Thi tốt nghiệp từ năm 2025: Lịch sử nên là môn bắt buộc hay lựa chọn?
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra 2 phương án về kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 trở đi, trong đó phương án 2 có Lịch sử là môn lựa chọn.
Ngày 24/8, tại Thành phố Hồ Chí Minh diễn ra Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 đối với công tác quản lý chất lượng và thanh tra, kiểm tra khối Sở Giáo dục và Đào tạo do Cục Quản lý chất lượng Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.
2 phương án cho kì thi tốt nghiệp
Tại Hội nghị, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra phương án 2 lựa chọn để lấy ý kiến lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo các địa phương.
Theo đó, các môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 dự kiến gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử (đối với giáo dục phổ thông); Ngữ văn, Toán, Lịch sử (đối với giáo dục thường xuyên) và các môn học lựa chọn gồm: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ - không có môn Nghệ thuật (Mỹ thuật, Âm nhạc).
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra 2 lựa chọn để khảo sát ý kiến lãnh đạo các sở Giáo dục và Đào tạo về phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 trở đi.
Cụ thể, phương án 1 gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Lịch sử và 2 môn tự chọn trong số các môn đã lựa chọn học. Phương án 2 gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 môn tự chọn trong số các môn đã được học, trong đó có cả môn Lịch sử.
Chọn 5 hay 6 môn, Lịch sử nên là môn lựa chọn hay bắt buộc?
Nhiều giáo viên bậc trung học phổ thông nêu ý kiến, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên chọn phương án 2 (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 môn tự chọn trong số các môn đã được học, trong đó có cả môn Lịch sử) là hợp lí. Vì thí sinh thi 5 môn sẽ giảm tải cho các em thay vì 6 môn.
Như thế, thí sinh sẽ thi tốt nghiệp trung học phổ thông trong 2 ngày như kì thi hiện nay. Nếu thí sinh thi 6 môn, có thể phải kéo dài sang ngày thứ 3 gây căng thẳng, tốn kém cho các em và xã hội. Hơn nữa, Lịch sử là môn định hướng nghề nghiệp theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nên đưa môn này thành môn lựa chọn là phù hợp với mục tiêu.
Cùng với đó, các trường đại học hiện nay xét tuyển theo nhiều phương thức bên cạnh phương thức lấy điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Phương thức được hầu hết các trường đại học chọn lựa là xét kết quả học bạ nên học sinh lựa chọn môn Lịch sử là hợp tình hợp lí. Vì học sinh được giảm thi một môn thì sẽ có thêm nhiều thời gian học môn khác để xét tuyển vào đại học.
Ngoài ra, theo thống kê số lượng thí sinh chọn tổ hợp môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông nhiều năm qua cho thấy, số lượng thí sinh chọn tổ hợp khoa học xã hội chiếm 2/3 so với tổ hợp khoa học tự nhiên. Giả sử Lịch sử trở thành môn thi bắt buộc thì sự mất cân bằng giữa số lượng chọn tổ hợp các môn xã hội và tổ hợp các môn tự nhiên của học thí sẽ ngày càng tăng lên.
Trước đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, kết quả kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo Chương trình mới được dùng để xét công nhận tốt nghiệp, làm một trong các cơ sở để đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông, công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục. Các bên liên quan tham khảo, sử dụng kết quả thi cho các mục đích khác nhau phù hợp với quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Sau khi phương án được ban hành, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo hướng đồng bộ, thống nhất và phù hợp với hệ thống quy định pháp luật hiện hành. Đồng thời, triển khai công tác chuẩn bị về mọi mặt ngay từ năm 2023 để triển khai thực hiện hiệu quả phương án.