Thị trường chứng khoán được hậu thuẫn bởi các gói hỗ trợ: Kỳ vọng vào ngành nào?
Trong bối cảnh nền kinh tế được hậu thuẫn bởi các các gói hỗ trợ của Chính phủ, thị trường chứng khoán đã tăng rất mạnh và thiết lập mức kỷ lục. Theo giới chuyên gia, các nhóm ngân hàng, chứng khoán, bất động sản,... sẽ được hưởng lợi.
Năm 2022, các gói kích thích kinh tế sẽ khiến thị trường chứng khoán dậy sóng?
Năm 2021, đại dịch COVID-19 tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế toàn cầu nói chung, và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ.
Thế nhưng, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, chứng khoán Việt Nam vẫn tăng trưởng rất mạnh. Trong năm 2021, VN-Index vượt đỉnh lịch sử 20 năm vào tháng 4 vừa qua. Và kể từ khi số liệu vĩ mô quý 3 được công bố, VN-Index tăng trưởng thêm gần 11% nữa.
Nhóm bất động sản trên sàn chứng khoán được hưởng lợi từ các gói hỗ trợ của Chính phủ.
Đà tăng trưởng gần đây của thị trường chứng khoán còn được hỗ trợ từ việc triển khai gói kích thích kinh tế có thể đạt quy mô 5% GDP. Có thể thấy rằng, gói hỗ trợ của Chính phủ đã tương tác mạnh mẽ, tạo đà cho thị trường tăng trưởng.
Mặc dù bức tranh của thị trường chứng khoán tương đối sáng sủa, thế nhưng, một số chuyên gia vẫn còn hoài nghi về tính bền vững của thị trường.
Tại đối thoại chuyên đề chứng khoán với gói kích thích kinh tế được tổ chức sáng 13/12, TS Quách Mạnh Hào, giảng viên Đại học Lincoln, Vương Quốc Anh giải thích: Kể từ khi thông tin về gói hỗ trợ được hàm ý đưa ra thông qua các phát biểu của chính khách, chuyên gia kinh tế, có thể thấy rằng mức độ rủi ro chung trên thị trường có xu hướng giảm.
Khi đó, định giá tài sản được dâng lên. Đây một trong những yếu tố giúp chứng khoán thời gian gần đây tăng vọt.
“Hiểu đơn giản, tâm lý nhà đầu tư đang kỳ vọng một cách tích cực vào gói hỗ trợ kinh tế là phổ biến, nó kéo theo sự tăng trưởng tích cực của thị trường chứng khoán”, TS Hào giải thích.
Trong khi đó, TS Võ Đình Trí, giảng viên Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng: Thời gian qua, thị trường chứng khoán có hai “điểm nghẽn” khiến khả năng hấp thụ tín dụng kém, dù dòng vốn dồi dào.
Thứ nhất, cung của ngân hàng không thiếu tiền, tiền rất nhiều. Nhưng vấn đề giải ngân đến các doanh nghiệp không đủ chuẩn đang bị vướng. Phần lớn hiện nay, doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tiếp nguồn vốn từ các ngân hàng rất khó khăn. Nếu khơi thông, kết nối giữa nguồn cung vốn của hệ thống ngân hàng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cỗ máy sẽ chạy trơn tru hơn.
Thứ hai, nhu cầu vốn doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn vừa qua do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, nên hoạt động sản xuất kinh doanh bị gián đoạn rõ rệt. Một số doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia trong chuỗi cung ứng toàn cầu cũng bị chững lại do nhu cầu thế giới giảm sút. Vì vậy, nhu cầu vay vốn để mở rộng sản xuất của doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cũng giảm đáng kể.
Sang năm 2022, với các chính sách hỗ trợ cùng gói kích thích hàng tỷ USD, ông Trí kỳ vọng nguồn vốn lãi suất thấp sẽ được khơi thông, kéo theo kinh tế Việt Nam bứt tốc mạnh mẽ.
Hiện tại, nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán cũng đang đặt khá nhiều kỳ vọng vào những doanh nghiệp khi được tiếp nhận nguồn vốn này với chi phí thấp, sẽ đẩy vào hoạt động sản xuất kinh doanh, sử dụng hiệu quả, từ đó sẽ tạo ra doanh thu và lợi nhuận trong 2-3 năm tới đây.
Tuy nhiên, một vấn đề cũng được đặt ra là sẽ có tình trạng doanh nghiệp nhận vốn nhưng chưa có dự án sản xuất kinh doanh lại bỏ tiền vào trong chứng khoán, cần giám sát chặt chẽ.
“Để giải quyết điều này, gói kích thích mà Chính phủ đang thiết kế cần được giải ngân, sử dụng hiệu quả, dự án được triển khai đúng kỳ hạn”, TS Võ Đình Trí nói.
Mã chứng khoán nào sẽ bứt phá?
Nhìn nhận về thị trường, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch HĐQT Fiin Ratings nhận định: Cách đây khoảng 12 năm, giai đoạn 2008 - 2009, Chính phủ cũng đã gói hỗ trợ bằng 4% GDP. Thị trường chứng khoán cũng nhờ đó cũng tăng rất mạnh.
Trong bối cảnh nền kinh tế được hậu thuẫn bởi các các gói hỗ trợ của Chính phủ, thị trường chứng khoán đã tăng rất mạnh và thiết lập mức kỷ lục.
“Từ khi thị trường rò rỉ thông tin gói kích cầu cho đến lúc duyệt gói và kích cầu, nhiều cổ phiếu tăng bằng lần trong khi VN-Index chạy từ 250 lên 600 và ở mức định giá cao hơn bây giờ rất nhiều”, ông Thuân nói.
Trong đó, các mã cổ phiếu thuộc nhóm ngành ngân hàng, chứng khoán tăng rất mạnh, riêng SSI tăng tới 5 lần, BVS tăng 6 lần. Các nhóm bất động sản, vật liệu xây dựng, sắt thép cũng thẳng thẳng đứng.
Trong khi đó, từ đầu năm đến nay, VN-Index đã tăng khoảng 30% nhờ kích cầu từ dòng tiền mới. Ngân hàng và Bất động sản đều tăng 40%, Chứng khoán tăng 151%, Xây dựng tăng 55,9%. Vật liệu xây dựng và nội thất tăng 52,41%. Về lý thuyết, đây đều là những nhóm ngành có thể hưởng lợi từ gói kích cầu và đương nhiên còn nhiều nhóm ngành nữa.
“Cá nhân tôi cho rằng vẫn còn cơ hội tăng trưởng cho thị trường và các nhóm ngành này. Tuy nhiên không thể tăng bằng lần như giai đoạn trước nữa vì thị trường bây giờ quy mô quá lớn, có đến 1.700 cổ phiếu niêm yết, vốn hóa lớn vượt cả GDP, khả năng tiền thật bơm ra ngoài ít nên cũng không quá kỳ vọng”, ông Thuân nhận xét.