Tích cực chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT theo chương trình mới
Năm 2025 là năm đầu tiên kỳ thi tốt nghiệp THPT thực hiện theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Để chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng này, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã lên kế hoạch triển khai đồng bộ các giải pháp, bảo đảm đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đề ra.
Xung quanh vấn đề này, P.V Báo Gia Lai có cuộc phỏng vấn Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Duy Định.
* P.V: Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 được tổ chức theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với chủ trương một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa. Vậy, Sở GD-ĐT triển khai kế hoạch như thế nào để kỳ thi đạt hiệu quả, thưa ông?
- Ông LÊ DUY ĐỊNH: Căn cứ Quyết định số 4068/QĐ-BGDĐT ngày 28-11-2023 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phê duyệt phương án tổ chức kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025; Quyết định số 764/QĐ-BGDĐT ngày 8-3-2024 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quy định về cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025; Công văn số 2081/UBND-KGVX ngày 8-9-2024 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học 2024-2025, Sở GD-ĐT đã xây dựng kế hoạch nâng cao chất lượng của kỳ thi THPT năm 2025.
Theo đó, các giải pháp được đề ra là: Tập trung duy trì và nâng cao tỷ lệ tốt nghiệp THPT, tăng điểm trung bình các bài thi của học sinh; tăng vị thứ xếp hạng tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2025 trong hệ thống các trường phổ thông thuộc Sở, các cơ sở giáo dục thường xuyên; giảm độ chênh lệch giữa điểm trung bình môn học lớp 12 và điểm trung bình bài thi; tăng vị thứ xếp hạng độ chênh lệch trong hệ thống các trường phổ thông thuộc Sở, các cơ sở giáo dục thường xuyên. Đặc biệt, tăng tỷ lệ trúng tuyển vào các trường đại học và tăng vị thứ xếp hạng tỷ lệ trúng tuyển vào các trường đại học năm 2025 trong hệ thống các trường phổ thông thuộc Sở.
Tiến hành kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kỳ ở các trường phổ thông theo đúng quy định, đảm bảo sự đồng bộ theo định hướng cấu trúc, định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Cùng với đó, triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch giáo dục của nhà trường, tăng cường tổ chức dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh, hoàn thành chương trình giáo dục phù hợp với khung kế hoạch thời gian năm học 2024-2025.
* P.V: Để chuẩn bị điều kiện tốt nhất cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, theo ông, ngành GD-ĐT tỉnh cần tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm nào?
- Ông LÊ DUY ĐỊNH: Một trong những giải pháp tiên quyết đó là tổ chức dạy học chính khóa với phương thức nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện chương trình giáo dục trung học, chương trình giáo dục thường xuyên nhằm phát triển phẩm chất và năng lực học sinh; tập trung phân tích cấu trúc định dạng đề tham khảo, vận dụng các dạng thức câu hỏi trong cấu trúc định dạng đề tham khảo vào quá trình dạy học từ năm học 2024-2025 cho học sinh lớp 12 phù hợp với yêu cầu của môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Ngoài ra, Sở đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện hiệu quả các phương pháp và hình thức kiểm tra, đánh giá sự phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh theo yêu cầu cần đạt của chương trình môn học; xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh phù hợp với kế hoạch giáo dục từng môn học.
Căn cứ vào mức độ cần đạt của chương trình môn học, hoạt động giáo dục, mức độ phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh, các đơn vị xác định tỷ lệ các câu hỏi, bài tập theo năng lực và cấp độ tư duy yêu cầu trong các bài kiểm tra đánh giá; vận dụng các dạng thức câu hỏi trong cấu trúc định dạng đề tham khảo để xây dựng đề kiểm tra, đánh giá cho học sinh lớp 12 phù hợp với yêu cầu của chương trình môn.
Cùng với đó, các đơn vị tiến hành xây dựng kế hoạch và nội dung ôn tập trên cơ sở đánh giá rút kinh nghiệm nội dung ôn tập và công tác tổ chức ôn tập thi tốt nghiệp THPT năm 2024; phân tích cấu trúc định dạng đề tham khảo để xây dựng tài liệu dạy ôn tập cho học sinh lớp 12 phù hợp với yêu cầu của chương trình môn học và nhu cầu, năng lực học sinh; xây dựng và phát triển hệ thống ngân hàng câu hỏi, bài tập theo cấu trúc định dạng đề tham khảo.
Các trường tổ chức thi thử trước kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 theo định dạng đề tham khảo để học sinh làm quen, rèn luyện kỹ năng và có các giải pháp tổ chức dạy ôn tập nâng cao chất lượng kịp thời. Xây dựng kế hoạch, chương trình nội dung ôn tập phù hợp với mục tiêu của từng giai đoạn dạy học và ôn tập theo từng nhóm năng lực học tập của học sinh.
* P.V: Việc tổ chức dạy học, ôn tập kiến thức cho học sinh trước kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 trong các đơn vị được triển khai ra sao, thưa ông?
- Ông LÊ DUY ĐỊNH: Các đơn vị trường học đã tiến hành khảo sát nguyện vọng đăng ký môn thi tốt nghiệp THPT của học sinh phù hợp với năng lực, nguyện vọng nghề nghiệp. Từ đó, xây dựng các phương án tổ chức dạy học, ôn tập phù hợp theo từng nhóm năng lực học tập của học sinh; chú trọng tổ chức dạy ôn tập, phụ đạo cho học sinh có nguy cơ hỏng tốt nghiệp.
Căn cứ tình hình thực tế về phòng học, đội ngũ và từng nhóm năng lực học tập của học sinh, các trường tổ chức dạy học, ôn tập với thời lượng phù hợp, đảm bảo cân đối giữa các môn học. Tăng cường công tác phụ đạo, ôn tập cho học sinh.
Cùng với đó, các trường cần tăng cường hướng dẫn học sinh tự học, tự ôn tập, không gây quá tải; thường xuyên cung cấp thông tin về kết quả giáo dục của học sinh lớp 12 cho phụ huynh; chủ động hướng dẫn học sinh tham khảo, làm quen với cấu trúc, định dạng của đề thi trong quá trình dạy học và ôn tập phục vụ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.
Đặc biệt, để tổ chức kỳ thi đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo tăng cường vai trò trách nhiệm lãnh đạo của nhà trường và các phòng chuyên môn nghiệp vụ thuộc Sở; gắn trách nhiệm lãnh đạo của nhà trường với chất lượng chuyên môn của tổ, nhóm chuyên môn được phân công tại đơn vị.
Rà soát đăng ký chỉ tiêu chất lượng có đầy đủ thông số về điểm số khởi đầu, điểm số dự đạt ở các kỳ kiểm tra định kỳ, điểm số thi thử và điểm số dự đạt ở kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 cho từng học sinh; thường xuyên kiểm soát, triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm đạt và vượt chỉ tiêu chất lượng đã đăng ký.
* P.V: Xin cảm ơn ông!