Thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025: Giảm áp lực cho học sinh
Trong khi đa số ý kiến ủng hộ phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, vẫn còn những ý kiến không đồng tình về việc môn Ngoại ngữ trở thành môn lựa chọn. Bộ GD&ĐT lý giải việc chọn phương án 4 môn thi nhằm đảm bảo yếu tố gọn nhẹ, giảm áp lực học tập cho thí sinh, giảm tốn kém cho phụ huynh, xã hội.
Theo phương án Thi tốt nghiệp THPT Bộ GD&ĐT vừa công bố, từ năm 2025, mỗi thí sinh sẽ thi 4 môn gồm Toán, Ngữ văn và 2 môn lựa chọn trong số 9 môn trong chương trình THPT.
Lý giải về việc Bộ GD&ĐT chốt phương án thi mới bằng 4 môn thi thay vì phương án 5 hay 6 môn được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi chuyên gia, nhà giáo trước đó, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Huỳnh Văn Chương nói rằng, nguyên tắc cốt lõi xây dựng phương án thi là đổi mới phương thức thi theo hướng gọn nhẹ, giảm áp lực và tốn kém cho phụ huynh, xã hội. Đồng thời, quá trình xây dựng phương án Bộ cũng bám sát mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, trong đó bậc THPT là giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp; đảm bảo học sinh được lựa chọn nghề nghiệp phù hợp năng lực, sở thích, điều kiện và hoàn cảnh của bản thân.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng khẳng định, việc chọn phương án thi 2+2 không làm giảm vai trò của các môn học mà xét về mặt khoa học, đây là phương pháp phù hợp. Kỳ thi tốt nghiệp THPT là kỳ thi quan trọng vì có tác động lớn tới xã hội nhưng phải hài hòa.
“Để đưa ra phương án cuối cùng, trước đó, Bộ GD&ĐT đã nghiên cứu hết sức công phu, bài bản, lấy ý kiến của chuyên gia, thầy cô giáo rộng rãi trên cả nước và các bộ ban ngành cũng như kinh nghiệm thế giới”, ông nói.
Tháng 11, đơn vị đã có đợt tập huấn đầu tiên đối với giáo viên dạy các môn thi tốt nghiệp của 63 Sở GD&ĐT và một số trường ĐH với khoảng 3.000 giáo viên cốt cán tham gia. Họ cũng là đội ngũ tham gia xây dựng ngân hàng câu hỏi thi cho kỳ thi từ năm 2025.
Một số môn học có thể bị lu mờ
Với phương án thi mới, vẫn còn một số ý kiến băn khoăn về việc không đưa môn Ngoại ngữ vào môn thi bắt buộc, nhưng nhiều giáo viên, hiệu trưởng đồng tình.
Thầy Lê Văn Dị, Hiệu trưởng Trường THPT Quảng Xương 1, TP Thanh Hóa (Thanh Hóa), nói rằng, thực hiện chương trình GDPT mới đến nay là năm thứ 2, thầy trò chờ đợi phương án thi mới để có đường hướng dạy học, ôn tập. Phương án thi 4 môn gọn nhẹ, thuận lợi cho học sinh trong học tập, luyện thi cũng như xét tuyển. Việc kết hợp 4 môn thi tạo thành 36 tổ hợp xét tuyển rõ ràng cũng thuận lợi cho học sinh hơn so với trước đây thi 6 môn, nhiều tổ hợp rất dàn trải.
Tuy nhiên, thầy Dị nhận định, trong tương lai một số môn học có ít học sinh lựa chọn sẽ bị lu mờ. Khi trở thành môn lựa chọn, những môn như Ngoại ngữ, Giáo dục công dân, Giáo dục Kinh tế và pháp luật, Lịch sử, Địa lý… sẽ có ít học sinh lựa chọn. Riêng môn Ngoại ngữ không trở thành môn thi bắt buộc nên để học sinh có nhu cầu tự thân, quyết định và lựa chọn. Chủ trương giáo dục toàn diện nhưng trên thực tế không phải học sinh nào cũng cần giỏi Ngoại ngữ.
“Thực tế kết quả thi tốt nghiệp THPT những năm qua cho thấy, điểm thi Ngoại ngữ chia 2 vùng, một bên rất thấp và bên rất cao. Điều đó cho thấy, ai có nhu cầu sẽ đầu tư cho môn học còn nếu thi chỉ nhằm đạt mức điểm qua liệt (1,5 điểm) nên không thể nói là thi mới nâng cao chất lượng ngoại ngữ”, thầy Dị nói.
Thầy Lê Xuân Trung, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Lợi, quận Hà Đông (Hà Nội), cho rằng, không có phương án nào đạt được sự tối ưu, nhưng phương án thi 4 môn có ưu điểm lớn là giảm rất nhiều áp lực thi cử, luyện thi cho học sinh.
Tuy nhiên, thầy Trung cho rằng, không bắt buộc thi môn Ngoại ngữ sẽ khó thúc đẩy dạy và học ngoại ngữ trong các nhà trường. Thầy dự đoán, trong năm thi đầu tiên phương án mới, tỉ lệ học sinh chọn môn Ngoại ngữ sẽ không cao, nhất là các em vùng khó khăn.
“Học sinh lâu nay vẫn có thói quen ứng thí, học để phục vụ thi cử, không phải vì lợi ích lâu dài. Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, chúng ta có vai trò trang bị tri thức nói chung, ngoại ngữ nói riêng cho học sinh”, thầy Trung nói.
Theo Bộ GD&ĐT, sau khi công bố phương án tổ chức kỳ thi, Bộ GD&ĐT sẽ ban hành kế hoạch chi tiết triển khai đảm bảo yêu cầu và tiến độ đề ra. Trong quý IV/2023, Bộ sẽ công bố đề minh họa “dẫn đường” cho học sinh, thầy cô, các nhà trường nắm được cấu trúc, hàm lượng kiến thức cho dạy và học.
Thầy Trung cũng cho rằng, phương án thi mới sẽ tác động đến dạy học ở các nhà trường. Từ đây, ngoài 2 môn Toán, Ngữ văn, các trường học phải chủ động tăng cường kiến thức đảm bảo đồng bộ tất cả các môn tự chọn. Trong đó, phải làm tốt công tác định hướng nghề nghiệp ngay từ khi học sinh vào lớp 10 để chọn các môn học đúng, trúng, tránh ôn luyện dàn trải, giảm áp lực, chi phí cho phụ huynh. Nhà trường cũng cần nắm thông tin, xu hướng tuyển sinh từ các trường ĐH để tư vấn, định hướng cho học sinh từ sớm.
Trong khi đó, thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên dạy Toán tại Hà Nội nhìn nhận, Bộ GD&ĐT cần sớm tách bạch mục tiêu kỳ thi “2 trong 1” là thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH. Vì từ lâu việc ghép 2 mục tiêu vào một kỳ thi không còn phù hợp. Đây cũng là vấn đề được nhiều chuyên gia, nhà giáo đồng tình, cho rằng phương án thi tốt nghiệp chỉ nên nhắm tới mục đích tốt nghiệp THPT và các trường ĐH tự chủ phương án tuyển sinh.