Thị sát xuyên rừng!
Tháng 12, thời điểm của những ngày bận rộn, ai cũng tất bật chạy đua cho công việc cuối năm. Hôm ấy, trời cũng mưa lất phất. Đã nghĩ đến việc phải hoãn lại chuyến đi, nhưng sau tất cả chúng tôi vẫn quyết định thị sát xuyên rừng…
Thị sát xuyên rừng
Tiến vào vùng lõi
Ngày đi thị sát, dẫn đầu đoàn là Bí thư Huyện ủy Nguyễn Minh và Chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Nam Trần Ngọc Diệp. Tham gia chuyến thực địa kiểm tra rừng này còn có Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện, cùng lãnh đạo, nhân viên Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Móng – Ca Pét, Hạt Kiểm lâm huyện. Tất cả 26 người. Nhìn vào thành phần đi thôi cũng đủ thấy quyết tâm của huyện Hàm Thuận Nam đối với nhiệm vụ giữ rừng. Theo lịch định, từ tờ mờ sáng, đoàn thị sát chúng tôi đã có mặt tại Đèo Nam (xã Mỹ Thạnh, Hàm Thuận Nam) – nơi người dân bản địa vẫn hay gọi rừng Bom Bi.
Đoàn tham gia chuyến thực địa kiểm tra rừng
Trước khi xuất phát, Chủ tịch UBND huyện yêu cầu thành viên trong đoàn kiểm tra lại tư trang một lần nữa, nhất thiết phải có võng, áo mưa. Bởi không những xuyên rừng mà chúng tôi còn qua đêm. Men theo lối nhỏ chỉ vừa 1 người đi, 2 bên được phủ kín bởi thảm thực vật xanh mướt, tất cả hồ hởi bắt đầu tiến vào rừng sâu. Chợt nhớ thời điểm này năm trước, tôi cũng có dịp đi rừng cùng lãnh đạo huyện Hàm Thuận Nam. Lúc đó, thời tiết khá oi bức. Nhiều lần, chúng tôi phải đi trong tư thế cúi rạp người xuống đất mới mong vượt qua lối đi quanh co đèo đá và chi chít gai tre, song mây cùng vô số gai nhọn cây rừng. Lần này, dưới tán rừng Mỹ Thạnh, cơn mưa rả rích từ tối qua kéo dài đến sáng khiến trời cứ se lạnh. Vào vùng lõi, những cây rừng cao lớn xuất hiện ngày càng dày đặc. Có nơi chỉ cách chừng vài chục mét lại có cây cả trăm tuổi đứng sừng sững thẳng tắp giữa rừng già, gốc của nó phải đến 3 - 4 người ôm mới xuể. Ngoài bằng lăng, nơi đây còn có lim, căm xe, sao, cẩm…. So với vùng lõi những cánh rừng nơi khác mà tôi từng đi qua, rõ ràng rừng ở Mỹ Thạnh rậm rạp hơn, cây rừng cao lớn có giá trị cũng nhiều hơn.
Sau 3 giờ bộ hành giữa rừng, mưa càng nặng hạt. Việc di chuyển cả đoàn vì thế cũng khó khăn hơn. Lúc ấy, 1 thành viên trong đoàn phải đi “cà nhắc”. Anh nói do không quen đường rừng, phần vì phải đi liên tục trong điều kiện trời mưa và cung đường hiểm trở. Kiểm tra, thấy các đầu ngón chân anh có dấu hiệu rướm máu. Thấy vậy, Tâm – nhân viên bảo vệ rừng cho hay: “Đi nhiều không có nghĩa sẽ không bị đau chân. Tụi em đi rừng suốt! Thế nhưng, chuyện trượt chân té ngã, bị “què” xảy ra thường xuyên lắm, nhất là vào mùa mưa”. “Điều tụi em lo nhất là việc đối tượng lén vào phá rừng mà chúng em không phát hiện để ngăn chặn kịp thời. Lúc cao điểm, em phải ngủ lại giữa rừng” – Bảo, cán bộ bảo vệ rừng Trạm Đèo Nam nói thêm.
Phía sau những con số
Nghe Tâm và Bảo kể, tôi tin cán bộ, nhân viên khác ở các trạm thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Móng - Ca Pét cũng gian khổ, cũng suy nghĩ như thế. Song, vì nhiệm vụ, vì cái chung mà vượt qua tất cả. Tôi hiểu, nhờ những cố gắng không mệt mỏi đó mới có chuyện suốt 1 năm ròng qua, Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Móng - Ca Pét thường xuyên được lãnh đạo huyện Hàm Thuận Nam, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá cao trong nỗ lực giữ rừng tận gốc, chủ động khắc phục khó khăn hiện hữu, cũng như trong xử lý các trường hợp chặt phá cây rừng, lấn chiếm đất rừng làm rẫy. Năm vừa qua, đơn vị còn chỉ đạo, hướng dẫn chốt bảo vệ rừng LaZôn thuộc Trạm Đèo Nam, chốt Bãi Năm Đàm, chốt Bờ Kênh Hàm Cần của các hộ nhận khoán thuộc Trạm Cầu Treo, chốt Dốc Bò thuộc Trạm Suối Vận thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao. Điều đáng mừng khi năm 2020, đơn vị không để xảy ra phá rừng. Qua tuần tra, kiểm tra, cán bộ, nhân viên bảo vệ rừng của ban đã phát hiện, ngăn chặn kịp thời 26 vụ khai thác gỗ, nhưng trữ lượng ít, không ảnh hưởng lớn đến tài nguyên rừng. Tất cả những vụ việc vi phạm trên đã được các trạm bảo vệ rừng lập hồ sơ chuyển cơ quan chức năng xử lý, phối hợp với chính quyền địa phương, kiểm lâm địa bàn xác minh hiện trường và xử lý theo quy định.
Dự trữ nước trong ống tre để tiếp tục hành trình thị sát
Được biết, Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Móng - Ca Pét được giao quản lý, bảo vệ gần 20.400 ha rừng, trải dài qua các xã Hàm Cần, Mỹ Thạnh, Hàm Thạnh, Tân Lập. Diện tích rừng mênh mông, nhưng cả ban chỉ có 49 người, trong đó 40 người trực tiếp làm nhiệm vụ giữ rừng. Có thể thấy, diện tích rừng được giao bảo vệ rất lớn, nhưng số lượng người bảo vệ rừng hiện còn mỏng so với nhu cầu, điều đó cũng có nghĩa trách nhiệm của những người đang làm nhiệm vụ giữ rừng rất nặng nề. Còn nhớ năm 2019, khi kiểm tra vụ phá rừng ở Tà Cú, lúc đó ông Nguyễn Văn Hiến – Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Nam (nay đã nghỉ hưu) nói với tôi: “Giữ rừng là nhiệm vụ rất gian nan, vất vả. Chỉ có những người trực tiếp làm nhiệm vụ này mới thấu hiểu hết điều đó. Thế nhưng, chế độ, chính sách cho lực lượng này còn thấp, nếu để xảy ra phá rừng nghiêm trọng, họ sẽ bị xử lý hình sự. Anh em giữ rừng vì nhiệm vụ. Nhưng nhiêu đó thôi chưa đủ, ở mỗi người là tình yêu thiên nhiên, yêu núi rừng. Tách 2 điều đó ra, có lẽ rừng sẽ không được như bây giờ”.
Theo lời Bí thư Huyện ủy Nguyễn Minh: “Đi rừng mới biết hiện trạng rừng mình như thế nào, từ đó lãnh đạo huyện mới định hướng chính xác, chỉ đạo kịp thời. Đi rừng cũng là dịp để hiểu, chia sẻ, động viên cán bộ, nhân viên bảo vệ rừng vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, cùng nhau phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”. Và chuyến đi này, đoàn thị sát chúng tôi đã băng đường rừng gần 20 km từ Đèo Nam qua LaZôn, vượt thượng nguồn sông La Ngà đến rừng bảo tồn Núi Ông – đoạn giáp ranh giữa Hàm Thuận Nam và Hàm Thuận Bắc. Chuyến đi cũng giúp tôi có thêm kinh nghiệm đi rừng, được chứng kiến, trải nghiệm những điều rất riêng mà chỉ ở rừng mới có. Được ăn cơm cùng đồng chí, đồng đội giữa rừng già, được hòa mình vào dòng nước mát ở thượng nguồn sông La Ngà – nơi có độ cao gần 300m so với mực nước biển. Được ngủ trong cảnh “màn trời, chiếu đá”, được thưởng thức đặc sản của núi rừng, đó là những con cua núi, cá diếc thơm ngon, béo ngậy, “thưởng thức” luôn việc bị vắt rừng cắn khiến máu chảy thành dòng.
Chuyến thị sát kết thúc, chúng tôi phải chia tay những người lính giữ rừng vì họ còn tiếp tục nhiệm vụ. Ngày về cũng là lúc hoàng hôn buông xuống, ai cũng thấm mệt! Riêng tôi cứ nghĩ mãi về hình ảnh những người lính giữ rừng nhỏ bé cứ len lỏi giữa đại ngàn sâu thẳm. Mong sao họ có thêm đãi ngộ để tiếp tục cống hiến sức mình cho rừng mãi thêm xanh.
Lê Phúc
Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/phap-luat/thi-sat-xuyen-rung-134082.html