Thị trường bán lẻ truyền thống: Thay đổi để giành thị phần

Thương mại điện tử (TMĐT) phát triển đã hút lượng lớn khách hàng chọn mua sắm hàng hóa trực tuyến qua sàn TMĐT hoặc các trang mạng xã hội. Điều này khiến thị trường bán lẻ truyền thống như: Chợ, siêu thị, cửa hàng cố định và ngay cả nhà hàng dịch vụ ăn uống cũng phải thay đổi phương thức kinh doanh, thích ứng với xu thế chuyển đổi số để giành thị phần.

Đa dạng hình thức bán hàng

Với số dân đông, lượng lao động đến địa bàn làm việc tại các khu, cụm công nghiệp lớn, mỗi năm Bắc Giang tiêu thụ hàng trăm nghìn tấn hàng hóa phục vụ tiêu dùng. Tính riêng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của tỉnh ước đạt 56,5 nghìn tỷ đồng; trong đó tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt hơn 39,4 nghìn tỷ đồng, tăng 12,5% so với năm 2022. Điều đó cho thấy thị trường bán lẻ của tỉnh có tiềm năng phát triển rất lớn.

 Khách hàng đến trải nghiệm, mua sắm tại Nhà sách Tiến Thọ.

Khách hàng đến trải nghiệm, mua sắm tại Nhà sách Tiến Thọ.

Trong bối cảnh đó, ngành kinh doanh bán lẻ truyền thống đang phải cạnh tranh gay gắt với loại hình TMĐT do ngày càng có nhiều khách hàng chọn mua sắm trực tuyến thông qua các nền tảng công nghệ. Để giành thị phần, nhiều nhà bán lẻ hàng hóa, kinh doanh dịch vụ đã tìm tòi và xây dựng mô hình kinh doanh mới để thích ứng với xu thế công nghệ ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Bà Dương Thị Vân Nga, Giám đốc Điều hành Siêu thị GO! Bắc Giang chia sẻ, vừa qua, siêu thị đã chuyển đổi theo mô hình bán lẻ đa kênh. Ngoài kênh bán lẻ truyền thống (mua sắm tại siêu thị), khách hàng có thể dễ dàng đặt mua hàng qua hotline 19001880, qua app trên Zalo, hoặc qua app GO! & Big C. Khách hàng chỉ cần tải app, đăng ký thành viên để cập nhật liên tục các chương trình khuyến mại. “Chúng tôi coi phương thức bán hàng đa kênh, nhất là bán hàng online là kênh chiến lược của doanh nghiệp. Nhờ áp dụng chuyển đổi số, doanh thu từ bán hàng của Siêu thị GO! Bắc Giang năm 2023 tăng gần 30% so với năm 2022”, bà Nga cho hay.

Gần đây, tại TP Bắc Giang còn xuất hiện một số mô hình kinh doanh mới, hiệu quả khác, trong đó có mô hình kinh doanh kết hợp “Sách - đồ chơi - tiêu dùng - quà tặng” của Nhà sách Tiến Thọ (số 50, đường Nguyễn Thị Lưu). Thay vì chỉ áp dụng hình thức bán sách truyền thống, đơn vị này còn mở thêm các dịch vụ như: Trải nghiệm các trò chơi miễn phí và thu phí dành cho trẻ em kết hợp với dịch vụ ăn uống, bán lẻ hàng tiêu dùng và quà tặng. Nhờ mô hình kinh doanh mới hiệu quả, từ một cơ sở được thành lập ban đầu tại quận Cầu Giấy (TP Hà Nội), đến nay hệ thống Nhà sách Tiến Thọ đã thành lập được 10 cơ sở ở các tỉnh, TP khác.

Tạo môi trường kinh doanh số an toàn

Trước tốc độ đô thị hóa nhanh, sự bùng nổ của lớp người tiêu dùng với thu nhập ngày càng cao, nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn tỉnh những năm tới dự báo tăng trưởng mạnh. Để hỗ trợ, phát triển thị trường bán lẻ, gần đây hạ tầng thương mại được tỉnh quan tâm đầu tư và thu hút đầu tư nên có bước phát triển nhanh. Mô hình tổ chức kinh doanh phát triển đa dạng, xuất hiện nhiều phương thức tiên tiến, hiện đại theo hướng chuyên nghiệp như: TTTM, siêu thị, cửa hàng tiện ích, cửa hàng tự chọn...

Trên địa bàn tỉnh hiện có 131 chợ, 5 siêu thị, 5 TTTM, hơn 400 cửa hàng tiện lợi kinh doanh tổng hợp, 12 siêu thị mini với hàng nghìn lao động tham gia kinh doanh, buôn bán. Tỉnh có 19 thương nhân bán buôn lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu với 23 kho, tổng dung tích hơn 16,4 nghìn m3.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 131 chợ, 5 siêu thị và 5 TTTM, hơn 400 cửa hàng tiện lợi kinh doanh tổng hợp, 12 siêu thị mini với hàng nghìn lao động tham gia, buôn bán. Hiện đã có một số DN, đơn vị bán lẻ lớn trong và ngoài nước đầu tư, phát triển hệ thống cung ứng tại Bắc Giang như: Tập đoàn Central Retail, Tập đoàn Masan, Saigon Co.op… Mới đây, trong chuyến công tác cùng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Nhật Bản, đồng chí Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký kết biên bản ghi nhớ về việc Công ty TNHH Aone Mall Việt Nam (nguồn vốn Nhật Bản) đầu tư TTTM trị giá 250 triệu USD tại tỉnh Bắc Giang.

Để cạnh tranh với xu hướng phát triển công nghệ trong lĩnh vực bán lẻ, nhà cung ứng, nhất là tiểu thương (đang kinh doanh theo mô hình truyền thống) cần thay đổi mô hình kinh doanh cũ sang áp dụng TMĐT hoặc tìm giải pháp liên kết, kinh doanh đa kênh mới thu hút khách, giành được thị phần. Tuy nhiên, theo Sở Công Thương, việc quản lý kinh doanh qua TMĐT đang gặp không ít khó khăn như: Khó kiểm soát chất lượng, xuất xứ sản phẩm, khách hàng dễ bị đánh cắp thông tin cá nhân, Nhà nước khó thu thuế.

Khắc phục hạn chế trên, tạo môi trường kinh doanh số bình đẳng, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chiến lược an toàn, an ninh mạng quốc gia, chủ động ứng phó với các thách thức từ không gian mạng đến năm 2025, tầm nhìn 2030. Công an tỉnh, Sở Công Thương và Cục Quản lý thị trường Bắc Giang ký chương trình phối hợp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2025...

Ông Phạm Công Toản, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho rằng, cùng với hỗ trợ từ phía chính quyền, bản thân người tiêu dùng cần trang bị kiến thức khi mua hàng, đồng thời nhận thức rõ nhiệm vụ của mình trong việc ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ… Kịp thời phát hiện, tố cáo, phản ánh các hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa vi phạm pháp luật và của cán bộ, công chức có dấu hiệu bao che, tiếp tay cho các đối tượng vi phạm...

Bài, ảnh: Thế Đại

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/419560/thi-truong-ban-le-truyen-thong-thay-doi-de-gianh-thi-phan.html