Thị trường chứng khoán sẽ diễn biến ra sao nửa cuối năm 2023?

Các chuyên gia cho rằng thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đang dần tìm điểm cân bằng và hình thành rõ nét hơn các cơ hội đầu tư dài hạn, do đó bất kỳ điều chỉnh lớn nào trong thời gian tới sẽ là cơ hội để dòng tiền các quỹ đầu tư đảo chiều, vào ròng trở lại trên thị trường.

Cơ hội đầu tư dài hạn dần hình thành

TTCK mặc dù vẫn đang trong giai đoạn tích lũy, khiến xu hướng tăng trưởng chưa rõ ràng. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng thị trường hiện có khả năng phục hồi lớn nhờ các nỗ lực từ chính sách và chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành sẽ tạo động lực cho kinh tế hồi phục mạnh mẽ hơn từ nay tới cuối năm.

Giai đoạn khó khăn nhất với thị trường chứng khoán đã qua, theo các chuyên gia. Ảnh minh họa: Lê Vũ

Giai đoạn khó khăn nhất với thị trường chứng khoán đã qua, theo các chuyên gia. Ảnh minh họa: Lê Vũ

Các chuyên gia trung tâm phân tích của Công ty chứng khoán SSI (SSI Research) cho rằng diễn biến tích cực của TTCK Việt Nam được dẫn dắt chính bởi các biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế và thị trường tài chính. Thị trường liên tục đón nhận thông tin hạ lãi suất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thời gian qua, với mức giảm không quá lớn, nhưng cho thấy một thông điệp mạnh mẽ về việc giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Ngoài ra, thị trường còn đón nhận những thông tin liên quan đến Nghị định 08/2023 của Chính phủ và Thông tư số 03/2023 của NHNN với nội dung ngưng hiệu lực thi hành khoản 11 điều 14 Thông tư 16/2021 của NHNN liên quan tới thị trường trái phiếu doanh nghiệp; Nghị quyết 33 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Đồng thời, Chính phủ cũng đưa ra kế hoạch xây dựng hơn 1 triệu nhà ở xã hội.

“Đây là những bước đi cực kỳ linh hoạt từ Chính phủ trong bối cảnh số liệu vĩ mô đưa ra trong quí 1-2023 cho thấy thách thức còn ở phía trước”, chuyên gia của SSI Research cho biết.

Bên cạnh những thông tin trên, Bộ Tài chính cũng đề xuất giảm 2 điểm phần trăm thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 10%. Còn NHNN đã ban hành Thông tư số 02/2023 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn.

Điều này, theo các chuyên gia, sẽ góp phần phát triển sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế theo các mục tiêu đề ra của năm 2023 và cả giai đoạn 2021-2025.

Ông Michael Kokalari, chuyên gia kinh tế trưởng của VinaCapital, cho rằng dù tăng trưởng GDP của Việt Nam chỉ ở mức 3,3% trong quí đầu năm, nhưng các nhà hoạch định chính sách có thể khắc phục được tình trạng tăng trưởng chậm và kinh tế Việt Nam sẽ hồi phục vào nửa cuối năm 2023.

“Thị trường chứng khoán thường tăng điểm trước khi kinh tế hồi phục, vì vậy quyết tâm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của Chính phủ, cùng với việc chứng khoán Việt Nam hiện đang giao dịch ở mức định giá gần như thấp nhất 10 năm, khiến cho đây là thời điểm lý tưởng để đầu tư vào chứng khoán Việt Nam”, ông Michael Kokalari nhận định.

Về diễn biến thực tế trên TTCK, chỉ số VN-Index chịu áp lực giảm trong tuần đầu tháng 5-2023, nhưng xu hướng giảm suy yếu rõ nét và khởi sắc hơn trong những tuần sau đó. Theo đó, VN-Index đóng cửa phiên giao dịch ngày 31-5 ở ngưỡng 1.075,2 điểm, tăng 2,5% so với thời điểm cuối tháng 4.

“Giải pháp hỗ trợ phục hồi nền kinh tế qua chính sách tiền tệ tiếp tục được thực hiện khi NHNN quyết định hạ lãi suất điều hành lần thứ 3 kể từ đầu năm đã tác động tích cực lên TTCK”, chuyên gia SSI Research lý giải.

Về thanh khoản, giá trị giao dịch bình quân trên sàn HOSE tháng 5 tăng gần 10% so với tháng 4, đạt 12.300 tỉ đồng một phiên. Theo các chuyên gia này, kỳ vọng vào sự hồi phục trở lại của kênh chứng khoán khi lãi suất tiền gửi dần kém hấp dẫn đã giúp dòng tiền trên TTCK sôi động hơn.

Tín hiệu khởi sắc còn đến từ số lượng tài khoản cá nhân mở mới trong nước trong tháng 5 đạt 105.000 tài khoản, mức cao nhất trong vòng 9 tháng trở lại đây và cao hơn 2,5 lần lượng tài khoản mở mới bình quân 4 tháng đầu năm 2023.

Dòng tiền tham gia lại thị trường chủ yếu đến từ nhà đầu tư cá nhân trong nước, qua đó bù đắp cho xu hướng bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài (khối ngoại – PV). Cụ thể, nhóm cá nhân trong nước mua ròng tổng cộng 7.500 tỉ đồng, trong khi khối ngoại đẩy mạnh bán ròng gần 3.100 đồng trong tháng 5.

Cũng theo chuyên gia SSI Research, nhóm vốn hóa vừa và nhỏ hút tiền hơn khi VNMidcap và VNSmallcap đều ghi nhận mức tăng vượt trội với mức lần lượt là 4,3% và 9,4%, trong khi VN30 tăng 1,4%.

Xét theo ngành, tất cả các nhóm ngành đều tăng trong tháng vừa qua, trừ nhóm hàng tiêu dùng. Tăng mạnh nhất là nhóm năng lượng với mức tăng 8,2% nhờ Quy hoạch Điện VIII chính thức được phê duyệt, theo sau là nhóm công nghệ thông tin và nhóm công nghiệp với mức tăng tương ứng 8% và 7,1%. Nhóm tài chính và bất động sản đều tăng 3,1%.

Với bối cảnh trên, chuyên gia của SSI Research cho rằng các chính sách của Chính phủ sẽ tiếp tục nghiêng về hướng hỗ trợ và sẽ còn tác động tích cực lên TTCK, bởi TTCK là thị trường của kỳ vọng. Tuy nhiên, tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết trên thị trường vẫn sẽ còn chịu nhiều áp lực phía trước bởi sự phục hồi của nền kinh tế vào quí 2 và 3 vẫn còn nhiều thách thức, bên cạnh các vấn đề trên thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sẽ cần thêm thời gian để giải quyết.

Với các yếu tố tác động chưa đồng thuận, chuyên gia SSI Research dự báo TTCK sẽ còn biến động ở cả 2 chiều. Ở chiều điều chỉnh, mức độ biến động kỳ vọng không quá lớn, do khó khăn của nền kinh tế cũng đã được TTCK phản ánh sớm và phần lớn trong năm 2022 qua mức giảm gần 33% của chỉ số VN-Index.

Hai chủ điểm đầu tư lớn

Ông Nguyễn Vũ Long, Chủ tịch Công ty chứng khoán VNDirect, dự báo hai chủ điểm lớn mà nhà đầu tư cần quan tâm nửa cuối năm 2023, gồm hạ lãi suất và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.

Với lãi suất, xu hướng giảm lãi suất điều hành chính sẽ tác động đến nhiều nhóm doanh nghiệp trong thời gian tới, nhất là nhóm tài chính – ngân hàng. Theo ông Long, lãi suất giảm có thể kéo theo tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) giảm do các ngân hàng đã phải hy sinh một phần lợi nhuận để hỗ trợ khách hàng, nhưng NIM của các ngân hàng sẽ được cải thiện trong thời gian tới. Đồng thời, việc giảm lãi suất cũng sẽ kéo dòng tiền trở lại với thị trường chứng khoán.

Với đầu tư công, ông Long cho rằng đây là câu chuyện hứa hẹn xuyên suốt năm 2023 nhờ giữ vai trò động lực thúc đẩy sự hồi phục của nền kinh tế. Cụ thể, Chính phủ đang đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng trọng điểm để hoàn thành ít nhất 95% kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.

“Cùng với những tháo gỡ cơ bản, trực diện, kéo nhiều ngành nghề liên quan liên quan đến câu chuyện liên quan đến đầu tư công thì đây cũng là cơ hội đầu tư”, ông Long nói tại talkshow “Khơi thông dòng vốn trên thị trường chứng khoán” diễn ra cách đây ít ngày.

Còn ông Trần Huy Doãn, Giám đốc khối Thị trường phái sinh thuộc Công ty chứng khoán ACB (ACBS), dự báo việc tiếp tục đẩy mạnh chính sách giải ngân vốn đầu tư công sẽ giúp cải thiện dòng vốn kích cầu cho nền kinh tế, nhưng vẫn cần thêm thời gian để nền kinh tế thực sự khởi sắc, bởi nguy và cơ trong giai đoạn hiện tại đang có những điểm tương đồng với nhau.

Chuyên gia ACBS đánh giá, triển vọng trong ngắn hạn sẽ tích cực với nhóm chứng khoán và bất động sản khu công nghiệp. Trong đó, việc hạ lãi suất điều hành cũng như lãi suất huy động của NHNN sẽ tác động tích cực đến nhóm chứng khoán.

Với nhóm bất động sản khu công nghiệp, các doanh nghiệp sẽ hưởng lợi từ xu hướng mở rộng, di dời hoặc đa dạng hóa cơ sở sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia.

“Dự kiến nguồn cung đất công nghiệp ở phía Bắc nhiều hơn phía Nam nhờ cơ sở hạ tầng phát triển và giá thuê đất có thể tiếp tục tăng, nhưng với tốc độ chậm hơn”, ông Doãn nói và kỳ vọng vào nhóm ngân hàng, bất động sản khu công nghiệp, hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng gồm FMCG, dệt may, bán lẻ và năng lượng điện sẽ được hưởng lợi.

Về dài hạn, ông Nguyễn Vũ Long cho rằng TTCK Việt Nam vẫn nằm trong nhóm những thị trường tiềm năng và sẽ còn tiếp tục phát triển trong 10 năm tới, nhưng để phát triển bền vững thì cần nhiều yếu tố, trong đó có những yếu tố hiện diễn biến bất định. Do đó, các nhà đầu tư nên lường đến sự đua tranh của các nền kinh tế trên thế giới khi tham gia vào thị trường vốn.

Theo ông Long, từ trước đến nay, Mỹ vẫn được biết đến là quốc gia dẫn đầu, đồng đô la Mỹ cũng là số một, nhưng khi các nền kinh tế phát triển, lo sợ xung đột có thể xảy ra và có những yếu tố bất ngờ, thì sự biến động sẽ nhanh hơn và nhiều bất ngờ hơn.

“Bản thân thị trường và doanh nghiệp sẽ phải thích nghi và nhà đầu tư sẽ phải thay đổi cách tiếp cận thị trường trong thời gian tới”, ông Long nói.

Cũng theo ông Long, ở giai đoạn hiện nay, vai trò kiến tạo của cơ quan quản lý rất quan trọng khi phải thúc đẩy tăng trưởng chất lượng doanh nghiệp trên thị trường để đón dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam. Với thị trường vốn, vai trò kiến tạo của cơ quan quản lý như Bộ Tài chính, UBCKNN là rất quan trọng trong việc tạo hành lang, sân chơi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn trung và dài hạn.

Theo ông Long, trái phiếu vẫn là kênh huy động vốn tuyệt vời cho doanh nghiệp, nên dù thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện bị ảnh hưởng do sai lầm từ một vài doanh nghiệp, nhưng với những thay đổi về mặt cơ chế chính sách sẽ sớm giúp thị trường này hồi phục trở lại trong thời gian tới. Với kênh huy động qua phát hành cổ phiếu, hiện vẫn là huy động vốn cho các doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp cân đối lại tình hình tài chính của mình.

“Với sự phục hồi của TTCK trong giai đoạn vừa qua, sẽ giúp doanh nghiệp bớt khó khăn hơn trong việc huy động vốn qua kênh phát hành cổ phiếu. Tuy nhiên, tốc độ cũng như sự hồi phục bền vững của thị trường phụ thuộc chính vào sự kiến tạo từ phía cơ quan quản lý, cũng như các thành viên tham gia trên thị trường”, ông Long nêu quan điểm.

Vân Phong

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/thi-truong-chung-khoan-se-dien-bien-ra-sao-nua-cuoi-nam-2023/