Xung phong ra trận

Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc 'Tất cả vì miền Nam ruột thịt', nhiều thanh niên ở miền Bắc đã vào Nam chiến đấu với quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong căn nhà nhỏ ở phường Trương Quang Trọng (TP.Quảng Ngãi), ông Nguyễn Ngọc Ngụ (84 tuổi)- nguyên Trung đội trưởng Trung đội Hậu cần, Tiểu đoàn Pháo binh 107 xúc động nhớ lại những năm tháng thanh xuân đầy nhiệt huyết. Sinh ra và lớn lên ở xã Ninh Hải, huyện Văn Lâm (Hưng Yên), ông Ngụ cùng nhiều thanh niên ở miền Bắc hăng hái tình nguyện vào chiến trường miền Nam. Năm 1967, chàng thanh niên Nguyễn Ngọc Ngụ rời bục giảng Trường Tiểu học Ninh Hải, tạm biệt gia đình lên đường nhập ngũ.

“Lúc đó, ai cũng mang trong mình niềm tin miền Nam nhất định sẽ được giải phóng. Ra đi không hẹn ngày về, nhưng không ai nao núng. Tôi cũng vậy, thương cha mẹ và các em, nhưng lòng chỉ mong sớm được cầm súng vào chiến trường”, ông Ngụ hồi tưởng.

Các cựu chiến binh Lữ đoàn 52 (Quân khu 5), quê ở miền Bắc tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Ngãi trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chụp ảnh lưu niệm khi về thăm điểm di tích Bàn Cờ thuộc Di tích chiến thắng Đình Cương ở huyện Nghĩa Hành. Ảnh: BÁ SƠN

Các cựu chiến binh Lữ đoàn 52 (Quân khu 5), quê ở miền Bắc tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Ngãi trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chụp ảnh lưu niệm khi về thăm điểm di tích Bàn Cờ thuộc Di tích chiến thắng Đình Cương ở huyện Nghĩa Hành. Ảnh: BÁ SƠN

Ông Ngụ kể, hành trình vào Nam là chuỗi ngày gian nan. Đoàn hành quân ròng rã suốt gần nửa năm trời, vượt suối, băng rừng, đối mặt với bom đạn, sốt rét và đói khát... Sau hơn 5 tháng, ông cùng đồng đội đến căn cứ ở huyện Trà My (Quảng Nam), rồi được phân về Tiểu đoàn Pháo binh 107, hoạt động ở chiến trường tỉnh Quảng Ngãi, phụ trách công tác hậu cần.

Dù không trực tiếp cầm súng nơi chiến tuyến, nhưng ông Ngụ và đồng đội hiểu rõ vai trò thầm lặng nhưng quan trọng của mình trong cuộc chiến giành độc lập cho dân tộc. Hậu cần vững thì tiền tuyến mới mạnh. Vì vậy, bộ phận hậu cần do ông Ngụ phụ trách luôn đảm bảo tốt việc cung cấp lương thực, vũ khí, quân trang cho đơn vị, đặc biệt là phục vụ các trận đánh lớn. Ông Ngụ bảo, điều tôi tự hào nhất không phải là mình đã làm gì to lớn cho cách mạng, mà là đã sống trọn vẹn với lý tưởng, sống và chiến đấu với tinh thần “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”.

Thiếu tá Trịnh Hữu Hùng (81 tuổi), quê phường Phương Liên, quận Đống Đa (Hà Nội), hiện sống tại phường Trần Hưng Đạo (TP.Quảng Ngãi) cũng nhớ mãi về những năm tháng chiến đấu hào hùng trên chiến trường miền Nam. Ông nhập ngũ tháng 2/1964, khi vừa tròn 20 tuổi, tham gia lực lượng trinh sát pháo binh, Trung đoàn pháo 122, với nhiệm vụ cung cấp tọa độ để pháo binh ngắm bắn tàu chiến của địch, bảo vệ tuyến biển từ Tỉnh Gia đến Quảng Xương (Thanh Hóa). Đầu năm 1967, sau khi hoàn thành khóa huấn luyện, ông cùng đồng đội vào chiến trường Quảng Ngãi, thuộc Tiểu đoàn Pháo binh 107.

Ông Hùng nhớ lại, khi đặt chân đến Quảng Ngãi, dù điều kiện khó khăn, gian khổ, nhưng ông và đồng đội luôn phát huy tinh thần chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, lập nên nhiều chiến công oanh liệt. Vào đêm 23/3/1975, đơn vị của ông tấn công sân bay Quảng Ngãi, quân địch tháo chạy trong hỗn loạn, góp phần giải phóng tỉnh Quảng Ngãi vào ngày 24/3/1975. Sau ngày hòa bình, ông Hùng đã chọn Quảng Ngãi làm nơi gắn bó phần cuộc đời còn lại của mình, bởi nơi đây ông đã có quãng thanh xuân với lý tưởng cao đẹp, sống và cống hiến vì độc lập dân tộc.

Còn với cựu chiến binh Phạm Lương Ổn (73 tuổi), quê thị trấn Yên Ninh, huyện Yên Bình (Ninh Bình), hiện sống tại xã Hành Nhân (Nghĩa Hành), mỗi dịp 30/4 dến đều gợi nhớ trong ông về những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Năm 1972, khi vừa tròn 20 tuổi, ông tình nguyện lên đường nhập ngũ, rồi vào chiến trường Quảng Ngãi, thuộc Tiểu đoàn 15 công binh, Lữ đoàn 52 (Quân khu 5). Ông đảm nhận nhiệm vụ quản lý kho quân giới, đồng thời trực tiếp tham gia xây dựng hầm pháo và hầm chỉ huy cho đơn vị.

Ông Ổn kể, các kho quân giới không chỉ được bảo vệ nghiêm ngặt, mà còn phải đảm bảo tiếp nhận, vận chuyển vũ khí, đạn dược kịp thời ra chiến trường. Để tránh sự phát hiện của địch, bộ đội công binh thường xuyên làm việc thâu đêm. Tất cả đều vì nhiệm vụ chung để vũ khí được chuyển giao đến các đơn vị đúng lúc, đúng nơi, góp phần quan trọng cùng Lữ đoàn 52 tham gia các trận đánh then chốt như giải phóng huyện Minh Long, Ba Tơ...

Tròn 50 năm kể từ ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nghe kể lại câu chuyện thanh niên miền Bắc vượt đường Trường Sơn vào Nam chiến đấu, chúng ta càng thêm trân quý giá trị của hòa bình. Thế hệ cha ông đã hy sinh xương máu để chúng ta có được cuộc sống hòa bình, ấm no như hôm nay.

BÁ SƠN

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/chinh-tri/202505/xung-phong-ra-tran-1230385/