Thị trường bất động sản vượt khó

So với nửa đầu năm 2019, hiện giá bán căn hộ sơ cấp tại thị trường bất động sản Hà Nội đã tăng vượt bậc với 58%, và cao hơn gấp đôi so với mức tăng của thị trường căn hộ tại TP.HCM.

Đây là một trong những số liệu được đưa ra tại Báo cáo thị trường Bất động sản Việt Nam quý 2 và 6 tháng đầu năm 2024 do Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam công bố ngày 15-7.

Thị trường bất động sản tiếp tục cựa quậy

Bà Phạm Thị Miền, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu đánh giá thị trường Bất động sản Việt Nam (VARs IRE) cho biết, thị trường bất động sản trên cả nước trong nửa đầu năm nay có nhiều dự án nhà ở mới được mở bán, kết quả giao dịch trên 70%; giá căn hộ chung cư tại hai đô thị đặc biệt liên tục thiết lập mặt bằng cao.

Về các phân khúc bất động sản, bà Miền cho rằng nhà ở xã hội, nhà ở giá bình dân vốn đã “nóng”, nay lại càng trở nên cấp thiết khi xảy ra hàng loạt vụ hỏa hoạn tại các khu chung cư mini, khu nhà trọ.

Tương tự, thị trường đất nền một số khu vực “nóng thật”, một số khu vực có dấu hiệu được hà hơi thổi nhiệt. Riêng với bất động sản công nghiệp tiếp tục giữ vị thế dẫn đầu thị trường khi xuất hiện nhiều doanh nghiệp có tiềm lực muốn “lấn sân”.

Cụ thể, quý 2, nguồn cung nhà ở sơ cấp đạt khoảng 27.335 sản phẩm, với khoảng 19.747 sản phẩm chào bán mới - gấp 3 lần quý trước, còn lại là hàng tồn của các giai đoạn mở bán trước đó.

Đồng quan điểm, ông Lê Đình Chung, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển bất động sản SGO Homes, cho biết thêm: "Lượng khách hàng quyết định xuống tiền mua bất động sản tăng trưởng rõ rệt trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp. Trong bối cảnh hành lang pháp lý ngày càng hoàn thiện, lãi suất đang duy trì ổn định ở mức thấp, các chủ đầu tư đang mạnh tay triển khai các chương trình ưu đãi hấp dẫn... Điều này giúp cho tỉ lệ hấp thụ các phân khúc đều có sự khởi sắc nhẹ".

Cũng theo VARs IR, 6 tháng đầu năm, thị trường bất động sản sơ cấp ghi nhận 20.600 sản phẩm nhà ở được giao dịch thành công, gấp 3 lần cùng kỳ năm 2023. Riêng quý 2, toàn thị trường ghi nhận hơn 14.400 giao dịch thành công, cao gấp 2,4 lần so với quý 1, được đóng góp từ cả nhu cầu đầu tư và nhu cầu ở thực với nhu cầu đầu tư tăng khoảng 30% so với quý trước.

“Sau thời gian tăng trưởng nóng ở quý 1, giá bán phân khúc nhà ở, nhất là phân khúc căn hộ tại quý 2 đã có phần bình ổn hơn. Mức bình ổn này được duy trì trên mặt bằng giá mới, cao hơn”, ông Chung nói thêm.

 Phân khúc căn hộ tại Hà Nội tăng gần 60% so với năm năm trước. Ảnh:T.L

Phân khúc căn hộ tại Hà Nội tăng gần 60% so với năm năm trước. Ảnh:T.L

Giá căn hộ "chao đảo"

Bên cạnh đó, dữ liệu nghiên cứu của VARs IRE cho thấy, chỉ số giá căn hộ chung cư tiếp tục duy trì xu hướng tăng tại cả Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng.

Theo đó, từ giữa cuối năm 2023, mức tăng trưởng về giá bán của thị trường căn hộ Hà Nội đã bắt đầu tăng và vượt qua mức tăng giá của thị trường TP.HCM. Tính đến quý 2 năm nay, giá bán căn hộ sơ cấp trung bình tại Hà Nội gần tiệm cận mức 60 triệu đồng/m2. So với quý 2 -2019, giá bán căn hộ sơ cấp tại Hà Nội ghi nhận mức tăng vượt bậc với 58%, hơn gấp đôi so với tỉ lệ tăng (27%) của thị trường TP.HCM.

Thị trường căn hộ Đà Nẵng ghi nhận mức tăng trưởng về giá thấp hơn so với hai thị trường Bắc, Nam. Tuy nhiên, trong quý 2 vừa qua, chỉ số giá căn hộ chung cư Đà Nẵng cho thấy mức tăng trưởng giá bán bình quân cao hơn TP.HCM.

Tuy nhiên, bà Miền cho rằng quá trình phục hồi của thị trường bất động sản vẫn có sự phân hóa mạnh giữa các phân khúc tại những địa phương khác nhau.

Xét về phân khúc, căn hộ vẫn đang dẫn đầu về tính thanh khoản thị trường. Các phân khúc thấp tầng, đất nền bắt đầu nhen nhóm các tín hiệu phục hồi tích cực khi một số dự án, chủ yếu ở khu vực miền Trung trở ra, ghi nhận kết quả mở bán, giao dịch chuyển nhượng khá tốt.

Còn xét về khu vực, thị trường bất động sản khu vực phía Bắc, từ phân khúc đất nền, biệt thự, chung cư... đều tiếp tục ghi nhận những kết quả tăng trưởng, ở trạng thái sẵn sàng tăng tốc.

Khu vực miền Trung, bao gồm thị trường Đà Nẵng, Nha Trang, Nghệ An bắt đầu ghi nhận những chuyển biến tích cực ở phân khúc cao tầng trên thị trường sơ cấp và các sản phẩm dòng tiền trên thị trường thứ cấp. Trong khi, quá trình phục hồi tại thị trường miền Nam đang cho thấy sự không đồng đều, với nguồn cung nhỏ giọt, chủ yếu đến từ giai đoạn mở bán tiếp theo của các dự án cũ.

Một số chuyên gia kinh tế đều chung nhận định khi cho rằng thị trường bất động sản Việt Nam vẫn đang chờ đợi những “nút thắt” được tháo gỡ để thực sự "khỏe” trở lại.

Dự báo, khi các Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023… có hiệu lực thực thi kể từ đầu tháng 8 tới đây, tâm lý "chờ đợi" sẽ được tháo bỏ, các doanh nghiệp phát triển bắt đầu cuộc đua gỡ nút thắt cùng cơ quan quản lý Nhà nước, các chủ đầu tư tự tin hơn với việc ra hàng, nhà đầu tư có niềm tin trở lại. Các luật mới chắc chắn sẽ mang đến những tác động tích cực cho thị trường nhưng cũng sẽ là “bộ lọc” loại bỏ các chủ thể không đủ năng lực ra khỏi cuộc chơi.

Theo Công ty chứng khoán Rồng Việt, các doanh nghiệp bất động sản vẫn tiếp tục đàm phán gia hạn nợ với trái chủ trong bối cảnh áp lực đáo hạn tháng 6 khá lớn. Thực tế cho thấy, chỉ trong tháng 6 vừa qua đã có hơn 16.000 tỉ đồng trái phiếu chậm thanh toán khi đến kỳ đáo hạn.

THÙY LINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/thi-truong-bat-dong-san-vuot-kho-post800549.html