Thị trường chứng khoán cần thêm các thông tin tích cực

Sau đà hồi phục tích cực, VN-Index đang tiến sát những ngưỡng kháng cự quan trọng. Dự báo thị trường sẽ gặp áp lực chốt lời, trong khi kết quả của các cuộc đàm phán thương mại giữa Việt Nam và Mỹ sẽ là yếu tố có thể tạo biến động đáng kể thời gian tới.

Chứng khoán tháng 5 mở đầu thuận lợi với tuần giao dịch khởi sắc (5-10/5) sau kỳ nghỉ lễ kéo dài, khi chỉ số VN-Index tăng mạnh 41 điểm, tương ứng 3,3%, chốt tuần ở mức 1.267,3 điểm.

Bước vào vùng “chốt lời”

Đà tăng này là được nhận định là đến từ tâm lý tích cực khi hệ thống giao dịch KRX chính thức vận hành, đàm phán thuế quan Việt - Mỹ và nhóm cổ phiếu Vingroup tăng mạnh.

Bên cạnh đó, sự tiếp sức từ “bức tranh” kinh doanh quý I/2025 của các công ty niêm yết cũng là yếu tố quan trọng. Theo VnDirect Research, lợi nhuận ròng toàn thị trường tăng 22,6% so với cùng kỳ, với nhóm ngành điện và bất động sản dẫn đầu, lần lượt tăng 223,9% và 134,4%. Sự phục hồi của nhu cầu nội địa và môi trường kinh doanh cải thiện đã tạo nền tảng vững chắc cho các doanh nghiệp.

VN-Index tiến sát những ngưỡng kháng cự quan trọng.

VN-Index tiến sát những ngưỡng kháng cự quan trọng.

Mặc dù thị trường chứng khoán (TTCK) vừa trải qua một tuần giao dịch sôi động với đà phục hồi rõ nét, tuy nhiên giới phân tích dự báo chỉ số VN-Index sẽ đối mặt với áp lực chốt lời trong tuần này, khi tiến sát các vùng kháng cự quan trọng.

Chứng khoán ACB (ACBS) đánh giá vùng 1.280-1.300 điểm là ngưỡng kháng cự đáng lưu ý trong ngắn hạn. Khi chỉ số tiến sát vùng này, áp lực chốt lời có thể gia tăng, khiến thị trường rơi vào trạng thái giằng co với biên độ lớn.

ACBS cho biết trong phiên cuối tuần qua, nhóm cổ phiếu "họ Vin" và các mã bất động sản đã cho thấy dấu hiệu suy yếu, không còn giữ được vai trò dẫn dắt xu hướng tăng. Các cổ phiếu vốn hóa lớn khác dù vẫn giữ sắc xanh nhưng chưa đủ mạnh để thay thế nhóm cổ phiếu này. Điều đó dẫn tới việc VN-Index quay đầu giảm nhẹ.

ACBS cũng nhận định kết quả của các cuộc đàm phán thương mại giữa Việt Nam và Mỹ sẽ là yếu tố có thể tạo biến động đáng kể cho thị trường trong thời gian tới.

Chung quan điểm, Chứng khoán BIDV (BSC) nhận định thị trường đang tiến vào vùng gap 1.270-1.315 điểm, vốn là một vùng kháng cự mạnh, và điều này sẽ tạo ra lực cản đáng kể. Trong bối cảnh dòng tiền vẫn thận trọng, khả năng thị trường rung lắc trong thời gian tới là rất dễ xảy ra.

Thực tế, dù chỉ số VN-Index có diễn biến tích cực nhưng thanh khoản thị trường vẫn còn ở mức trung bình. Tổng giá trị giao dịch bình quân trong tuần đầu tháng 5 là hơn 15.700 tỷ đồng/phiên với khối lượng giao dịch 691 triệu cổ phiếu, trong khi bình quân tháng 4 lần lượt là 21.000 tỷ đồng/phiên và 975 triệu cổ phiếu.

Lượng giao dịch trong tháng 4 vượt trội vì có những phiên giảm điểm mạnh, nhưng nếu so với tháng 3 thì thanh khoản trong tuần đầu tháng 5 vẫn thấp hơn khoảng 15%. Điều này cho thấy các nhà đầu tư vẫn còn đang thận trọng quan sát diễn biến thị trường.

Theo ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Chứng khoán VnDirect, thị trường đang chịu áp lực chốt lời trong ngắn hạn, sau những thông tin tích cực về đàm phán thuế quan và tăng trưởng lợi nhuận quý I đã được phản ánh phần lớn vào giá. Theo đó, chỉ số VN-Index sẽ gặp nhiều trở ngại tại vùng cản 1.280 và xa hơn là mốc tâm lý 1.300 điểm.

“Nếu không xuất hiện những thông tin hỗ trợ mạnh, ví dụ như tiến triển đáng kể trong đàm phán thương mại giữa Mỹ và Việt Nam, thì kịch bản chỉ số VN-Index sớm bứt phá qua vùng cản mạnh kể trên là chưa cao”, ông Hinh đánh giá.

Theo dõi sát sao kết quả đàm phán

Trong giai đoạn hiện tại, giới phân tích lưu ý chứng khoán tháng 5 vẫn sẽ phải theo dõi các biến số từ thỏa thuận đàm phán thương mại. Mức độ biến động hiện tại cùng với sự bất định về mặt thông tin có thể làm gia tăng tần suất các phiên giao dịch tăng giảm bất thường.

Ông Đinh Quang Hinh cho rằng trong kịch bản tích cực, nếu kết quả đàm phán thương mại mang lại tín hiệu khả quan, chẳng hạn mức thuế đối ứng dưới 20%, VN-Index có thể thử thách mốc 1.300 điểm.

Ngược lại, nếu thị trường điều chỉnh, vùng hỗ trợ 1.200-1.220 điểm sẽ là cơ hội để nhà đầu tư giải ngân vào các nhóm cổ phiếu tiềm năng, có thể là nhóm bất động sản khu công nghiệp, thủy sản, và điện, vốn chưa tăng mạnh trong đợt vừa qua.

“Nhà đầu tư ngắn hạn nên cân nhắc chốt lời một phần những cổ phiếu đã tăng mạnh vừa qua để chuyển hướng sang nhóm cổ phiếu chưa phục hồi đáng kể, như bất động sản khu công nghiệp, dầu khí, thủy sản hoặc nhóm cổ phiếu có thông tin hỗ trợ mạnh như điện (tăng giá điện bán lẻ). Nên duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức vừa phải và hạn chế sử dụng đòn bẩy khi thị trường đang đứng trước các mức cản mạnh”, chuyên gia VnDirect khuyến nghị.

SSI Research cũng nhấn mạnh, dòng tiền có thể luân chuyển giữa các nhóm ngành, nhà đầu tư ngắn hạn nên duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức 50-60%, tránh sử dụng đòn bẩy để giảm thiểu rủi ro.

Công ty chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI) cho rằng ở hiện tại, khả năng cao sẽ có áp lực bán chốt lời gia tăng, nên ưu tiên vị thế căn bán dần, thực hiện hóa lợi nhuận khi VN-Index tiến sát tới ngưỡng 1.300 điểm. Nếu nhà đầu tư mua mới, cần kiên nhẫn chờ đợi VN-Index quay về kiểm tra mốc 1.250 để có vị thế mua an toàn.

Tuy nhiên, dưới góc độ tích cực, Chứng khoán DSC nhận định trong rủi ro cũng sẽ có cơ hội. Việc đàm phán theo nhóm ngành có thể tạo ra kết quả tích cực cục bộ. Những ngành đạt được thỏa thuận thuận lợi sẽ có khả năng bật tăng mạnh mẽ, nhất là trong bối cảnh cổ phiếu ngành xuất khẩu hiện đang bị chiết khấu sâu.

“Đối với nhà đầu tư, đây là thời điểm nên theo dõi sát sao diễn biến đàm phán thương mại và lựa chọn đầu tư vào các doanh nghiệp có quy mô lớn, khách hàng quốc tế ổn định và nền tảng tài chính vững chắc. Nếu chọn đúng nhóm ngành được tháo gỡ rào cản sớm, quyết định đầu tư hiện tại có thể trở thành cú đón “sóng” chiến lược trong trung và dài hạn”, DSC nhấn mạnh.

Hải Giang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//goc-nhin/thi-truong-chung-khoan-can-them-cac-thong-tin-tich-cuc-1106725.html