Thí sinh ấn tượng với đề Văn viết về tình cha qua tác phẩm 'Chiếc lược ngà'

Nhiều thí sinh phấn khởi vì đề Ngữ văn không quá khó, những chủ đề gần gũi được đưa vào đề, đặc biệt, viết về tình cha qua tác phẩm 'Chiếc lược ngà'.

Thí sinh phấn khởi vì hoàn thành tốt môn thi đầu tiên.

Thí sinh phấn khởi vì hoàn thành tốt môn thi đầu tiên.

Sáng 13/6, hơn 44.000 thí sinh Thanh Hóa bước vào kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập năm học 2024-2025 với môn thi Ngữ văn.

Môn thi Ngữ văn năm nay được đánh giá khá hay và được nhiều học sinh thích thú.

Thí sinh Trương Phương Nguyên, Trường THCS Quảng Thắng (TP Thanh Hóa) chia sẻ: “Năm nay đề thi Văn khá hay, em ấn tượng nhất là câu đọc hiểu “Biết sống vì người khác”. Còn câu ý nghĩa tình cha con qua tác phẩm “Chiếc lược ngà”, em cũng rất nhiều cảm xúc để viết. Em nghĩ sẽ có mưa điểm cao với dạng đề này”.

Còn theo thí sinh Lê Hà Vy, Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (TP Thanh Hóa), đây là một đề nghị luận văn học không thách thức thí sinh, gần gũi với các học trò. Học sinh chúng em được thoải mái sáng tạo, trình bày suy nghĩ về giá trị, tình cảm cha con, tình cảm gia đình.

Thí sinh rời phòng thi sau môn thi đầu tiên.

Thí sinh rời phòng thi sau môn thi đầu tiên.

Theo cô giáo Hà Thị Khuyên, giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Quan Sơn (Thanh Hóa), đề Ngữ văn năm nay, vấn đề nghị luận xã hội thuộc dạng nghị luận về tư tưởng đạo lí, dễ khơi gợi cảm hứng để thí sinh làm bài.

Thời tiết tại Thanh Hóa nắng nóng lên đến 40 độ C khiến học sinh và phụ huynh khá mệt mỏi.

Thời tiết tại Thanh Hóa nắng nóng lên đến 40 độ C khiến học sinh và phụ huynh khá mệt mỏi.

“Câu nghị luận văn học là dạng đề nghị luận về một đoạn trích văn xuôi, có lệnh phụ. Lệnh phụ yêu cầu liên hệ với đời sống (nhận xét về ý nghĩa của tình cha con trong cuộc sống) là dạng lệnh phụ quen thuộc, thường thấy trong các đề tuyển sinh vào 10 những năm gần đây”, cô Khuyên phân tích.

Cũng theo cô Khuyên, đề năm nay có điểm mới so với các năm trước. Nếu trước đây, riêng phần văn xuôi, các đề thi thường yêu cầu thí sinh nghị luận về một khía cạnh, một vấn đề xuyên suốt tác phẩm. Nhưng năm nay vấn đề nghị luận khuôn gọn trong một đoạn trích (cảm nhận về nhân vật bé Thu trong đoạn trích). Yêu cầu và cách làm bài vì thế cũng có điểm khác so với các cách ra đề trước đó.

Cô Hà Thị Khuyên và học sinh của mình.

Cô Hà Thị Khuyên và học sinh của mình.

“Dù dạng đề mới nhưng không làm thí sinh bất ngờ vì khi ôn luyện, học sinh lớp 9 đã được các thầy cô hướng dẫn, ôn tập, luyện đề kĩ dạng đề này”, cô giáo Hà Thị Khuyên nhận định.

Thời tiết tại Thanh Hóa nắng nóng ở nhiệt độ cao khiến thí sinh cũng như phụ huynh khá vất vả. Chiều nay, thí sinh tiếp tục thi môn tiếng Anh, thời gian làm bài 60 phút.

Thùy- Lượng- Trang

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/thi-sinh-an-tuong-voi-de-van-viet-ve-tinh-cha-qua-tac-pham-chiec-luoc-nga-post687414.html