Thị trường bất động sản sẽ bứt phá khi các điều luật mới có hiệu lực?

Thị trường bất động sản vẫn còn nhiều khó khăn nhưng dần phục hồi khi các vướng mắc pháp lý đang từng bước được tháo gỡ. Theo các chuyên gia, thị trường có thể bứt phá vào khoảng quý 2/2025 khi các thông tư, nghị định của các luật mới có hiệu lực.

Ngày 28/6, Báo Tiền Phong tổ chức hội thảo “Chính sách mới - Trợ lực thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển” với sự tham dự của đại diện nhiều bộ ngành, chuyên gia, doanh nghiệp và các địa phương.

 Toàn cảnh buổi hội thảo - Ảnh: BTC

Toàn cảnh buổi hội thảo - Ảnh: BTC

Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Nguyện, Phó Trưởng phòng tổng hợp kiểm soát nội bộ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Chi nhánh TP HCM cho biết, cho vay với mục đích mua nhà để ở, mục đích tự sử dụng vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất, chiếm 67,78% so với tổng dư nợ tín dụng bất động sản trên địa bàn.

Trong đó, xuất hiện điểm tích cực ở phân khúc này, khi tín dụng nhà ở tăng trưởng trở lại, tăng 1,2% so với tháng 4/2024 (các tháng trước đó tăng trưởng âm). Đây là bộ phận tín dụng chiếm tỷ trọng cao, vì vậy tín dụng phân khúc này tăng trưởng không chỉ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng bất động sản mà còn có ý nghĩa xã hội rất lớn, cho vay đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân, qua đó tác động tích cực đến thị trường bất động sản và tăng trưởng kinh tế.

 Ông Nguyễn Văn Nguyện, Phó trưởng phòng tổng hợp kiểm soát nội bộ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh TP HCM - Ảnh: BTC

Ông Nguyễn Văn Nguyện, Phó trưởng phòng tổng hợp kiểm soát nội bộ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh TP HCM - Ảnh: BTC

“Ở góc độ quản lý, với những yếu tố thuận lợi về cơ chế chính sách như: lãi suất thấp, khả năng đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn của các tổ chức tín dụng; đưa ra các gói tín dụng ưu đãi cho nhà ở xã hội; luật bất động sản; luật nhà ở và kinh doanh bất động sản có hiệu lực thi hành sớm, cùng với những hành động cụ thể thông qua hoạt động của các tổ công tác để tháo gỡ khó khăn cho thị trường và những chuyển biến tích cực trên, sẽ là cơ sở, là yếu tố thúc đẩy để thị trường bất động sản duy trì những điểm tích cực, tạo điều kiện để phục hồi và tăng trưởng trở lại trong thời gian tới”, đại diện NHNN Việt Nam Chi nhánh TP HCM cho hay.

Theo ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng, "chưa bao giờ chúng ta có được sự đồng thuận của các cơ quan trung ương và địa phương như hiện nay". Điều này thể hiện sự quyết tâm trong việc ban hành các chính sách để tháo gỡ các khó khăn. Tất cả vì mục tiêu hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện để các dự án được triển khai, thúc đẩy dòng vốn và thị trường phát triển lành mạnh, minh bạch.

 Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM phát biểu tại hội thảo - Ảnh: BTC

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM phát biểu tại hội thảo - Ảnh: BTC

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM cho rằng, việc tháo gỡ được những vướng mắc pháp lý sẽ giúp cho nguồn cung ứng dồi dào, nguồn cung tăng lên thì tự nó sẽ điều chỉnh xu hướng thị trường “kim tự tháp” nhà ở bền vững.

Cùng với đó, để có thể chuyển hướng sang thị trường bất động sản xanh, sinh thái, sức khỏe, thân thiện môi trường, tích hợp nhiều tiện ích… phải có nền tảng pháp lý đồng bộ, thống nhất.

 Ông Võ Hồng Thắng, Giám đốc Đầu tư DKRA Group - Ảnh: BTC

Ông Võ Hồng Thắng, Giám đốc Đầu tư DKRA Group - Ảnh: BTC

Nêu ý kiến tại hội thảo, ông Võ Hồng Thắng, Giám đốc Đầu tư DKRA Group cho rằng có 4 thách thức lớn cho thị trường bất động sản. Đầu tiên là các cuộc khủng hoảng địa chính trị trên toàn cầu như chiến sự, bất ổn kinh tế thế giới như tăng trưởng toàn cầu 2024 dự báo giảm so với năm 2023; lạm phát kéo dài; nguy cơ khủng hoảng nợ toàn cầu.

Vấn đề thứ hai là thị trường lệch pha cung cầu về phân khúc giá; sức cầu thị trường mặc dù tăng nhưng vẫn ở mức thấp; tâm lý “chờ” của nhà đầu tư (gửi ngân hàng thay vì đầu tư bất động sản).

Thứ ba về chính sách pháp lý, chủ yếu là vướng mắc trong khâu cấp phép dự án; Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Bất động sản sắp có hiệu lực; khâu tính tiền sử dụng đất chiếm đến 60 – 70% các vướng mắc pháp lý dự án. Và cuối cùng là vấn đề nguồn vốn, hiện chúng ta đang giải quyết vấn đề của 5 năm trước khi phải giải quyết áp lực đáo hạn trái phiếu 300.000 tỷ đồng.

Dù nhiều khó khăn, thách thức nhưng ông Thắng vẫn tự tin thị trường sẽ có hồi phục. “Cơ sở của phục hồi là tăng trưởng GDP Việt Nam dự kiến tăng 5,5%; vốn FDI, xuất nhập khẩu tăng; lãi suất cho vay duy trì ở mức thấp; các dự thảo luật mới có nhiều ưu điểm”, ông Thắng nói,

Theo Giám đốc Đầu tư DKRA Group, việc phục hồi sẽ tập trung ở loại hình bất động sản nhà ở phục vụ nhu cầu thực, nhà ở vừa túi tiền (căn hộ hạng B, C). Song, để thị trường bứt phá thì có thể sẽ vào khoảng thời gian quý 2/2025 khi các thông tư, nghị định của các luật mới có hiệu lực.

Kỳ Hoa

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/thi-truong-bat-dong-san-se-but-pha-khi-cac-dieu-luat-moi-co-hieu-luc-post301572.html