Thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ 2025: Vì sao chỉ nên thi 2 môn bắt buộc?
Nhiều chuyên gia, địa phương đề xuất phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 với 2 môn thi bắt buộc và 2 môn tự chọn là hợp tình, hợp lí, giúp giảm áp lực cho thí sinh.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố kết quả lấy ý kiến về phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025.
Kết quả khảo sát cho thấy, khoảng 26-30% ý kiến lựa chọn thi 6 môn, gồm 4 môn bắt buộc: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử và 2 môn thí sinh lựa chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (phương án 1).
Thí sinh học chương trình Giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông (không học môn Ngoại ngữ) thi 5 môn, gồm 3 môn bắt buộc: Ngữ văn, Toán, Lịch sử và 2 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12.
Khoảng 69-74% ý kiến lựa chọn thi 5 môn, gồm 3 môn bắt buộc: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ và 2 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (bao gồm cả môn Lịch sử) (phương án 2).
Thí sinh học chương trình Giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông (không học Ngoại ngữ) thi 4 môn, gồm 2 môn bắt buộc: Ngữ văn, Toán và 2 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12.
Trong quá trình khảo sát, nhiều chuyên gia, địa phương đề xuất thêm phương án thí sinh sẽ thi 4 môn, gồm 2 môn thi bắt buộc: Toán, Ngữ văn và 2 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (bao gồm cả môn Ngoại ngữ và Lịch sử) (phương án 3).
Nhiều giáo viên bậc trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh nghiêng về phương án 3 (thi tốt nghiệp 4 môn gồm Toán, Ngữ văn, và 2 môn tự chọn)
Điều này được lý giải: Thứ nhất, phương án thi này giúp giảm áp lực thi cử cho thí sinh. Kỳ thi tốt nghiệp hiện nay gồm 6 môn và nếu từ năm 2025 giảm còn 4 môn thì học sinh sẽ đỡ vất vả hơn trong việc ôn tập, thi cử.
Theo đó, thí sinh sẽ thi trong 1,5 ngày (thay vì thi 2 ngày như hiện nay): buổi sáng ngày thứ nhất thi môn Toán, buổi chiều thi môn Ngữ văn và buổi sáng ngày thứ 2 thi 2 môn lựa chọn (buổi chiều dự phòng).
Như thế, công tác tổ chức thi và việc dự thi của thí sinh gọn nhẹ, giúp tiết kiệm thời gian, công sức, tiền bạc cho học sinh, phụ huynh và xã hội. Điều này cũng phù hợp với quy định về môn học bắt buộc và môn học lựa chọn của Chương trình 2018.
Thứ hai, tỉ lệ thí sinh đỗ tốt nghiệp kì thi tốt nghiệp nhiều năm qua gần chạm mốc 100% nên không nhất thiết phải thi 5, 6 môn. Cụ thể, tỉ lệ thí sinh cả nước đỗ tốt nghiệp năm 2023 là 98,88%; năm 2022: 98,57%; năm 2021: 98,6%; năm 2020: 98,34%.
Có thể nhận thấy, tỉ lệ thí sinh đỗ tốt nghiệp năm nào cũng cao ngất ngưởng, đó cũng là lí do khiến rất nhiều ý kiến cho rằng kỳ thi mang tầm quốc gia này chỉ còn tính hình thức. Một kỳ thi tốt nghiệp mà chỉ loại được hơn 1% thí sinh thì nào có ích gì.
Vậy, mục đích của kỳ thi tốt nghiệp là "kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp và làm một trong các cơ sở để đánh giá chất lượng dạy, học của các cơ sở giáo dục phổ thông và công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục" như dự thảo liệu có đáng tin cậy?
Thứ ba, dự thảo cũng cho biết mục đích của kỳ thi tốt nghiệp cung cấp dữ liệu đủ độ tin cậy cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ, cũng cần được xem xét lại một cách thấu đáo.
Bởi lẽ, đề thi tuyển sinh đại học, cao đẳng cần có sự phân hóa cao để tuyển những thí sinh khá, giỏi giúp định hướng nghề nghiệp cho các em về sau. Trong khi đó, đề thi tốt nghiệp chủ yếu xác định chuẩn đầu ra của học sinh sau khi hoàn thành chương trình lớp 12 . Vì vậy, kết hợp 2 mục tiêu trong một kỳ thi tốt nghiệp sẽ gây bất cập rất lớn.
Thứ tư, nhiều trường đại học, nhất là những trường tốp đầu, hiện nay đang có xu thế thoát li phương án tuyển sinh theo hình thức xét tuyển điểm thi tốt nghiệp nhằm nâng cao chất lượng đầu vào thí sinh.
Thay vào đó, nhiều trường đại học xét tuyển theo các hình thức như đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, xét tuyển thẳng... Đáng chú ý, các trường đại học tốp giữa và tốp dưới đa số xét tuyển theo phương thức lấy điểm học bạ.
Đáng nói, kỳ thi tốt nghiệp từ 2025 cho dù thi 5 hay môn thì vẫn không thỏa mãn nhu cầu lựa chọn tổ hợp môn xét tuyển vào đại học của thí sinh. Cho nên, nếu chỉ khoanh ở một số môn như dự thảo đưa ra vẫn chưa phải là phương án tối ưu. Nghĩa là, thí sinh vẫn phải ôn thi, luyện thi với mong muốn đạt được kết quả cao nhất để xét tuyển vào đại học, cao đẳng.
Thứ năm, hàng năm có một lượng rất lớn thí sinh chỉ dự thi tốt nghiệp nhằm mục đích xét tốt nghiệp THPT, chứ các em không có nhu cầu xét tuyển vào đại học, cao đẳng.
Trong tổng số thí sinh dự thi tốt nghiệp năm 2023, thí sinh tự do chiếm 4,71% (48.309 thí sinh); thí sinh chỉ xét tốt nghiệp chiếm 7,14% (73.232 thí sinh); thí sinh chỉ xét tuyển sinh chiếm 3,34% (34.203 thí sinh); thí sinh vừa xét tốt nghiệp vừa xét tuyển sinh chiếm 89,52% (917.731 thí sinh) - là lí do nên giảm số môn thi tốt nghiệp.
Hơn nữa, theo dự thảo phương án thi tốt nghiệp từ năm 2025, thí sinh vẫn được lấy điểm đánh giá theo quá trình (điểm học bạ) cùng với điểm thi tốt nghiệp để được xét công nhận tốt nghiệp. Thí sinh có thể được cộng 50% điểm trung bình kết quả học tập lớp 12 nên phương án thi 4 môn là hợp tình, hợp lí.
Thứ sáu, nhiều ý kiến lo lắng cho rằng, thí sinh không thi môn Lịch sử và Ngoại ngữ thì các em sẽ bỏ bê hai môn học này. Tuy vậy, điều này là không có cơ sở, vì học sinh bậc vẫn phải học môn bắt buộc Lịch sử và các em hệ giáo dục thường xuyên thì không học môn Ngoại ngữ.
Cần đổi mới phương pháp dạy học môn Lịch sử, Ngoại ngữ thay vì bắt thí sinh thi cử. Việc dạy học môn Lịch sử, kể cả môn Ngoại ngữ (chủ yếu là tiếng Anh) trong Chương trình mới hiện đang là vấn đề được dư luận rất quan tâm.
Hiện nay vẫn còn tình trạng dạy, học môn Lịch sử theo kiểu đọc chép, chiếu chép, rồi học sinh phải học thuộc lòng hàng loạt sự kiện lịch sử theo kiểu: diễn biến, nguyên nhân, kết quả, bài học… thì làm sao có thể gây hứng thú cho các em. Riêng tiếng Anh cũng chỉ là công cụ giao tiếp, vậy nên nhiều quốc gia loại bỏ môn Tiếng Anh trong các kỳ thi là có cơ sở.