Thi Trung học phổ thông quốc gia trên máy tính: Đảm bảo đúng lộ trình
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa trình ra dự thảo đề xuất phương án tổ chức thi, xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng sau năm 2020 của bộ.
Theo đó, phương án được xây dựng trên căn cứ là các quy định trong các Nghị quyết trung ương số 29, Kết luật số 51-KL/TW (năm 2019) của Ban Bí thư, Nghị quyết số 44 năm 2014 của Chính phủ, Luật Giáo dục 2019 và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học nhằm đảm bảo tính ổn định của lộ trình đổi mới thi/tuyển sinh, không gây xáo trộn đối với việc dạy và học của giáo viên, học sinh, không gây bức xúc xã hội.
Phương án này vừa kế thừa kết quả đã đạt được trong tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia giai đoạn 2015-2020 vừa đồng bộ với lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới và lộ trình tự chủ của các cơ sở giáo dục đào tạo.
Cụ thể, với mục tiêu gọn nhẹ, giảm áp lực, tốn kém, bảo đảm độ tin cậy, kỳ thi dùng để đánh giá kết quả học tập ở bậc học trung học phổ thông theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình và hướng tới đánh giá phẩm chất, năng lực của người học. Kết quả này đồng thời dùng để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông, cung cấp dữ liệu đáng tin cậy cho các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp tham khảo sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.
Các học sinh hoàn thành chương trình lớp 12, nếu đáp ứng các quy định của Bộ GD&ĐT thì được hiệu trưởng trường trung học phổ thông (hoặc giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên) cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình trung học phổ thông; nếu có nhu cầu dự thi để được cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ được tham gia kỳ thi trung học phổ thông quốc gia. Nội dung thi nằm trong chương trình trung học phổ thông hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12.
Phương thức thi được đề xuất là tổ chức thi trên giấy như hiện nay, đồng thời chuẩn bị các điều kiện để tổ chức thi trên máy tính theo lộ trình đảm bảo tính khả thi. Đối với phương thức tổ chức thi trên máy tính, thí sinh có thể tham gia dự thi một số đợt trong năm tại các địa điểm của các tổ chức khảo thí độc lập đáp ứng theo quy định của Bộ GD&ĐT. Kết quả của đợt thi trên máy tính nào cao nhất sẽ được dùng để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông và có thể được các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp tham khảo, sử dụng trong tuyển sinh (nếu có nhu cầu).
Trong giai đoạn 2021-2025, Bộ GD&ĐT đề xuất cơ bản giữ ổn định như kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2019, thực hiện một số điều chỉnh cho phù hợp với thực tế. Đồng thời bộ cũng thí điểm tổ chức thi trên máy tính nhằm từng bước áp dụng phương thức thi này phù hợp với điều kiện thụ hưởng giáo dục và cách tiếp cận công nghệ thông tin của học sinh.
Khẳng định đưa công nghệ vào kỳ thi là cần thiết và không thể chậm trễ, GS -TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, cho dù kỳ thi những năm trước đã tốt rồi nhưng nếu từ năm 2021 vẫn thi như hiện nay sẽ lạc hậu. Giáo dục số hóa mang tính mở, hoàn toàn có thể thi theo hình thức chắc chắn hơn, thi xong đã chấm xong rồi. Một hệ thống giáo dục kỹ thuật số, nhà trường thông minh không chấp nhận cách thi thiếu sự hỗ trợ của công nghệ.
Tuy nhiên, việc thực hiện phải có lộ trình và phải được làm càng sớm càng tốt, trước hết có thể làm thí điểm sau đó tiến hành đánh giá, rút kinh nghiệm, trước khi mở rộng triển khai phù hợp với điều kiện thực tiễn từng vùng miền của đất nước. Cần huy động sự tham gia của các doanh nghiệp công nghệ thông tin vào quá trình thực hiện; chấp nhận sẽ vẫn có một bộ phận học sinh làm bài thi trên giấy, để kỳ thi không tiêu cực, không phụ thuộc vào con người. Lộ trình đổi mới, hoàn thiện kỳ thi cần được công bố để người dân hiểu rõ, nhiều chuyên gia, nhà khoa học cùng khuyến nghị.
Ủng hộ với dự thảo phương án của Bộ GD&ĐT, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nhận định, dự thảo phương án đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục, giảm áp lực cho xã hội rất lớn cả về tư tưởng, kinh tế; đảm bảo khách quan, học sinh học toàn diện, không học tủ học lệch. Nhưng để triển khai cần chuẩn bị về địa điểm thi, hạ tầng, trang thiết bị cùng với đó là xây dựng ngân hàng đề. Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cần chuẩn bị tốt năng lực của đội ngũ nhân sự tham gia làm thi, cân nhắc vai trò của bộ và địa phương trong tổ chức kỳ thi.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh rằng, việc xây dựng phương án thi trung học phổ thông sau 2020 cần chắc chắn nhưng phải tích cực, khẩn trương, đồng thời yêu cầu Bộ GD&ĐT phải bảo đảm tiến độ chuẩn hóa, cập nhật, mở rộng ngân hàng đề thi, không vì lý do này mà trì hoãn lộ trình tổ chức thi trên máy tính.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp và cầu thị để hoàn thiện phương án một cách căn cơ, theo lộ trình. Bộ GD&ĐT sẽ chỉ triển khai hình thức thi trên máy tính ở những nơi có đủ điều kiện. Tiếp tục chuẩn hóa và mở rộng ngân hàng đề thi, bên cạnh hạ tầng, phần mềm, hệ thống vận hành, cần đặc biệt quan tâm đến năng lực tổ chức thực thi, bởi máy móc không thể thay thế con người. Quan trọng nhất vẫn là năng lực đội ngũ cán bộ khảo thí, lực lượng giáo viên phải được kiện toàn, tập huấn, bồi dưỡng toàn diện.