Thi THPT quốc gia 2020: Siết chặt hơn nữa kỷ luật phòng thi

Theo tinh thần dự thảo Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp năm 2020 vừa được Bộ GDĐT công bố, lấy ý kiến, tới đây sẽ có thêm trường hợp bị hủy bỏ kết quả thi THPT quốc gia.

Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2019. Ảnh: Quang Vinh.

Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2019. Ảnh: Quang Vinh.

Cụ thể, Bộ GDĐT đang lấy ý kiến cho Dự thảo Thông tư Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi THPT quốc gia 2020 và xét công nhận tốt nghiệp THPT kèm theo Thông tư số 04/2017 (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 04/2018 và Thông tư 03/2019 của Bộ trưởng Bộ GDĐT). Theo Dự thảo này, Khoản 5 Điều 49 được bổ sung thêm một nội dung: Thí sinh bị đình chỉ thi trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 sẽ bị hủy bỏ kết quả thi.

Theo quy định hiện hành, chỉ có 3 trường hợp bị hủy kết quả thi THPT quốc gia. Một là, thí sinh có 2 bài thi trở lên bị điểm 0 do phạm lỗi theo quy định. Hai là, viết, vẽ vào tờ giấy thi những nội dung không liên quan đến bài thi. Ba là, để người khác thi thay hoặc làm bài thay cho người khác dưới mọi hình thức; sửa chữa, thêm bớt vào bài làm sau khi đã nộp bài; dùng bài của người khác để nộp.

Trước đó, trong các kỳ thi THPT quốc gia, thí sinh bị đình chỉ do vi phạm một số điều trong quy chế chỉ bị lập biên bản, cảnh cáo hoặc không cho tiếp tục thi các môn khác. Mặc dù vậy mới chỉ dừng lại ở đình chỉ và chưa có quy định cụ thể việc xử lý điểm thi với thí sinh này. Như vậy, nếu quy định này được ban hành, áp dụng sẽ giúp việc quản lý chặt chẽ hơn, xử lý sai phạm và mang tính răn đe mạnh hơn với những thí sinh vi phạm trong kỳ thi THPT quốc gia.

Ngoài ra, Dự thảo cũng đưa ra nhiều quy định mới về việc chấm thi. Việc chấm thi tại mỗi hội đồng thi được thực hiện tại không quá 2 khu vực. Khu vực chấm thi phải đảm bảo an ninh, an toàn có đủ phương tiện phòng cháy, chữa cháy, có công an bảo vệ 24 giờ/ngày. Nơi chấm thi, chấm kiểm tra bài thi tự luận và nơi bảo quản bài thi tự luận được bố trí gần nhau. Bài thi trắc nghiệm được lưu trữ tại phòng xử lý và chấm bài thi trắc nghiệm hoặc được lưu trữ tại phòng chứa bài thi riêng biệt, tùy theo thực tế triển khai tại đơn vị.

Tổ Giám sát gồm ít nhất 5 người (1 tổ trưởng và ít nhất 4 thành viên). Trong đó tổ trưởng tổ giám sát là lãnh đạo phòng/ban của trường ĐH, CĐ. Các thành viên Tổ Giám sát là viên chức của trường ĐH, CĐ và công chức sở GDĐT của tỉnh có bài thi được chấm. Theo Dự thảo, Tổ Giám sát làm việc độc lập với các tổ chuyên môn khác và có nhiệm vụ giám sát chặt chẽ quy trình chấm bài thi trắc nghiệm, quy trình bảo quản bài thi tại phòng chấm thi trắc nghiệm theo quy định. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nếu thấy có bất thường, Tổ Giám sát phải báo cáo Trưởng ban để tạm dừng quá trình chấm thi và đề nghị Trưởng ban kiểm tra, xác minh và xử lý trước khi tiếp tục.

Một điểm mới nữa trong Dự thảo Thông tư lần này, Bộ GDĐT yêu cầu các Hội đồng chấm thi phải “tuyệt đối giữ bí mật về quan hệ giữa số báo danh và thông tin cá nhân của thí sinh với số phách”. Cán bộ đánh phách phải được cách ly tuyệt đối từ khi thực hiện nhiệm vụ đánh phách đến khi hoàn thành việc chấm phúc khảo. Khi thực hiện các công việc liên quan đến phúc khảo, phải có ít nhất từ hai thành viên của ban phúc khảo trở lên và có sự giám sát của cán bộ thanh tra.

Trước những băn khoăn của học sinh về phương thức ôn tập trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2020, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT) cho biết, kỳ thi THPT quốc gia năm 2020, Bộ sẽ không xây dựng và công bố đề minh họa vì việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm nay sẽ giữ ổn định về cơ bản như năm 2019. Thí sinh và các nhà trường có thể tham khảo đề thi chính thức và đề minh họa của kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 để nhận biết cách thức ra đề của năm 2020 và có hướng ôn thi phù hợp. Cũng theo ông Trinh, việc thí điểm thi trên máy tính chưa áp dụng đối với kỳ thi THPT quốc gia năm 2020. Bộ đang tính toán để thí điểm thi trên máy từ năm 2021 ở nơi sẵn sàng về điều kiện và học sinh tự nguyện tham gia.

Như vậy, kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 vẫn có 5 môn thi, bài thi, gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội. Trong số này, chỉ có môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các môn còn lại vẫn thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, kể cả với môn toán. Bộ GDĐT chủ trì, chỉ đạo các trường ĐH chấm bài thi trắc nghiệm của thí sinh; việc chấm bài thi tự luận do sở GDĐT đảm nhận.

Để chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2020, Bộ GDĐT cũng đã có văn bản yêu cầu các sở GDĐT chuẩn bị sớm, đầy đủ các điều kiện cần thiết để tổ chức tốt kỳ thi; xây dựng các phương án dự phòng để xử lý các rủi ro có thể xảy ra trong quá trình tổ chức thi.

Dung Hòa

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/giao-duc/thi-thpt-quoc-gia-2020-siet-chat-hon-nua-ky-luat-phong-thi-tintuc456952