Thị trường bất động sản đang có xu hướng 'ấm' dần
So với cùng kỳ năm trước, trong quý II và đầu quý III/2024, thị trường bất động sản (BĐS) bắt đầu 'ấm dần hơn'. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện nay, nhiều doanh nghiệp kinh doanh BĐS nhà ở và BĐS công nghiệp vẫn đối diện với nhiều khó khăn thách thức do kinh tế suy thoái, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn, trong khi đó nhiều chính sách liên quan đến BĐS chưa được tháo gỡ kịp thời.
Theo các chuyên gia BĐS, nếu như năm 2023, BĐS đang ở mức chạm đáy, thì đến giữa năm 2024 thị trường bắt đầu “ấm” dần và nhu cầu giao dịch của người dân cũng tăng hơn. Có được kết quả này, do thị trường vàng tăng cao và giá cả không ổn định; lãi suất huy động vốn của các ngân hàng thương mại lại thấp, dẫn tới nhiều người dân lại chọn BĐS để đầu tư sinh lời và bảo toàn nguồn vốn. Đối với nhiều hộ có nhu cầu mua nhà ở, đất ở thì khi BĐS trầm lắng và chạm đáy, cũng là thời điểm họ huy động vốn đầu tư mua chỗ ở. Tuy nhiên, giá nhà ở, đất ở vẫn giảm khoảng 28 – 30% so với thời gian cao điểm, thậm chí có nhiều người chấp nhận cắt lỗ để thanh khoản vốn song cũng gặp rất nhiều khó khăn.
Tại tỉnh Hà Nam, thị trường BĐS đang có xu hướng “ấm” dần hơn và các nhà đầu tư đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án để cung ứng ra thị trường. Xu hướng của người dân đang tập trung đầu tư vào các khu đô thị mới, khu đô thị hiện đại nằm trong các phường ngoại thành ở thành phố Phủ Lý.
Đối với khu vực nội thành, giá BĐS chỉ giảm khoảng 15 – 20% so với thời gian cao điểm, thậm chí có những vị trí hiện nay vẫn giữ được giá so với đầu năm 2019 do nhu cầu nhà ở của người dân tăng cao hơn. Đối với BĐS nhà ở tại các huyện, thị xã vẫn trầm lắng, đặc biệt là ở các khu đấu giá quyền sử dụng đất tỷ lệ giao dịch chậm, nhưng giá vẫn cao hơn so với giá khởi điểm.
Cụ thể, 6 tháng đầu năm, Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản (Sở Tư pháp) tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất ở các xã gồm: Thanh Tân, Liêm Chung, Bình Nghĩa, Nhật Tân, Đức Lý, Nhân Khang, Thanh Hương với tổng số 146 lô đất, có diện tích 14.712 m2, giá khởi điểm hơn 124 tỷ đồng... Sau khi đấu giá được hơn 161 tỷ 676 tỷ đồng (giá chênh lệch tăng hơn 36 tỷ 864 triệu đồng), tỷ lệ tăng hơn 20%.
Bà Nguyễn Thị Hồng, phường Lê Hồng Phong, thành phố Phủ Lý, chuyên kinh doanh BĐS cho biết: Mặc dù đã giảm nhiều, song nếu so với thu nhập của người dân trong tỉnh, giá nhà ở, giá đất ở vẫn ở mức cao vượt khả năng về tài chính của nhiều người dân đang có nhu cầu về nhà ở. Đối với các doanh nghiệp kinh doanh BĐS, nhà ở cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến các vấn đề pháp lý trong lĩnh vực đất đai, quy hoạch, đầu tư và đặc biệt là liên quan nguồn vốn tín dụng, vướng mắc về giải phóng mặt bằng...
Thị trường nhà ở, đất ở “ấm” hơn so với những tháng trước do kinh tế bắt đầu tăng trưởng hơn, trong khi đó giá vàng tăng cao, lãi suất tiền gửi ngân hàng lại thấp và nhiều người dân có xu hướng chọn BĐS là kênh để đầu tư. Trong giai đoạn này, nhiều người dân chọn BĐS nhà ở, đất ở tại các khu đô thị hiện đại hoặc khu vực đông dân cư để thuận lợi cho giao dịch, chuyển nhượng, còn BĐS ở những khu vực xa, vùng nông thôn vẫn "trầm lắng" khó giao dịch.
Ngoài BĐS nhà ở, BĐS công nghiệp trong thời điểm hiện nay cũng đang tăng nhanh. Nhiều nhà đầu tư lớn ở các nước đã chọn Hà Nam làm điểm "dừng chân" và giá thuê đất ở nhiều vị trí đã tăng 10 – 30 USD/m2 so với cùng kỳ năm trước. Để kích cầu thị trường BĐS và tăng dư nợ tín dụng, nhiều ngân hàng thương mại hướng nguồn vốn vào mua đất, xây nhà ở và hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp kinh doanh đô thị, kinh doanh BĐS công nghiệp. Khi BĐS công nghiệp tăng cao, các nhà đầu tư lớn vào địa bàn thì BĐS đất nền “ăn theo” các khu công nghiệp trở thành xu hướng đầu tư mới. Các doanh nghiệp lớn không ngừng “đổ tiền" vào BĐS công nghiệp kéo theo các nhà máy, người lao động về làm việc, sinh sống dẫn tới nhu cầu về an cư, kinh doanh gần khu công nghiệp tăng mạnh. Tại các khu đô thị, khu dân cư ở gần các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, tỷ lệ giao dịch nhà đất có xu hướng tăng do các nhà đầu tư vào hoạt động.
Cũng theo các chuyên gia, để BĐS công nghiệp tăng trưởng bền vững cần gắn việc phát triển khu công nghiệp với việc phát triển nhà ở, nhà lưu trú cho công nhân theo quy định của Luật Nhà ở mới. Ngoài ra, trong lĩnh vực BĐS công nghiệp, cần phải xây dựng thêm những cơ chế hỗ trợ, tạo điều kiện khuyến khích nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa vào hoạt động, đặc biệt là các doanh nghiệp là nhà đầu tư phụ trợ cho các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp lớn. Khi đa dạng các doanh nghiệp vào hoạt động, giá BĐS công nghiệp sẽ tăng nhanh, kéo theo giá đất nền cũng tăng theo, góp phần đưa thị trường BĐS “ấm” lên, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng.