnh, siết lại việc cấp phép thi hoa hậu, người đẹp. Các đơn vị tổ chức thi hoa hậu cần đảm bảo quy trình tổ chức cuộc thi được thực hiện một cách nghiêm túc, tuân thủ các quy tắc và tiêu chuẩn đạo đức, tính minh bạch, công khai.

“Vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước là đảm bảo các cuộc thi nhan sắc được tổ chức theo quy định và tiêu chuẩn. Trên cơ sở Nghị định 144, Bộ VHTTDL và các địa phương cần thực hiện tốt vai trò quản lý, thanh tra, giám sát và xử phạt nghiêm minh, mang tính làm gương đối với các hoạt động liên quan”, ông Sơn nhấn mạnh.

NSND Lê Tiến Thọ, nguyên Thứ trưởng Bộ VHTTDL cho rằng, Bộ VHTTDL nên trao đổi, đánh giá lại những điều được và chưa được liên quan đến công tác quản lý các cuộc thi sắc đẹp, từ đó tìm ra giải pháp nâng cao chất lượng quản lý, tổ chức.

“Tôi mong Bộ VHTTDL sớm điều chỉnh để hoạt động này đi vào quỹ đạo, tạo nên các chương trình, hoạt động chất lượng”, NSND Lê Tiến Thọ nêu.

Một số chuyên gia nêu quan điểm, cần sớm xây dựng Luật Nghệ thuật biểu diễn trong đó quy định rõ ràng về tiêu chí, mục đích, các tổ chức thực hiện và các hình thức xử phạt mang tính răn đe.

Gia Linh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/thi-nhan-sac-tran-lan-can-bo-loc-siet-cap-phep-post1642705.tpo