Thi pháp thơ qua một thẩm bình
Vừa rồi có một học sinh trung học cơ sở đến nhờ tôi nhận xét giúp em một bức tranh để em làm bài. Tôi nói không giúp được gì, vì phê bình tranh không phải là chuyên môn của tôi. Nhưng tình cờ sau đó tôi bắt gặp cái nhìn thi sĩ trong cảm hứng về nét cọ lên toan của những họa sĩ mà La Văn Tuân biểu đạt ở Những ngôi biệt thự cổ trong tranh. Nay viết ra đây không biết có giúp ích được gì cho em học sinh không! Bài thơ:
“Họa sĩ,/ Anh tìm gì từ ngôi biệt thự cổ/ Một tráng lệ xa xăm/ Hay bí ẩn câu chuyện linh thiêng/ khói sương truyền lại?/ Trầm tích những số phận/ Trong ô cửa đục đốm mắt/ Thời gian.

Họa sĩ,/ Anh chuyện trò gì với tấm toan/ về những ngôi biệt thự cổ/ Vàng ấm giữa rừng thông/ Tím loang bên dốc vắng/ Về sự cô đơn phế tích/ Hay sự cô đơn chính anh?/ Những sầm uất phố phường ngoài kia/ không vào tranh/ Những nhộn nhịp mặt người ngoài kia/ không có trong nét vẽ.
…/ Họa sĩ,/ Anh đang ở đâu/ Hay đã ẩn trong những ngôi biệt thự cổ?”
(Nhà sáng tác Đà Lạt, 14/3/2025)
Bài thơ như một cuộc đối thoại giữa người cầm bút xem tranh – tức thi sĩ và người cầm cọ vẽ tranh – tức họa sĩ, xoay quanh những cảm xúc và suy tư mà những ngôi biệt thự cổ gợi lên trong cảm hứng sáng tác. Mở đầu bài thơ khơi gợi hấp dẫn như cuộc thám hiểm quá khứ khá bí ẩn trở về nguồn cội. Nhà thơ không phải hỏi về ngôi nhà cổ mà thể hiện sự tò mò muốn khám phá thế giới nội tâm của người họa sĩ, “Anh tìm gì từ ngôi biệt thự cổ”. Đó cũng là vấn đề trung tâm đặt ra trong bài thơ, điều gì ở những hình ảnh gần như là phế tích cổ xưa lại thu hút người nghệ sĩ đến như vậy? Phải chăng nét cọ của anh đi tìm kiếm dấu vết “Một tráng lệ xa xăm” của một thời kỳ vàng son đã trôi qua, một vẻ đẹp lộng lẫy nhưng nay đã chìm vào dĩ vãng “xa xăm”, một khoảng cách thời gian trở nên mơ hồ, khó nắm bắt. Khả năng khác là người họa sĩ bị cuốn hút vào những câu chuyện huyền bí, những truyền thuyết được lưu giữ qua thời gian bởi những “câu chuyện linh thiêng”, ẩn chứa trong không gian biệt thự cổ kính. Hình ảnh gợi lên sự mờ ảo, thực hư trong “khói sương truyền lại”, bụi thời gian đã làm mờ nhòe càng tăng thêm vẻ huyền bí dưới nét cổ xưa. Một nghi vấn lửng lơ không lời đáp, mở ra không gian suy tư nghệ thuật hướng về họa sĩ.
Nhà thơ lại đặt ra những gì đã lắng đọng của thời gian và số phận kiếp người đã đi qua. Những ngôi biệt thự cổ không chỉ là những công trình kiến trúc mà còn là nơi lưu giữ dấu tích của bao nhiêu “Trầm tích những số phận” đời người đã từng gắn bó với chúng “Trong ô cửa đục đốm mắt/ Thời gian”. Hình ảnh ẩn dụ “Ô cửa đục đốm mắt” khá độc đáo và gợi cảm. Những ô cửa cũ kỹ kia đã trải qua bao nhiêu năm tháng, trở nên đục mờ, với những hư hại, khác gì đôi mắt đời người đã trải qua bao nhiêu thăng trầm với thời gian trở nên lão hóa. “Thời gian” như một sự khẳng định về sức mạnh tàn phá, nhưng cũng là sức mạnh lưu giữ những dấu vết còn in lên sự vật, cũng như những câu chuyện đời người lẫn quất đâu đây.
Từ đó đưa ra cuộc đối thoại với quá khứ và nội tâm, đặt ra câu hỏi về mối liên hệ giữa người họa sĩ và đối tượng nghệ thuật của mình. “Tấm toan” trở thành một không gian để người họa sĩ “chuyện trò” với quá khứ “về những ngôi biệt thự cổ” gợi lên. Thi sĩ lại tiếp tục nêu lên những hình ảnh cụ thể mà người họa sĩ có thể đang tái hiện trên tranh: “Vàng ấm giữa rừng thông/ Tím loang bên dốc vắng”, chừng như ánh nắng chiều tà rơi lên tường xưa cổ kính, ấm áp giữa thiên nhiên tĩnh lặng nằm ở một không gian hẻo lánh. Câu hỏi lại hướng vào nội tâm của người họa sĩ: “Về sự cô đơn phế tích/ Hay sự cô đơn chính anh?”; liệu sự cô đơn mà anh cảm nhận và thể hiện trong tranh là sự cô đơn của những phế tích xưa cũ hay chính là sự cô đơn trong tâm hồn mình? Ở đây ta thấy sự đồng cảm giữa người nghệ sĩ và đối tượng nghệ thuật mà nhà thơ đã đặt ra một cách vô cùng ý nhị.
Ngôi biệt thự cổ đã hút hết hồn người nghệ sĩ cầm cọ, tách biệt ra khỏi thế giới hiện tại: “Những sầm uất phố phường ngoài kia/ không vào tranh/ Những nhộn nhịp mặt người ngoài kia/ không có trong nét vẽ”, để lại trong lòng người đọc những dư âm về sự bí ẩn của quá khứ và sự phức tạp trong tâm hồn của người nghệ sĩ: thế giới ồn ào, náo nhiệt của hiện tại không xuất hiện trong tác phẩm, khẳng định sự tập trung của người họa sĩ vào quá khứ, vào những giá trị và cảm xúc khác biệt với cuộc sống hiện tại; những “sầm uất”, “nhộn nhịp” của phố phường kia bị loại bỏ, nhường chỗ cho sự tĩnh lặng, vắng vẻ của bóng hình trầm mặc cổ xưa.
Chính vì thế mà khi kết thúc bài thơ, tác giả đặt ra câu hỏi về sự hòa nhập vào quá khứ. Một nghi vấn mang tính triết lý hoài nghi về sự kết nối với thế giới hiện tại: “Họa sĩ,/ Anh đang ở đâu”, đặt ra một khả năng đầy gợi mở: “Hay đã ẩn trong những ngôi biệt thự cổ?”, liệu tâm hồn, cảm xúc của người họa sĩ đã hoàn toàn hòa mình vào không gian và thời gian của những phế tích cổ xưa chưa, phải đâu đến mức “ẩn” mình vào quá khứ ? Nhưng ở góc độ khách quan, người đọc có thể nhận ra ý thơ rằng, người họa sĩ đang tìm kiếm nguồn cảm hứng trong những giá trị xưa cũ, cũng có thể đang cố gắng bảo tồn những vẻ đẹp tiềm ẩn mà cuộc sống hiện đại vội vã đã bỏ qua. Trách nhiệm nặng nề và cao đẹp của người nghệ sĩ là ở chỗ đó.
Trên đầu bài thơ tác giả ghi: Quý tặng các họa sĩ Huỳnh Thanh Tô, Nguyễn Ngọc Sâm, Nguyễn Đức Hòa (nhân Nguyễn Đức Hòa tặng cho Tuân một bức tranh)
Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/thi-phap-tho-qua-mot-tham-binh-129889.html