Thí sinh điều chỉnh nguyện vọng thế nào khôn ngoan nhất?
Giai đoạn nước rút điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đại học (ĐH) bằng kết quả thi THPT quốc gia 2019, thí sinh làm thế nào để điều chỉnh nguyện vọng một cách khôn ngoan nhất?
5 ngành có cơ hội việc làm cao
Khi lựa chọn ngành nghề, thí sinh cần quan tâm đến một số yếu tố như sở thích, năng lực và cơ hội việc làm sau khi ra trường. Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực có số liệu thống kê thông tin sinh viên tốt nghiệp và có việc làm của gần 100% cơ sở đào tạo giáo dục ĐH từ năm 2016 đến 2018. Theo đó, có 5 lĩnh vực đào tạo tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm cao là Công nghệ kỹ thuật, Máy tính và Công nghệ thông tin, Kiến trúc và Xây dựng, Kinh doanh và Quản lý, cuối cùng là Kỹ thuật. Lĩnh vực Công nghệ kỹ thuật tỷ lệ sinh viên có việc làm tăng vượt bậc trong 3 năm qua, từ 54,7% năm 2016 vọt lên 93,1% năm 2018.
Lĩnh vực Kinh doanh và Quản lý cũng tăng từ 65,5% lên 94,9% trong ba năm qua. Đặc biệt, lĩnh vực Kỹ thuật hiện là lĩnh vực tỷ lệ sinh viên có việc làm cao nhất, đạt 97,3%. Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực cũng đưa ra 5 lĩnh vực đào tạo có số lượng sinh viên lựa chọn ít hoặc tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm thấp là: Môi trường và Bảo vệ môi trường, Dịch vụ xã hội, Nông- Lâm nghiệp - Thủy sản, Pháp luật, Khoa học tự nhiên.
PGS Đào Văn Đông, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ Giao thông - vận tải cho biết, thời gian trung hạn và dài hạn tới Việt Nam vẫn phải phát triển khối ngành sản xuất dịch vụ, đòi hỏi nguồn nhân lực lớn về khối kỹ thuật, công nghệ. Ví dụ như cơ sở hạ tầng của Việt Nam vẫn đang tiếp tục được đầu tư, phát triển. Như vậy nhu cầu nguồn nhân lực phục vụ khối ngành xây dựng nói chung, ngành xây dựng giao thông, vận tải nói riêng tiếp tục có nhu cầu rất cao, không chỉ trong nước, mà nhu cầu các doanh nghiệp cũng như quốc tế. Vì vậy, trường sẽ đào tạo những ngành nghề mà xã hội cần trong tương lai. Rất nhiều doanh nghiệp quốc tế khu vực châu Á (Nhật Bản, Hàn Quốc) rất quan tâm, đánh giá cao nguồn nhân lực kỹ thuật công nghệ của Việt Nam. Do đó, cơ hội việc làm của sinh viên tốt nghiệp ngành này không chỉ trong nước mà cả nước ngoài.
Điểm sàn nhiều trường tăng…
Đến thời điểm này, ngành Robotics và trí tuệ nhân tạo của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM có điểm sàn cao nhất cả nước (24 điểm). Ngoài ra, các ngành điểm sàn khá cao: ngành ôtô, công nghệ thông tin 21 điểm (đại trà), 20 điểm (chất lượng cao). Các ngành Sư phạm tiếng Anh, cơ khí, cơ điện tử, điện-điện tử, kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, logistics, công nghệ thực phẩm, công nghệ kỹ thuật hóa học 20 điểm (đại trà), 19 điểm (chất lượng cao)… So với năm 2018, điểm sàn tăng từ 2- 3 điểm.
Trường ĐH Ngoại thương Cơ sở II tại TPHCM từ 20,5 trở lên; Trường ĐH Kinh tế TPHCM, điểm cao nhất là 19 có các ngành kinh tế, quản trị kinh doanh, kinh doanh quốc tế, kinh doanh thương mại, marketing, tài chính - ngân hàng, kế toán, quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, quản trị khách sạn, ngôn ngữ Anh và luật… Một số ngành còn lại lấy 17 điểm.
Trường ĐH Kinh tế Luật TPHCM năm nay tiếp tục đưa ra một mức điểm chuẩn cho tất cả các ngành là 19 điểm, so với năm trước, trường này tăng 2 điểm.
Các trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Tài chính- Marketing, ĐH Giao thông - Vận tải, ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM… điểm sàn dao động từ 14- 18 điểm.
Với các trường có khối ngành sư phạm, y, dược, điểm sàn hầu hết đều bằng với ngưỡng đầu vào của Bộ GD&ĐT công bố là từ 18- 21 điểm. Tuy nhiên, có một số ngành điểm sàn cao hơn 2- 3 điểm so với quy định như ngành Sư phạm Toán, Sư phạm Hóa, Sư phạm tiếng Anh.
12- 13 điểm vào trường nào?
Theo phương thức xét kết quả thi THPT quốc gia, Trường ĐH Bạc Liêu nhận hồ sơ từ 13 điểm trở lên với tất cả ngành không thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên. Riêng hai ngành Bảo vệ thực vật, Chăn nuôi, mức sàn là 12 điểm. Mức điểm này gồm điểm 3 môn, bài thi tương ứng theo tổ hợp xét tuyển và điểm ưu tiên khu vực.
Trường ĐH Cửu Long tuyển sinh 21 ngành, trong đó 19 ngành thuộc nhóm xã hội, kinh tế, tài chính, công nghệ, nông nghiệp có mức sàn 12,5 điểm. Hai ngành còn lại thuộc nhóm ngành sức khỏe (Điều dưỡng, Kỹ thuật xét nghiệm y học) lấy sàn 18.
Trường ĐH Xây dựng miền Tây lấy điểm sàn 13 cho 7 ngành Kỹ thuật xây dựng, Kiến trúc, Quản lý đô thị và công trình... Trường ĐH Kinh tế Công nghiệp Long An có 4/9 ngành lấy mức sàn 13 điểm, các ngành còn lại lấy sàn 14-15 điểm...
Công bố điểm chuẩn bằng kết quả thi THPT quốc gia trước 8/8: Vi phạm quy chế tuyển sinh
Như Tiền Phong đã phản ánh, hiện nay một số trường ĐH đã công bố điểm trúng tuyển 2019 bằng kết quả thi THPT quốc gia 2019 trong khi đang trong giai đoạn thí sinh điều chỉnh nguyện vọng như ĐH Trưng Vương, Học viện Chính sách và Phát triển, ĐH Luật TPHCM... Chiều 24/7, đại diện Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT đã chính thức có ý kiến về vấn đề này. Theo đó, quy định của Bộ GD&ĐT, từ ngày 6/8 đến ngày 8/8/2019, Bộ GD&ĐT hỗ trợ lọc ảo cho các trường ĐH có sử dụng từ một đến ba môn văn hóa kết quả thi THPT quốc gia 2019 để xét tuyển. Vì vậy việc công bố điểm trúng tuyển ĐH bằng kết quả thi THPT quốc gia trước thời điểm 8/8 là vi phạm quy chế tuyển sinh. Vụ Giáo dục ĐH cũng đang yêu cầu các trường này báo cáo cụ thể sau đó sẽ có hướng xử lý.
NGHIÊM HUÊ
Đừng bỏ ngành yêu thích
Trước băn khoăn của thí sinh trong việc điều chỉnh nguyện vọng, Lê Ngọc Hải, sinh viên K62, Viện Điện, ĐH Bách khoa Hà Nội có lời khuyên hữu ích. Theo Hải, khôn ngoan là không bao giờ từ bỏ niềm yêu thích của mình, hãy kiên định với ngành mình đã chọn. “Chỉ cần đó là ngành mình thích nhất, hãy đặt nguyện vọng 1. Cơ hội đỗ của các em rất nhỏ, nhưng còn hơn là không có. Nếu không đăng ký, các em không có cơ hội. Còn nếu đăng ký, các em tự tạo cơ hội cho mình. Khôn ngoan là đặt ngành mình thích lên trước. Nhiều bạn rất “dại” khi đặt ngành mình thích xuống NV2, NV3. Theo quy chế, thí sinh chỉ có cơ hội trúng tuyển 1 nguyện vọng cao nhất (nếu đủ điểm) trong số những nguyện vọng đã đăng ký. Do đó, giờ là lúc tỉnh táo để điểm số ấy đưa các em đến ngành phù hợp nhất. Đừng chỉ tìm hiểu một ngành, hãy tìm hiểu theo nhóm ngành”, Hải nhắn nhủ.