Thí sinh cần làm gì trước, trong thời gian thi?

Gắn bó với thí sinh qua rất nhiều mùa thi, mùa tư vấn tuyển sinh, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cho rằng thí sinh cần nắm vững quy chế thi và có một chút 'thủ thuật' khi làm bài thi trắc nghiệm.

Sáng nay, 7/7, hơn 1 triệu thí sinh trên cả nước bước vào môn thi đầu tiên, môn Ngữ văn. Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho rằng để có thể hoàn thành 4 bài thi, quan trọng nhất đối với mỗi thí sinh là sức khỏe. Trong đó, thí sinh không nên ăn vặt ở bên ngoài trước mỗi buổi thi.

Vì thực tế, những năm vừa qua, nhiều thí sinh đã bị đau bụng trong phòng thi, không làm được bài do mất an toàn vệ sinh thực phẩm trước đó. Thí sinh nên ăn sớm ở nhà cho chắc bụng. Nếu ăn muộn, khi vào làm bài, năng lượng của cơ thể sẽ bị phân tán cho hệ tiêu hóa, không tập trung tốt nhất nên não bộ được.

PGS. Dũng cho rằng tốt nhất nên ăn từ 5h30 sáng. Ông cũng cho biết những ngày cuối cùng, nhiều thí sinh cố gắng nạp kiến thức nên học quá khuya, dẫn đến tình trạng đến phòng thi buồn ngủ, không tập trung làm bài tốt hoặc bị ngủ quên. Do vậy, những ngày thi, thí sinh nên tập thể đục đều đặn để giữ tinh thần và sức khỏe tốt nhất.

PGS. Đỗ Văn Dũng

PGS. Đỗ Văn Dũng

Trừ thí sinh tự do, còn lại, các thí sinh đều phải thi liên tiếp 2 ngày do vậy, tình trạng ngủ trưa quên thi buổi chiều không hiếm. Do đó, những thí sinh có thói quen ngủ trưa cần phải để báo thức cẩn thận lưu ý. Các thành phố lớn thời điểm thí sinh thi có thể không xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông. Nhưng theo PGS. Dũng, thí sinh vẫn cần chủ động đi sớm trước thời gian quy định để phòng mọi vấn đề bất trắc.

“Quy định của quy chế thi, nếu thí sinh đến muộn 15 phút sau khi bóc đề coi như bỏ thi. Vì vậy nếu lỡ 1 môn là thí sinh coi như mất cơ hội của năm nay, phải đợi đến năm sau”, PGS. Dũng nói.

Còn khi vào phòng thi, PGS. Dũng khuyên thí sinh hết sức bình tĩnh. Ông đặc biệt lưu ý thí sinh cần nắm chắc quy chế thi. Những năm qua, nhiều thí sinh “chết oan” vì vô tình mang điện thoại hay thậm chí mang giấy nháp vào phòng thi. Thí sinh chỉ được mang những vật dụng mà quy chế cho phép như các loại máy tính trong quy định, bút, thước kẻ, compa, atlat… Tuyệt đối không mang những vật dụng không được phép dù vô tình hay cố ý. Vì khi bị phát hiện, thí sinh sẽ bị đình chỉ thi ngay lập tức.

Trong khi làm bài, nguyên tắc chung câu dễ làm trước, câu khó làm sau. Với đề thi trắc nghiệm chỉ có từ 5-10 câu khó để phân loại thí sinh. Do vậy, thí sinh bình tĩnh làm, không hấp tấp. “Thủ thuật khi làm bài thi trắc nghiệm là không được bỏ trống câu hỏi nào, kể cả những câu khó không làm được”, PGS. Dũng nhấn mạnh.

Mặt khác, PGS. Đỗ Văn Dũng cũng đưa ra tình huống rất có thể đang làm bài thi, trong phòng thi có thí sinh thuộc diện F truy vết. Thí sinh cũng không cần phải hốt hoảng, cứ bình tĩnh làm bài. Tuy nhiên ông lưu ý, thí sinh, phụ huynh tập trung vào việc thực hiện tốt 5K: Khẩu trang; Khử khuẩn; giữ Khoảng cách; Không tụ tập và Khai báo y tế. Cụ thể nhất là trong khi tham gia thi, các em khử khuẩn trước và ngay sau khi rời địa điểm thi; phải đeo khẩu trang thường xuyên và không đi chơi hay tụ tập trước ngày thi; không đứng, ngồi gần các bạn khác tại địa điểm thi. “Đừng quá lo sợ về dịch bệnh mà ảnh hưởng đến tâm lý làm bài thi”, PGS Dũng nhắn nhủ.

Nghiêm Huê

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/thi-sinh-can-lam-gi-truoc-trong-thoi-gian-thi-post1352846.tpo