Thị trường chờ khung pháp lý cho bất động sản du lịch
Nhiều chuyên gia kiến nghị sớm giải quyết những vướng mắc về pháp lý của bất động sản du lịch để khơi thông nguồn lực đất đai.
Ngày 13-6, nguồn tin PLO cho hay tại cuộc làm việc mới đây với đoàn công tác Bộ TN&MT, lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa tiếp tục kiến nghị các bộ ngành Trung ương nghiên cứu ban hành các quy định để tháo gỡ những vướng mắc về pháp lý trong triển khai các dự án.
Một điểm nghẽn liên quan nhiều lĩnh vực
Theo ông Lê Hữu Hoàng, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa, bất động sản (BĐS) du lịch là một trong những phân khúc thị trường có tốc độ phát triển nhanh, mạnh thời gian qua. Dự báo, phân khúc thị trường này còn tiếp tục phát triển sôi động trong thời gian tới, đặc biệt là khi nhu cầu về du lịch tăng đột biến sau khi dịch COVID-19 đã được kiểm soát như hiện nay.
Ông Lê Hữu Hoàng thông tin: Bên cạnh việc phát huy tốt vai trò ổn định, phát triển kinh tế-xã hội, thời gian qua chính sách, pháp luật về đất đai cũng đã bộc lộ những hạn chế nhất định. Từ đó, việc thực thi pháp luật còn nhiều tồn tại, thậm chí là điểm nghẽn cần được xem xét, tháo gỡ; đặc biệt là hệ thống pháp lý còn chưa hoàn chỉnh đối với loại hình BĐS du lịch.
“Việc nghiên cứu, hoàn thiện các chính sách để thị trường BĐS du lịch phát triển có hiệu quả, phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Khánh Hòa nói riêng, các vùng, miền trong cả nước nói chung. Từ đó, tạo nên sức hấp dẫn, phục vụ tốt nhu cầu của du khách là rất cần thiết hiện nay” - ông Hoàng nhận định.
Cũng theo ông Hoàng, hiện có nhiều dự án BĐS du lịch, nghỉ dưỡng tại Khánh Hòa đang cần tháo gỡ các vướng mắc.
Tại hội thảo “Thị trường BĐS du lịch Việt Nam - Những nút thắt pháp lý, thực tiễn và giải pháp tháo gỡ” do Hội Luật gia Việt Nam tổ chức mới đây tại tỉnh Khánh Hòa, nhiều chuyên gia cho rằng khung pháp lý đang là điểm nghẽn hiện nay đối với BĐS du lịch. Điểm nghẽn này liên quan đến nhiều lĩnh vực.
Theo PGS- TS Trần Việt Dũng, Trưởng khoa Luật Quốc tế Trường ĐH Luật TP.HCM, một trong những vấn đề lớn nhất cản trở sự phát triển của thị trường BĐS du lịch tại Việt Nam trong thời gian qua chính là sự không đồng bộ, thiếu rõ ràng trong các quy định của pháp luật, chính sách của Nhà nước.
239 dự án BĐS du lịch với tổng giá trị 30 tỉ USD
Theo thống kê của Hiệp hội BĐS Việt Nam, tính đến 9-2021, có 239 dự án BĐS du lịch, chủ yếu tập trung tại 15 tỉnh, thành phố. Tổng giá trị ba sản phẩm condotel, villas, shophouse 681.886 tỉ đồng, tương đương 30 tỉ USD.
Tại nhiều dự án BĐS du lịch, việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà trong dự án bị đóng băng. Các cơ quan chức năng không dám cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà cho các cá nhân vì những lấn cấn về pháp lý của đất cấp cho các dự án BĐS du lịch. TS Dũng cho rằng điểm mấu chốt ở đây là Việt Nam hiện vẫn thiếu các quy hoạch tổng thể về sử dụng đất mang tính ổn định lâu dài cho những khu vực mà Nhà nước dự định phát triển du lịch.
Gỡ vướng để khơi thông nguồn lực
Theo GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, Luật Đất đai hiện hành vẫn theo đuổi phương thức quy hoạch sử dụng đất theo các mục đích sử dụng đất, không theo phân vùng sử dụng đất.
GS Võ đưa ra một số đề xuất trong sửa đổi Luật Đất đai như chuyển hẳn phương pháp quy hoạch sử dụng đất từ tiêu chí theo mục đích sử dụng đất sang tiêu chí theo phân vùng sử dụng đất.
Xây dựng và ban hành thông tư liên tịch giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư với Bộ TN&MT nhằm hướng dẫn việc kết nối giữa quy hoạch quốc gia ngành du lịch với quy hoạch sử dụng đất có liên quan đến các khu chức năng du lịch, nghỉ dưỡng.
Còn trưởng Khoa Luật quốc tế Trường ĐH Luật TP.HCM đề xuất việc cấp giấy chứng nhận cho các loại BĐS du lịch phải căn cứ theo mục đích sử dụng các loại đất đã xác định cụ thể. Tất nhiên, pháp luật cũng phải có những ràng buộc pháp lý để bảo đảm việc phát triển các sản phẩm BĐS du lịch này không được phát triển tràn lan, phá hỏng quy hoạch tổng thể của khu vực.
“Đặc biệt, để bảo đảm tính minh bạch và dễ dự đoán cho các nhà đầu tư, cơ quan chức năng cần ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, quy định cụ thể, rõ ràng về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các loại đất dịch vụ, du lịch liên quan”- PGS- TS Trần Việt Dũng kiến nghị.
TS Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, đề xuất hai nhóm giải pháp cấp bách để giải quyết các vướng mắc. Đó là nhóm giải pháp thứ nhất là hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật.
Theo đó, cần sửa sáu luật gồm Đất đai, Xây dựng, Kinh doanh bất động sản, Nhà ở, Đầu tư, Luật Du lịch. Hoặc Chính phủ trình Quốc hội ban hành nghị quyết chuyên đề để giải quyết ngay những tồn tại vướng mắc về pháp lý cho thị trường BĐS hiện nay.
Nhóm giải pháp thứ hai là tổ chức thi hành. Để giải quyết sớm những vấn đề cấp bách, có thể đề nghị Chính phủ ban hành nghị định hoặc bổ sung vấn đề này vào quá trình sửa nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai hoặc thông tư hoặc văn bản hướng dẫn để giải quyết ngay cho thị trường BĐS du lịch.
“Việc giải quyết dứt điểm, nhanh chóng, kịp thời vấn đề này sẽ hạn chế được những hệ lụy phức tạp, tiêu cực về mặt pháp lý, về mặt đầu tư và về mặt xã hội”- ông Quyền nói.
Giải quyết càng sớm càng giảm thiểu thiệt hại
Ông Ngô Trung Thành, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đề nghị các cơ quan chức năng cần nghiên cứu tổng thể, đầy đủ các vướng mắc của BĐS du lịch. Từ đó, kiến nghị Chính phủ xử lý những tồn tại pháp lý về cấp giấy chứng nhận cho sản phẩm BĐS du lịch.
Ông Thành nói đây là vấn đề không thể không giải quyết và giải quyết càng sớm thì càng giảm thiểu được thiệt hại cho doanh nghiệp, đồng thời bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư. Qua đó, khơi thông được thị trường, thu hút đầu tư phát triển kinh tế, giữ chữ tín nuôi dưỡng niềm tin của chính quyền với nhà đầu tư.
“Đặc biệt, trong bối cảnh Chính phủ đang quyết liệt thực hiện các biện pháp để phục hồi kinh tế sau đại dịch mà du lịch được xem là một trọng tâm và BĐS được coi là nhân tố cần được thúc đẩy, tạo sự ổn định, phát triển”- ông Thành chia sẻ.
Nguồn PLO: https://plo.vn/thi-truong-cho-khung-phap-ly-cho-bat-dong-san-du-lich-post684382.html