Gần cuối năm, nhìn lại giá vàng

Mặc dù ngày đầu tháng 11, tính theo giờ Việt Nam, giá vàng giảm hơn 40 đô la/ounce về mức 2.743 đô la/ounce nhưng so với ngày đầu năm, 1-1-2024, lúc mỗi ounce vàng có giá 2.063 đô la, giá vàng đã tăng rất mạnh, tăng đến 33% chỉ trong vòng 11 tháng.

Giá vàng tăng phản ánh một thế giới đang bất ổn trong nhiều phương diện, từ xung đột chiến tranh đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ với nhiều bất định, từ tình hình lạm phát kéo dài ở nhiều nước đến căng thẳng trong quan hệ thương mại giữa nhiều nước.

Nhiều nhà phân tích cho rằng giá vàng tăng là một chỉ dấu mạnh mẽ cho thấy thế giới muốn tìm cách thoát khỏi sự phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ trong hệ thống tài chính. Ảnh minh họa: TL

Nhiều nhà phân tích cho rằng giá vàng tăng là một chỉ dấu mạnh mẽ cho thấy thế giới muốn tìm cách thoát khỏi sự phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ trong hệ thống tài chính. Ảnh minh họa: TL

Nguồn tiêu thụ vàng lớn nhất phải kể đến ngân hàng trung ương của nhiều nước. Nếu trước đây tỷ trọng vàng trong cơ cấu dự trữ của các nước giảm mạnh trong nhiều thập niên, từ 40% năm 1970 xuống còn 8% năm 2008 thì nay tỷ trọng này đang tăng dần, lên 11% vào năm ngoái. Từ đầu năm 2022, ngân hàng trung ương các nước Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ đã mua lần lượt, 316, 198 và 95 tấn vàng, theo số liệu của Hội đồng Vàng Thế giới. Ngân hàng trung ương đã mua là mua vàng vật chất chứ không mua vàng giấy trong các quỹ hoán đổi vàng và mua xong họ đưa vàng về cất giữ trong nước chứ không gửi ở nước ngoài như trước. Cũng theo nguồn này, sáu tháng đầu năm nay ngân hàng trung ương các nước mua vào tổng cộng 483 tấn vàng.

Ngân hàng trung ương các nước quay sang dự trữ vàng là bởi dự trữ bằng đô la Mỹ có rủi ro bị cấm vận như trường hợp Nga do xung đột chiến tranh với Ukraine bị Mỹ đóng băng dự trữ ngoại tệ bằng đô la. Dự trữ bằng trái phiếu chính phủ Mỹ hay các tài sản khác trước đây rất an toàn nhưng do được tính bằng đô la Mỹ nên cũng rơi vào nguy cơ bị đóng băng bất ngờ. Còn mua vàng đem về nước là do rút kinh nghiệm trường hợp Chính phủ Anh từng từ chối không cho Venezuela đem mấy tấn vàng gửi ở Anh về nước do Anh không công nhận Nicolás Maduro là lãnh đạo chính thức của Venezuela.

Cũng có những ngân hàng trung ương các nước dự trữ vàng không phải do ngại Mỹ cấm vận nhưng do muốn đa dạng hóa cơ cấu dự trữ. Chẳng hạn, Singapore mua 75 tấn vàng tính từ đầu năm 2022. Ba Lan cũng tăng dự trữ vàng thêm 167 tấn trong kế hoạch đưa tỷ lệ dự trữ vàng lên 20% tổng dự trữ. Nhu cầu mua vàng của các nước ở dạng dự trữ chưa có dấu hiệu suy giảm. Trong một khảo sát của Invesco Asset Management, không ngân hàng trung ương nào trong số 51 ngân hàng được khảo sát cho biết sẽ giảm mức dự trữ vàng trong vòng ba năm tới trong khi 37% nói sẽ tăng mức dự trữ vàng. Đến 56% xem vàng là cách chống lại việc “vũ khí hóa” dự trữ ngoại hối, tức chịu rủi ro bị cấm vận, đóng băng và 70% xem đây là cách phòng ngừa lạm phát hiệu quả.

Trong khi các quỹ đầu tư chuyên nghiệp ít chuộng vàng vì nó không sinh lợi, các quỹ đầu tư gia đình, tức các công ty tài chính quản lý tiền bạc cho các gia đình giàu có lại thích đầu tư vào vàng. Tài sản nằm dưới sự quản lý của các quỹ đầu tư gia đình đã tăng từ 3.300 tỉ đô la năm 2019 lên 5.500 tỉ đô la năm nay.

Theo tờ Economist, trên hai phần ba quỹ đầu tư gia đình đã đầu tư vào vàng như một cách bảo vệ tài sản khỏi lạm phát và các bất ổn không lường trước. Nhu cầu mua vàng chủ yếu đến từ châu Á: trong khi Trung Quốc và Ấn Độ chỉ chiếm một phần năm sản lượng kinh tế thế giới, họ lại mua đến một nửa số vàng bán ra trên thế giới. Tại Trung Quốc, khủng hoảng địa ốc buộc người có tiền tìm nơi khác để cất giữ tài sản. Vì thế không lạ gì sức mua vàng ở nước này trong 12 tháng tính từ tháng 6-2023 đến tháng 6-2024 đã tăng đến 44%. Ở châu Âu, Đức và Thụy Sỹ là hai nước có nhu cầu mua vàng cao nhất.

Nhiều nhà phân tích cho rằng giá vàng tăng là một chỉ dấu mạnh mẽ cho thấy thế giới muốn tìm cách thoát khỏi sự phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ trong hệ thống tài chính. Có thể đó là một đồng tiền chung được bảo chứng bằng vàng sử dụng giữa một số nước như trong khối BRICS hay một hệ thống thanh toán dùng đồng tiền riêng của từng nước nhưng cũng được bảo đảm bằng vàng. Ngoài việc Mỹ “vũ khí hóa” dự trữ ngoại hối của các nước tính bằng đô la Mỹ, sự bất định trong tương lai chính trị nước này cũng làm nhiều nước e ngại, phải phòng tránh rủi ro bằng vàng.

Chẳng hạn, nợ công nước Mỹ đang tăng vọt, thâm hụt ngân sách nước này vẫn tiếp tục phình to, làm bóng ma lạm phát cứ lởn vởn trên nền kinh tế thế giới. Trong bối cảnh đó, giá vàng không chỉ tăng mạnh trong năm 2024 như chúng ta đã thấy; khả năng đà tăng của vàng vẫn tiếp tục trong năm 2025 là rất cao. Xen kẽ là các đợt giá vàng chững lại hay sụt giảm do nhà đầu tư chốt lời trong ngắn hạn.

Nguyễn Vũ

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/gan-cuoi-nam-nhin-lai-gia-vang/