Thí sinh chọn xét tuyển đại học bằng điểm thi tốt nghiệp có đang bị thiệt thòi?

Khi trường ĐH ưu tiên chỉ tiêu cho những phương thức khác, thí sinh điểm cao buộc phải cạnh tranh gay gắt hơn với nhau trong một số lượng chỉ tiêu ít ỏi.

Mùa tuyển sinh đại học năm 2024 đã có nhiều thí sinh đạt điểm cao trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, thậm chí đạt 27, 28 điểm (tổng điểm 3 môn) nhưng vẫn không thể trúng tuyển vào những trường đại học mà các em mong muốn.

Điều này không chỉ làm dấy lên những lo ngại về tính công bằng trong hệ thống tuyển sinh, mà còn đặt ra câu hỏi: liệu các thí sinh dựa vào điểm thi tốt nghiệp có đang bị thiệt thòi trước sự đa dạng và phức tạp của các phương thức xét tuyển khác?

 Ảnh minh họa: Doãn Nhàn

Ảnh minh họa: Doãn Nhàn

27 điểm 3 môn vẫn trượt nguyện vọng 1

Trong nhiều năm, điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông là thước đo chính để xét tuyển vào các trường đại học, mang lại cho thí sinh một cơ hội công bằng để khẳng định khả năng của bản thân dựa trên năng lực học tập trong suốt quá trình học phổ thông. Tuy nhiên, sự gia tăng của nhiều phương thức xét tuyển khác trong những năm gần đây đã khiến vị thế của điểm thi tốt nghiệp có thay đổi.

Thực tế cho thấy, mùa tuyển sinh năm 2024, nhiều trường đại học đã giảm chỉ tiêu dành cho xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp, thay vào đó ưu tiên cho các phương thức xét tuyển khác như xét học bạ, xét tuyển bằng kỳ thi riêng, hoặc xét tuyển kết hợp với phỏng vấn, ưu tiên các chứng chỉ quốc tế. Những thí sinh lựa chọn phương thức xét tuyển truyền thống bằng điểm thi tốt nghiệp không chỉ đối mặt với số lượng chỉ tiêu ít ỏi mà còn phải cạnh tranh với những thí sinh đã được đánh giá qua các tiêu chí khác.

Nhiều cơ sở giáo dục chỉ tiêu dành cho xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp chỉ chiếm khoảng trên dưới 30% tổng chỉ tiêu, trong khi các phương thức xét tuyển khác chiếm phần còn lại. Điều này đặt các thí sinh dựa vào điểm thi tốt nghiệp vào tình thế khó khăn, khi họ phải cạnh tranh với một lượng chỉ tiêu ít ỏi, dẫn đến việc nhiều thí sinh dù đạt điểm cao vẫn không thể vào được ngành học mong muốn.

Các trường đại học ngày có thêm các tiêu chí phụ ngoài điểm thi tốt nghiệp, như học sinh giỏi tỉnh, quốc gia, thành tích ngoại khóa, hoặc kỹ năng mềm. Điều này dẫn đến việc những thí sinh chỉ dựa vào điểm thi tốt nghiệp, dù có điểm số cao, vẫn bị đánh giá thấp hơn so với các thí sinh khác có hồ sơ đa dạng hơn.

Chẳng hạn, tại Trường Đại học Ngoại thương, thí sinh muốn xét tuyển vào các ngành “hot” không chỉ cần điểm thi tốt nghiệp cao mà còn phải đáp ứng các tiêu chí như chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, thành tích ngoại khóa xuất sắc, và bài luận thuyết phục. Những thí sinh chỉ có điểm thi tốt nghiệp, dù đạt tới 27-28 điểm, nhưng những yếu tố phụ này không có vẫn có thể trượt như thường.

Sự mất cân bằng trong phân bổ chỉ tiêu: Ai được lợi?

Một yếu tố quan trọng khác góp phần vào sự thiệt thòi của thí sinh xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp là sự mất cân bằng trong việc phân bổ chỉ tiêu giữa các phương thức xét tuyển. Khi các trường đại học ưu tiên chỉ tiêu cho những phương thức khác, thí sinh điểm cao buộc phải cạnh tranh gay gắt hơn với nhau trong một số lượng chỉ tiêu ít ỏi.

Sự mất cân bằng này không chỉ ảnh hưởng đến những thí sinh đạt điểm cao mà còn tạo ra một vòng lặp dẫn đến nguy cơ không công bằng. Đó là các trường ưu tiên các phương thức xét tuyển khác, số lượng thí sinh chọn phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp giảm dần, dẫn đến việc các trường tiếp tục giảm chỉ tiêu cho phương thức này trong những năm tiếp theo. Điều này tạo ra một vòng xoáy bất lợi cho những thí sinh ở các nhiều khu vực điều kiện hạn chế, chỉ có thể chọn phương thức này để vào đại học.

Trong bối cảnh đó, những thí sinh có điều kiện tốt hơn sẽ tham gia các kỳ thi riêng hoặc có hồ sơ ngoại khóa phong phú lại dễ dàng hơn trong việc trúng tuyển. Điều này khiến hệ thống tuyển sinh mất đi tính công bằng vốn có, khi mà cơ hội không được chia đều cho tất cả các thí sinh. Thay vào đó nghiêng về phía những thí sinh có điều kiện tốt hơn về nhiều mặt, nhất là các thí sinh vùng đồng bằng, thành phố, là những nơi có điều kiện kinh tế phát triển hơn.

Để khắc phục tình trạng này và đảm bảo tính công bằng trong tuyển sinh, cần xem xét đánh giá kỹ việc quá nhiều phương thức tuyển sinh. Trước hết, các trường đại học cần cân nhắc lại việc phân bổ chỉ tiêu, đảm bảo rằng các phương thức xét tuyển đều được phân bổ chỉ tiêu một cách công bằng, không để bất kỳ phương thức nào bị thiệt thòi. Ngoài ra, việc đánh giá thí sinh nên tập trung hơn vào năng lực học tập thực sự, thay vì có trường chú trọng vào các tiêu chí phụ như hiện tại.

Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đưa ra “hàng rào kỹ thuật” với những quy định rõ ràng và minh bạch về cách thức xét tuyển, đặc biệt là trong việc tổ chức các kỳ thi riêng hoặc xét tuyển dựa trên các tiêu chí khác ngoài điểm thi tốt nghiệp. Chỉ khi có sự minh bạch và công bằng trong hệ thống xét tuyển, thí sinh mới có thể tin tưởng rằng nỗ lực của mình sẽ được đền đáp xứng đáng.

Đề thi trong kỳ thi tốt nghiệp cũng cần có sự phân hóa tốt hơn nhằm giúp các trường đại học tuyển chọn được những học sinh phù hợp. Cuối cùng, cần có một chiến lược lâu dài để đảm bảo rằng mọi thí sinh, dù sử dụng bất kỳ phương thức xét tuyển nào theo tinh thần tự chủ đại học, đều có cơ hội công bằng để trúng tuyển vào các trường đại học. Điều này không chỉ giúp nâng cao chất lượng đầu vào của các trường đại học mà còn đảm bảo các phương thức xét tuyển trở nên công bằng và minh bạch hơn, đáp ứng được kỳ vọng của xã hội.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Bùi Minh Tuấn

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/thi-sinh-chon-xet-tuyen-dai-hoc-bang-diem-thi-tot-nghiep-co-dang-bi-thiet-thoi-post245125.gd