Xòe tay hứng lộc 'Vua ban' tại lễ hội đền Sái Lễ hội Đền Sái, huyện Đông Anh (Hà Nội) diễn ra chiều 26/2 với nghi thức rước vua, chúa giả. Kiệu đi đến đâu người dân đứng chờ vua phát lộc ở đó để năm mới gặp nhiều may mắn.
Chiều 26/2 (Tức ngày 11 tháng Giêng âm lịch), lễ hội rước vua đền Sái diễn ra tại thôn Thụy Lôi, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội với nghi thức rước vua, chúa giả độc đáo.
Người đóng vua giả, tượng trưng cho An Dương Vương là cụ Ngô Tiên Tương (71 tuổi) sau khi được dân làng lựa chọn.
Còn người đóng chúa là cụ Nguyễn Văn Tâm (70 tuổi). Để được làm vua chúa, các cụ cao niên phải có tuổi 70 hoặc 71, có sức khỏe, gia đình êm ấm, thuận hòa.
Ngoài ra còn có 4 cụ đóng vai các quan Thự vệ, quan Tán lý, quan Đề lĩnh và quan Trấn thủ. Vua chúa ngồi trên kiệu, còn các quan thì đi bằng võng.
Lễ hội đền Sái bắt nguồn từ sự tích An Dương Vương xây thành Cổ Loa, được các tiên nữ đêm đêm xuống trần gánh đất đắp hộ nhưng thần ma gà tác yêu giả tiếng gà gáy sáng làm các tiên nữ bay về trời nên đắp mãi chưa xong thành.
Tương truyền ma gà trắng núp dưới chân núi Thất Diệu Sơn bị thần Huyền Thiên Trấn Vũ ra tay tiêu diệt nên vua Thục mới xây xong thành Cổ Loa. Trong lễ hội, sự kiện này được tái hiện bằng việc chúa dùng kiếm gỗ chém vào chai tiết giả.
Tâm điểm chú ý của lễ hội là màn rước kiệu chúa. Và để đảm bảo an toàn, chúa phải được buộc chặt trên kiệu.
Những người khiêng kiệu là con cháu của vua chúa. Trong suốt quãng đường từ đền Sái đến đình làng, họ dô khí thế.
Kiệu chúa được các trai làng nâng lên, hạ xuống, xoay vòng quanh và chạy khí thế để dẹp đường cho kiệu vua.
Vì thế kiệu chúa nhiều phen nghiêng ngả.
Người đóng vai chúa phải có sức khỏe tốt mới có thể trụ vững gần 2 tiếng quay vòng, nâng lên hạ xuống.
Để góp vui cho hội rước vua đền Sái, ban tổ chức mời thêm một đội múa lân. Chúa giả liên tục dùng tiền thử thách đội múa lân bật cao để lĩnh thưởng.
Việc phát lộc năm nay cũng nhiều hơn hẳn các năm trước. Ngoài các đồng tiền mệnh giá nhỏ, chúa giả còn mạnh tay vung các tờ loại 50.000 đồng, 100.000 đồng và 200.000 đồng.
Người dân bên dưới lao vào nhặt trong đó thanh niên chiếm phần lớn.
Kết thúc lễ hội, cụ Nguyễn Văn Tâm vẫn không cảm thấy mệt mỏi hay chóng mặt mà chỉ thấy sung sướng vì đã được dân làng tin tưởng chọn làm "chúa". Cụ cho biết sẽ trở về nhà làm mâm cơm để mời bà con, họ hàng đến chia vui.
Việt Hùng