Thị trường chứng khoán ngày 27/11: VN-Index điều chỉnh nhẹ, đứng sát tham chiếu ở 1.242 điểm
Thanh khoản thị trường giảm so với phiên giao dịch trước đó, với khối lượng giao dịch khớp lệnh của VN-Index đạt hơn 366 triệu cổ phiếu, tương đương giá trị đạt hơn 9.2 nghìn tỷ đồng...
Thanh khoản thị trường giảm so với phiên giao dịch trước đó, với khối lượng giao dịch khớp lệnh của VN-Index đạt hơn 366 triệu cổ phiếu, tương đương giá trị đạt hơn 9.2 nghìn tỷ đồng; HNX-Index đạt hơn 30.8 triệu cổ phiếu, tương đương giá trị hơn 511 tỷ đồng.
VN-Index mở cửa phiên chiều tiếp tục diễn biến giằng co quanh mốc tham chiếu mặc dù bên mua liên tục nâng đỡ thị trường nhưng lực bán vẫn có phần chiếm ưu thế khiến chỉ số không thể thoát khỏi sắc đỏ cuối phiên. Về mức độ ảnh hưởng, VHM, VIC, CTG và GAS là những mã có tác động tiêu cực nhất khi lấy đi hơn 1.1 điểm của chỉ số. Ở chiều ngược lại, FPT, VCB, LPB và EIB là những mã có ảnh hưởng tích cực nhất góp hơn 2.2 điểm vào chỉ số chung.
Tương tự, HNX-Index cũng có diễn biến không mấy lạc quan, trong đó chỉ số bị tác động tiêu cực từ các mã DTK (-5%), IDC (-0.54%), NTP (-1.18%), BAB (-0.85%)…
Ngành chăm sóc sức khỏe là ngành có mức giảm mạnh nhất thị trường với -0.93% chủ yếu đến từ mã TTN (-1.23%), DCL (-3.14%), DVN (-7.22%) và IMP (-1.14%). Theo sau là ngành ngành năng lượng và tiện ích với mức giảm lần lượt là 0.79% và 0.76%. Ở chiều ngược lại, ngành công nghệ thông tin có mức phục hồi mạnh nhất thị trường đạt 2.65% với sắc xanh xuất hiện ở FPT (+2.74%), CMG (+1.31%), ITD (+10.58%), VBH (+0.39%) và CMT (+0.75%). Theo sau đà phục hồi còn có ngành viễn thông và công nghiệp với mức tăng lần lượt là 1.48% và 0.38%.
Về giao dịch của khối ngoại, khối này tiếp tục mua ròng hơn 354 tỷ đồng trên sàn HOSE, tập trung tại các mã FPT (241.75 tỷ), MSN (100.78 tỷ), VNM (45.36 tỷ) và POW (34.52 tỷ). Trên sàn HNX, khối ngoại mua ròng hơn 13 tỷ đồng, tập trung vào mã SHS (8.74 tỷ), MBS (4.06 tỷ), DTD (1.49 tỷ) và LAS (1.18 tỷ).
Kết phiên 27/11, VN-Index điều chỉnh nhẹ, đứng sát tham chiếu ở 1.242 điểm. Dù lực kéo từ nhóm trụ VN30 không đủ giúp chỉ số chuyển xanh, cổ phiếu FPT nổi bật với mức tăng mạnh 2,7% lên 138.900 đồng, cao nhất rổ bluechip.
Phiên tăng giá giúp cổ phiếu FPT đóng góp 1,36 điểm vào chỉ số VN-Index. So với mức đáy dưới 1.200 điểm vào ngày 20/11, nhiều nhà đầu tư đã tạm lãi 9,5% khi cổ phiếu về tài khoản T+5.
Giao dịch cổ phiếu FPT đạt hơn 9,8 triệu đơn vị, cao nhất trong 1,5 tháng qua, với giá trị khớp lệnh gần 1.360 tỷ đồng, chiếm 23,8% giá trị giao dịch nhóm VN30 và 12% toàn sàn HoSE. Có 17 lệnh giao dịch lớn, mua vào 1,6 triệu cổ phiếu FPT, tương ứng 13 tỷ đồng/lệnh.
Đặc biệt, phiên này ghi nhận dấu ấn lớn từ khối ngoại khi nhóm này mua ròng gần 5 triệu cổ phiếu FPT, giá trị tương ứng 686 tỷ đồng. Đây cũng là phiên mua ròng thứ tư liên tiếp của khối ngoại, đưa tổng giá trị mua ròng toàn thị trường lên 360 tỷ đồng. Lực mua từ khối ngoại tại FPT đã cân bằng áp lực bán trên thị trường, giúp cổ phiếu đầu ngành công nghệ trở thành điểm sáng.
Quan sát một tháng gần đây cho thấy, nhà đầu tư cá nhân và tổ chức trong nước đã liên tục mua vào cổ phiếu FPT, hấp thụ lực bán lớn từ khối ngoại. Tuy nhiên, trong tuần qua, dòng tiền nội đã đảo chiều, khi nhà đầu tư cá nhân bán ròng, nhường chỗ cho khối ngoại và các tổ chức gom mạnh cổ phiếu này.
Trước đó, tính đến hết phiên 20/11, FPT đã bị khối ngoại rút ròng gần 6.900 tỷ đồng từ đầu năm 2024, đứng thứ tư toàn thị trường sau các mã FUEVFVND, VIB và VHM. Áp lực bán mạnh đã khiến room ngoại của FPT "hở" hơn 3%, tương đương 45 triệu cổ phiếu, tạo cơ hội để khối ngoại quay lại gom hàng trong những phiên gần đây.
Phiên giao dịch ngày 27/11 khẳng định vị thế của FPT trong việc dẫn dắt thị trường, với sự hỗ trợ lớn từ dòng vốn ngoại. Đây là tín hiệu tích cực, củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào triển vọng dài hạn của cổ phiếu đầu ngành công nghệ này.