Thi tốt nghiệp 4 môn là phù hợp, đừng sợ các môn không thi thì HS không học

Suy cho cùng, thi 4 môn, 5 môn hay 6 môn như các phương án mà Bộ đã lấy ý kiến lâu nay thì mấu chốt cuối cùng cũng là công nhận tốt nghiệp mà thôi.

Ngày 29/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025. Theo đó, thí sinh sẽ thi 4 môn gồm 2 môn thi bắt buộc là Ngữ văn, Toán và hai môn tự chọn trong số các môn Ngoại ngữ, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.

Việc tổ chức thi trên toàn quốc theo hình thức chung đề, chung đợt thi, cùng thời gian theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Phương thức xét công nhận tốt nghiệp sẽ kết hợp giữa đánh giá quá trình và kết quả thi tốt nghiệp theo tỉ lệ phù hợp với lộ trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Mặc dù ngay sau khi Bộ công bố phương án thi tốt nghiệp đã có nhiều ý kiến băn khoăn khi môn Ngoại ngữ, Lịch sử không nằm trong nhóm môn thi bắt buộc nhưng phần lớn giáo viên, học sinh, phụ huynh vui mừng trước phương án thi 4 môn.

Suy cho cùng, số môn thi càng giảm càng bớt áp lực, công sức cho thí sinh, phụ huynh và các nhà trường vì theo định hướng của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cấp trung học phổ thông là giai đoạn giáo dục nghề nghiệp.

Ảnh minh họa: Doãn Nhàn

Ảnh minh họa: Doãn Nhàn

Đừng sợ các môn không thi thì học sinh không học

Ngay sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025, bên cạnh những ý kiến đồng tình, vui mừng thì vẫn có những ý kiến cho rằng việc bỏ môn Ngoại ngữ; Lịch sử ra khỏi môn thi bắt buộc là rất đáng tiếc.

Bởi, một số ý kiến cho rằng với số môn thi như vậy, học sinh sẽ tập trung cho 2 môn bắt buộc và 2 môn lựa chọn để thi tốt nghiệp và sau này phục vụ cho mục đích xét tuyển đại học. Đặc biệt, bỏ môn Ngoại ngữ ra nhóm môn thi bắt buộc thì có thể tình trạng học ngoại ngữ sẽ giảm sút chất lượng.

Tuy nhiên, theo quan điểm người viết bài, việc Bộ lựa chọn phương án 2 môn thi bắt buộc và 2 môn thi lựa chọn là phù hợp trong bối cảnh mà ngành giáo dục đang triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Theo định hướng của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, giáo dục phổ thông được chia làm 2 giai đoạn rất cụ thể: giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9); giai đoạn giáo dục nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12) với những mục tiêu rất rõ ràng.

Về cơ bản, chương trình giáo dục phổ thông đã định hướng tốt từng giai đoạn giáo dục. Giai đoạn giáo dục cơ bản, chương trình lồng ghép những nội dung liên quan với nhau của một số môn học trong chương trình hiện hành để tạo thành môn học tích hợp; thực hiện tinh giản, tránh chồng chéo nội dung giáo dục, giảm hợp lí số môn học.

Đồng thời, chương trình thiết kế một số môn học theo các chủ đề, tạo điều kiện cho học sinh lựa chọn những chủ đề phù hợp với sở thích và năng lực.

Trong giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, bên cạnh một số môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, học sinh được lựa chọn những môn học và chuyên đề học tập phù hợp với sở thích, năng lực và định hướng nghề nghiệp của mình.

Vì thế, chương trình trung học phổ thông là giai đoạn giáo dục nghề nghiệp, ngoài những môn học, môn thi bắt buộc thì học sinh có thể lựa chọn, đầu tư những môn học mà mình yêu thích, giúp ích cho nghề nghiệp sau này.

Một số ý kiến cho rằng bỏ môn Ngoại ngữ sẽ là bước thụt lùi, tuy nhiên theo người viết thực tế không hẳn là vậy. Học sinh bây giờ được học ngoại ngữ từ lớp 3 (bắt buộc) và lớp 1 (tự chọn).

Vì thế, ngoại ngữ vẫn là môn học bắt buộc từ lớp 3 đến lớp 12 nên phần lớn học sinh sẽ có vốn kiến thức tốt về ngoại ngữ nếu việc kiểm tra đánh giá sát sao. Hơn nữa, giờ đây có nhiều kênh để học sinh học tập, nâng cao vốn từ và hiệu quả giao tiếp về ngoại ngữ.

Đối với môn Lịch sử, theo chương trình tổng thể, chương trình môn học thì môn học này đã được kết thúc từ lớp 9. Việc môn Lịch sử trở thành môn học bắt buộc ở cấp trung học phổ thông là việc thay đổi đột ngột ở thời điểm chuẩn bị triển khai chương trình học lớp 10 vào năm học 2022-2023.

Vì thế, học sinh đều đã học môn Lịch sử khá nhiều vì chương trình đã thiết kế kết thúc phần bắt buộc môn Lịch sử ở lớp 9, giờ đây học thêm 3 năm nữa bằng những kiến thức chuyên sâu. Hơn nữa, tình yêu đất nước, yêu quê hương cũng đã được lồng ghép qua nhiều môn học khác nên việc môn Lịch sử là môn thi lựa chọn cũng phù hợp, cân đối với các tổ hợp môn.

Việc một số ý kiến cho rằng các môn không thi thì học sinh sẽ không học nhưng nếu không học làm sao học sinh đủ điều kiện để thi tốt nghiệp. Dù các môn không thi thì giáo viên, học sinh cũng đều phải dạy và học như thường. Hơn nữa, trong lớp học, có thể môn này một số em không lựa chọn nhưng một số em khác lại lựa chọn để thi. Vì thế, những lo lắng như vậy, theo người viết là không hoàn toàn chính xác.

"Người trong cuộc" vui mừng

Cô giáo Lê Thị H., giáo viên Lịch sử đang giảng dạy tại một trường trung học phổ thông phía Nam chia sẻ: "Bản thân tôi thấy phương án thi của Bộ phù hợp, bớt áp lực cho học sinh. Suy cho cùng, thi 4 môn, 5 môn hay 6 môn như các phương án mà Bộ đã lấy ý kiến lâu nay. Mấu chốt cuối cùng cũng là công nhận tốt nghiệp cho học sinh lớp 12 và các trường xét tuyển đại học.

Nay, Bộ lựa chọn phương án 2 môn thi bắt buộc và 2 môn thi lựa chọn vẫn đáp ứng được các tiêu chí mà giảm áp lực học tập, ôn thi cho học trò.

Thầy giáo Nguyễn K., hiện đang công tác tại An Giang cũng là phụ huynh có con đang học lớp 10 cho biết: "Gia đình tôi có con đang học trung học phổ thông nên khi thấy Bộ công bố phương án thi 4 môn, chúng tôi mừng lắm.

Việc lựa chọn phương án 4 môn thi sẽ giảm căng thẳng cho học sinh. Thực tế, nếu Bộ lựa chọn 5 môn hay 6 môn sẽ quá nặng cho học trò bởi cấp trung học phổ thông chương trình mới là giai đoạn giáo dục nghề nghiệp chứ không giống như chương trình 2006 trước đây.

Càng nhiều môn thi, học sinh học thêm càng nhiều sẽ khiến cho nhiều em đuối sức mà phụ huynh cũng phải đầu tư thêm rất nhiều chi phí cho việc học thêm.

Em Nguyễn Nhật Th., học sinh lớp 10 tại An Giang tỏ ra mừng rỡ khi Bộ công bố lựa chọn phương án 4 môn thi. Theo em, 4 môn thi là phù hợp bởi hiện nay các em đang học tập khá vất vả.

Bởi lẽ, ngoài 8 môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc, học sinh trung học phổ thông còn học thêm 4 môn lựa chọn và một số chuyên đề học tập nên áp lực rất lớn. Vì thế, em cho rằng 4 môn thi sẽ được đa số học sinh đồng tình, ủng hộ.

Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 với 4 môn thi có thể sẽ còn những ý kiến băn khoăn trong thời gian tới. Nhưng, chúng tôi cho rằng số đông vẫn ủng hộ phương án này.

Thêm 1 hay 2 môn thi nữa sẽ dẫn đến rất nhiều áp lực cho học sinh, cộng thêm là chi phí học thêm của phụ huynh đầu tư cho con em mình. Bên cạnh đó, kinh phí ngân sách nhà nước, địa phương phải tổ chức thêm 1,2 môn nữa cho hàng triệu thí sinh sẽ là rất lớn.

Tuy nhiên, những năm vừa qua chúng ta thấy rõ, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp các năm qua đều đạt 98% - 99% thì phương án 4 môn thi là phù hợp, tiết kiệm được rất nhiều công sức, tiền bạc của học sinh, phụ huynh, tiền ngân sách.

Đối với việc xét (thi) tuyển đại học là việc của các trường đại học, học viện. Riêng phương án thi và công nhận tốt nghiệp cho học sinh lớp 12 thì 4 môn thi như Bộ vừa công bố là phù hợp nhất, được nhiều người ủng hộ.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

THANH AN

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/thi-tot-nghiep-4-mon-la-phu-hop-dung-so-cac-mon-khong-thi-thi-hs-khong-hoc-post239586.gd