Thị trường bất động sản có nhiều điểm lợi sau hình thành chính quyền hai cấp
Sáp nhập tỉnh, thành là một cú hích lớn cho thị trường bất động sản nhưng cũng đòi hỏi các doanh nghiệp phải có chiến lược rõ ràng. Đồng thời, cần phải có khả năng thích ứng linh hoạt và quản trị rủi ro tốt, để nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức.
Mở rộng cơ hội đầu tư
Khi các tỉnh thành sáp nhập, chính quyền sẽ có điều kiện để xây dựng các dự án hạ tầng lớn, mang tính liên kết vùng cao hơn. Điều này giúp kết nối các khu vực, tạo ra động lực phát triển kinh tế và làm tăng giá trị bất động sản.

Các dự án giao thông như đường cao tốc, đường vành đai sẽ giúp giảm thời gian di chuyển, mở rộng không gian phát triển đô thị.
Sự sáp nhập thường đi kèm với các chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế mới. Ông Thomas Rooney, Phó Giám đốc, Dịch vụ Tư vấn Công nghiệp, Savills Hà Nội đánh giá, việc sáp nhập hành chính tại Việt Nam tạo ra những cơ hội đáng kể cho các doanh nghiệp bất động sản công nghiệp nhờ việc tinh giản thủ tục đất đai và cấp phép, qua đó giảm thiểu tình trạng chậm tiến độ và nâng cao hiệu quả thực hiện dự án.
Điều này giúp các khu công nghiệp tại Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn đối với cả nhà đầu tư trong và ngoài nước, thúc đẩy dòng vốn và hoạt động phát triển. Với quy trình rõ ràng và nhanh chóng hơn, doanh nghiệp có thể lập kế hoạch và triển khai dự án hiệu quả hơn, từ đó nâng cao tiềm năng tăng trưởng.
Bên cạnh đó, sự minh bạch và độ tin cậy trong quản lý hành chính được cải thiện cũng có thể làm gia tăng giá trị đất và nhu cầu đối với mặt bằng công nghiệp, góp phần tạo nên một thị trường sôi động hơn.
"Nhìn chung, bộ máy chính quyền địa phương hai cấp sẽ mở ra môi trường thuận lợi cho sự mở rộng và nâng cao năng lực cạnh tranh của bất động sản công nghiệp trên cả bình diện trong nước và quốc tế", ông Thomas Rooney chia sẻ.
Nhận định về các thủ tục pháp lý, bà Phạm Thị Miền, Phó trưởng Ban Nghiên cứu thị trường và tư vấn, xúc tiến đầu tư (Hội Môi giới bất động sản Việt Nam) cho rằng, việc sáp nhập và rút gọn chính quyền địa phương hai cấp mang đến cho doanh nghiệp nhiều cơ hội, những thủ tục liên quan đến pháp lý sẽ được đơn giản và rút gọn hơn, đồng nghĩa với đó là thời gian và chi phí cho doanh nghiệp đầu tư và phát triển dự án sẽ được tiết kiệm, doanh nghiệp cũng sẽ được tối ưu hóa hiệu quả hơn.
Ba Miền chia sẻ thêm, quy mô thị trường sẽ được mở rộng hơn sau sáp nhập với quỹ đất dồi dào hơn, lúc đó chiến lược phát triển của các địa phương sẽ được xuyên suốt, quy hoạch mang tính chất tổng thể hơn, sẽ mở nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp phát triển các dự án.
Với chính quyền địa phương 2 cấp sẽ góp phần tăng tính minh bạch hiệu quả trong quá trình triển khai, cứ bớt đi được khâu trung gian nào thì những vấn đề về rủi ro về những cái thiếu minh bạch sẽ được triệt tiêu dần. Khi mà địa phương là những người sát sườn nhất hiểu thực tế nhất, đi kèm với nghĩa vụ và trách nhiệm thì đương nhiên việc xử lý sẽ nhanh hơn, hiệu quả hơn.
Bám sát pháp lý và quy hoạch
Một trong những yếu tố khiến doanh nghiệp trăn trở là vấn đề quy hoạch, bởi quy hoạch cũ của các địa phương bị sáp nhập có thể bị điều chỉnh hoặc hủy bỏ đề phù hợp với quy hoạch tổng thể mới. Nếu không theo dõi sát sao, các doanh nghiệp có thể rơi vào tình trạng dự án bị treo hoặc phải thay đổi thiết kế ban đầu gây thiệt hại lớn.

Doanh nghiệp chú trọng điều chỉnh quy hoạch và chuyển giao thủ tục pháp lý.
Ông Lê Xuân Nga, Tổng giám đốc BHS Group cho rằng khi chính quyền sáp nhập địa phương 2 cấp thì bộ máy sẽ được tinh gọn lại và sẽ giúp doanh nghiệp rút ngắn được thời gian để làm các thủ tục pháp lý.
"Khi sáp nhập các địa phương chúng tôi nhìn thấy cơ cơ cơ hội lớn nhất là đầu tư công vào cơ sở hạ tầng sẽ rất khác biệt, và cơ sở hạ tầng và phát triển tốt thì bất động sản cũng theo đó mà phát triển theo", ông nói.
Tuy nhiên ông Lê Xuân Nga bày tỏ, "mong muốn những quy hoạch vùng sau khi sáp nhập sẽ sớm được công bố rõ ràng, để doanh nghiệp bất động sản chúng tôi sẽ nhìn nhận rõ các khu vực nào là khu vực trọng điểm phát triển về đô thị, khu vực nào là phát triển về bất động sản nghỉ dưỡng, công nghiệp".
Ông Nga cũng lưu ý đến các nhà đầu tư, vấn đề pháp lý vẫn là yếu tố quan trọng, bởi vì sau khi sáp nhập thì những dự án gần như hoàn thiện pháp lý phải kiểm tra lại những pháp lý đó sẽ tiếp tục thực hiện như thế nào?
Nhà đầu tư cần phải để ý loại hình bất động sản nào sẽ là xu hướng của tương lai, tránh trường hợp đầu tư và các loại hình bất động sản đã bị thoái trào, có rất nhiều mô hình loại hình bất động sản đến thời điểm này nếu ra hàng thì vẫn sẽ bị thừa nguồn cung và không hấp thu được.
TS Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, bên cạnh những cơ hội các doanh nghiệp cần phải lưu ý, bởi đã thấy nhiều bài học khi không tuân thủ các quy định pháp luật của Nhà nước, đã gây ra những hậu quả thậm chí là có nhiều hệ lụy lớn. Bên cạnh đó, trên cơ sở các quy hoạch đã được công bố, thì phải tuân thủ.
Về phát triển du lịch, ông Nguyễn Văn Đính cho rằng giai đoạn gần đây, sự tăng trưởng của ngành du lịch đã bắt đầu cho thấy hiệu quả hơn, "chúng tôi cho rằng một số bất động sản trong giai đoạn trước đang bị ảnh hưởng do thể chế và kinh tế du lịch có sự chững lại của thời kỳ khủng hoảng dịch bệnh. Tuy nhiên, thời điểm này đang được hồi phục, chúng tôi đánh giá đây là phân khúc rất mạnh, có thể sẽ bật lên trong giai đoạn từ giờ đến cuối năm", ông Đính nhận định.