Thị trường chứng khoán tuần qua: Có thể vẫn cần thêm một nhịp nghỉ để tích lũy

VN-Index tăng tốt đầu tuần, điều chỉnh mạnh giữa tuần, rồi phục hồi tích cực cuối tuần - thị trường chứng khoán trong nước vẫn có một tuần tăng điểm thứ 6 liên tiếp. Thị trường trong ngắn hạn đang hình thành nền tích lũy mới và đã có các phiên điều chỉnh, tuy nhiên nhịp điều chỉnh có thể vẫn chưa kết thúc. Thị trường cần thêm một nhịp nghỉ để tích lũy và thiết lập mặt bằng giá mới.

Thị trường chứng khoán tuần qua (7-11/8) biến động khá mạnh về điểm số. Dù có 2 phiên điều chỉnh khá mạnh giữa tuần, song với phiên bứt phá đầu tuần và phiên phục hồi cuối tuần, chỉ số VN-Index vẫn có tuần tăng điểm thứ 6 liên tiếp với mức tăng +6,23 điểm (+0,5%) so với phiên cuối tuần trước, đạt 1.232,21 điểm, duy trì xu hướng tăng điểm trung dài hạn.

Trên sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index đạt 245,25 điểm, tăng +2,84 điểm (+1,2%) so với phiên cuối tuần trước và UPCoM-Index đạt 93,28 điểm, tăng +1,58 điểm (+1,7%) so với phiên cuối tuần trước.

Sau khi xu hướng tăng được xác nhận, VN-Index tiếp tục vận động tích cực và tiếp tục hình thành các nền tảng tích lũy mang tính chất củng cố ngắn hạn để tiếp tục tích lũy động lực tăng.

Thanh khoản toàn thị trường chứng khoán trong tuần giảm nhẹ với giá trị giao dịch bình quân của 3 sàn đạt 26.329 tỷ đồng, giảm -1% so với tuần trước. Tuy nhiên, đây là mức thanh khoản vẫn rất tốt so với mặt bằng chung từ đầu năm. Cụ thể hơn, tổng giá trị giao dịch trên HOSE đạt 112.633 tỷ đồng, giảm nhẹ -1,3 so với tuần trước. Trong khi đó, giá trị giao dịch trên HNX tăng 11,1% với 10.984 tỷ đồng; trên UPCoM giá trị giao dịch giảm -9% đạt 7.666 tỷ đồng.

Quan sát diễn biến các nhóm cổ phiếu, nhỏ cổ phiếu vốn hóa nhỏ có diễn biến tích cực hơn các nhóm tầm trung và vốn hóa hơn trong tuần. Nhóm vốn hóa nhỏ có nhiều mã tăng mạnh, cụ thể như: VC7 (+37,8%), PXL (+26,7%), PXI (+25,2%), HHS (+21,09%), QCG (+9,17%)…

Trong khi đó, cổ phiếu VIC đóng vai trò quan trọng trong phiên cuối tuần khi duy trì đà tăng hết biên độ trong suốt cả phiên với khối lượng khớp lệnh kỷ lục trên 23 triệu cổ phiếu (trên 1.676 tỷ đồng) sau tin VinFast dự kiến niêm yết trên sàn Nasdaq vào ngày 15/8. Tính chung cả tuần VIC (+16,72%, chạm đỉnh 12/2022) và VRE (+7,14%) đóng góp lớn vào mức tăng của VN-Index bên cạnh các cổ phiếu khác như NVL (+5,56%), DXG (+4,38%), HTN (+4,15%)…

Cổ phiếu chứng khoán tuần qua đa phần giảm điểm do chịu ảnh hưởng từ 2 phiên điều chỉnh, tuy nhiên vẫn có một số phiểu tăng điểm như SHS (+3,23%), APS (+5,33%), MBS (+1,67%), SBS (+6,

Cổ phiếu ngân hàng có diến biến phân hóa trong tuần qua, ấn tượng nhất là STB (+10,02%), ngoài ra là các cổ phiếu khác như LPB (+7,83%), CTG (+3,55%), SSB (+4,83%), VCB (+0,33%) trong khi nhóm giảm điểm gồm BID (-3,51%), ACB (-6,15%), SHB (-2,63%)…

Khối ngoại dù giao dịch không thực sự khởi sắc nhưng có phần tích cực hơn trong tuần qua. Khối ngoại bán ròng lần lượt 733 tỷ đồng và 50 tỷ đồng trên HOSE và HNX, trong khi đó mua ròng mạnh trên UPCoM với giá trị 990 tỷ đồng. Tính trên toàn thị trường, khối ngoại đã mua ròng nhẹ +249 tỷ đồng, trong khi tuần trước khối này -1.297 tỷ đồng. Với việc mua ròng nhẹ tuần này, giá trị lũy kế bán ròng tính từ đầu năm đến nay của khối ngoại thu hẹp về mức -1.087 tỷ đồng.

Sau tuần biến động mạnh, thị trường chứng khoán tuần tới (14 -18/8) chưa hé lộ nhiều về những tín hiệu kỹ thuật, tuy nhiên với diễn biến phiên cuối tuần đang cho thấy tâm lý của nhà đầu tư đang phần nào lấy lại. Điều chỉnh mạnh nhưng nhanh và hồi lại cũng tốt mà minh chứng cho tâm lý tích cực.

Sau một giai đoạn tăng giá kéo dài và trước việc thiếu vắng thông tin hỗ trợ, thị trường có thể cần một nhịp nghỉ để tích lũy và thiết lập mặt bằng giá mới. Do đó, thị trường khó có thể thiết lập xu hướng rõ rệt trong một vài tuần tới.

Diễn biến thực tế vẫn cần thêm thời gian khi các yếu tố nền tảng được kiểm định, tuy nhiên, thị trường đang đặt nhiều kỳ vọng vào việc mọi thứ xấu nhất đã đi qua. Dù vẫn đang trong giai đoạn trũng thông tin, nhưng thị trường thường sẽ phản ứng sớm hơn khi kinh tế vĩ mô và sức khỏe doanh nghiệp đang được cho là đã tạo đáy và chuyển sang trạng thái vận động tích cực dần lên.

Biểu đồ kỹ thuật chỉ số VN-Index. Nguồn: MBS.

Biểu đồ kỹ thuật chỉ số VN-Index. Nguồn: MBS.

Đánh giá về thị trường chứng khoán tuần sau, các chuyên gia của SHS cho rằng, trong ngắn hạn, thị trường đang hình thành nền tích lũy mới và đã có các phiên điều chỉnh, tuy nhiên nhịp điều chỉnh có thể vẫn chưa kết thúc. Do đó, nhà đầu tư ngắn hạn cần thận trọng và chỉ nên giải ngân trong các phiên điều chỉnh.

Còn theo chuyên gia của VNDIRECT, thị trường có thể sẽ tiếp tục gặp khó tại vùng kháng cự mạnh 1.240 - 1.250 điểm trong tuần tới.

“Trong bối cảnh mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II đã qua đi, thị trường đang tiến vào vùng trống thông tin. Sau một giai đoạn tăng giá kéo dài và trước việc thiếu vắng thông tin hỗ trợ, chúng tôi cho rằng thị trường cần một nhịp nghỉ để tích lũy và thiết lập mặt bằng giá mới. Do đó, thị trường khó có thể thiết lập xu hướng rõ rệt trong một vài tuần tới” - chuyên gia VNDIRECT dự báo.

Trong bối cảnh điểm số lình xình, dòng tiền đầu cơ có thể liên tục luân chuyển giữa các nhóm cổ phiếu, hình thành các nhịp tăng hoặc điều chỉnh ngắn. Nhà đầu tư nên hạn chế bị cuốn theo những biến động ngắn hạn, vì rủi ro đưa ra quyết định sai sẽ tăng lên khi liên tục đưa ra các quyết định trong một khoảng thời gian ngắn./.

Thái Duy

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/thi-truong-chung-khoan-tuan-qua-co-the-van-can-them-mot-nhip-nghi-de-tich-luy-133871.html