Thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh Đại học 2025: Nỗi lo kép của học sinh
Dạng thức đề thi tốt nghiệp THPT mới, nhiều điều chỉnh trong quy chế tuyển sinh đại học (ĐH) là những vấn đề đặt ra đối với lứa học sinh đầu tiên hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông 2018 vào năm 2025. Những khó khăn của thí sinh rất cần sự hỗ trợ, định hướng từ các trường THPT.
Chủ động thích ứng
Với lứa học sinh đầu tiên học chương trình mới thi tốt nghiệp THPT năm 2025, cô Thanh Tuyết, giáo viên tại Nam Định cho biết khó khăn đa chiều khi các em vốn quen việc học, việc kiểm tra đánh giá theo kiểu “học gì thi nấy”. Bản thân giáo viên cũng phải thay đổi rất nhiều cách dạy, kiến thức truyền tải để phù hợp với chương trình mới.
Trường Phổ thông DTNT THCS & THPT huyện Đắk Glong (Đắk Nông) dự kiến thực hiện ôn thi tốt nghiệp sớm hơn mọi năm cho học sinh. Theo đó, từ ngày 1/10, trường triển khai hình thức học chính khóa kết hợp tăng tiết với các môn thi cho học sinh 12 để nắm vững kiến thức, chủ động việc học và xây dựng kế hoạch học tập cho bản thân.
Để nắm được nhu cầu, tâm tư nguyện vọng, năng lực của học sinh, nhà trường tổ chức khảo sát, tư vấn chọn môn thi nhằm mục tiêu chọn được môn học phù hợp năng lực, sở trường và định hướng nghề nghiệp. Nhà trường cũng tiến hành tư vấn xây dựng kế hoạch học tập, yêu cầu giáo viên xây dựng ngân hàng đề thi nhằm bồi dưỡng, hỗ trợ học sinh, ôn luyện sát với yêu cầu kì thi.
Nhằm hỗ trợ học sinh, Trường THPT DTNT tỉnh Nghệ An đã thực hiện chương trình môn học theo các tổ hợp xuyên suốt từ lớp 10 đến lớp 12 dựa trên nguyện vọng đăng kí khối xét tuyển đại học và học lực của học sinh.
Ngoài hai môn thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn, nhà trường tư vấn cho học sinh đăng kí môn thi tự chọn tốt nghiệp THPT còn lại sao cho phù hợp các ngành nghề, trường ĐH dự kiến xét tuyển. Từ đó, học sinh có định hướng sớm và xây dựng kế hoạch học tập phù hợp.
Ngoài tổ chức ôn thi tốt nghiệp THPT theo tổ hợp môn, nhà trường còn thành lập ban tư vấn hướng nghiệp để hướng dẫn trò nắm bắt thông tin tuyển sinh của các trường đại học, ôn thi SAT và đánh giá năng lực. Nhà trường cũng xây dựng kế hoạch tổ chức thi thử tốt nghiệp THPT 4 đến 5 lần để học sinh làm quen với đề thi, cách thi và giảm bớt áp lực tâm lý.
Định hướng cho học sinh
Bà Trần Thị Hải Yến, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú, Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết năm 2023, Sở GD&ĐT Hà Nội cho học sinh khảo sát theo dạng thức đề mới.
Những khó khăn đã được nhận diện và các trường đã có kế hoạch khắc phục nên bước vào năm học 2024 - 2025, thí sinh yên tâm học tập. Môn tiếng Anh mới hơn nên ban đầu có khó khăn nhưng hiện đã được triển khai thông suốt.
UBND TP Hà Nội vừa có Chỉ thị về tăng cường công tác chỉ đạo, phối hợp, tổ chức kì thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, giáo dục nghề nghiệp năm 2025 trên địa bàn thành phố.
Theo đó, UBND TP Hà Nội yêu cầu Sở GD&ĐT chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc đổi mới phương pháp, tổ chức hoạt động dạy và học, ôn tập, kiểm tra đánh giá đối với học sinh; bảo đảm đầy đủ các yếu tố cần thiết phục vụ kì thi, không để học sinh, giáo viên và các cơ sở giáo dục phổ thông bị động, khó khăn khi tham gia, tổ chức kì thi.
Với tuyển sinh ĐH, bà Yến cho biết nhà trường chủ động định hướng học sinh ngay từ đầu năm học.
Đó là tập trung vào phương thức xét tuyển kết hợp giữa điểm thi tốt nghiệp hoặc học bạ với kết quả kì thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy hay chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ đánh giá năng lực quốc tế (SAT/ACT). Đây là thế mạnh của học sinh Trường THPT Trần Phú cũng như học sinh khu vực thuận lợi.
Vì vậy, học sinh phải đầu tư học tốt các môn dự kiến lựa chọn thi tốt nghiệp để đạt kết quả như mong muốn xét tuyển ĐH.
“Chúng tôi chủ động tìm hiểu thông tin của các trường ĐH mà học sinh nhà trường có truyền thống đăng kí xét tuyển từ trước tới nay để định hướng, tư vấn cho học sinh”, bà Yến nói.
Tại Trường Phổ thông DTNT huyện Cao Lộc (Lạng Sơn), Ban giám hiệu yêu cầu các tổ chuyên môn tập trung xây dựng và cung cấp cho học sinh các bộ đề thi mẫu dựa trên định dạng mới của Chương trình GDPT 2018. Đồng thời, nhà trường tổ chức các buổi tư vấn hướng nghiệp, giúp học sinh hiểu rõ về ngành nghề, từ đó có định hướng phù hợp khi chọn ngành học trong tương lai.
Trường cũng phối hợp với phụ huynh theo dõi, tư vấn tâm lí, hỗ trợ học sinh trong quá trình học tập và ôn thi; giúp thí sinh chuẩn bị tốt nhất cho các kì thi, tránh hoang mang khi là khóa đầu tiên tham dự kì thi theo dạng thức đề thi mới.