Thị trường chứng khoán Việt Nam vững bước hướng đến nâng hạng

Thị trường chứng khoán Việt Nam duy trì đà tăng trưởng tích cực trong năm 2024, với VN-Index tăng 12,11% và vốn hóa thị trường mở rộng. Năm 2025, thị trường đặt mục tiêu nâng hạng lên mới nổi, kỳ vọng thu hút dòng vốn ngoại và nâng cao vị thế tài chính quốc gia.

Yếu tố nào đóng vai trò then chốt cho thị trường chứng khoán năm 2025? Chứng khoán phái sinh ngày 4/2: Các hợp đồng tương lai hồi phục tăng điểm, thanh khoản đi ngang

Chứng khoán Việt Nam thu hút vốn

Năm 2024 đã khép lại với nhiều biến động và thách thức đối với nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, nhờ nền tảng kinh tế vĩ mô trong nước ổn định, sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, cùng với sự đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã duy trì được sự ổn định, tăng trưởng và ghi nhận nhiều kết quả đáng chú ý.

Theo đó, từ đầu đến cuối năm 2024, chỉ số VN-Index tăng 12,11% so với cuối năm trước, trong khi quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu tăng 20%, đạt mức tương đương 70% GDP năm 2023. Thanh khoản thị trường cũng có sự cải thiện đáng kể, với giá trị giao dịch bình quân hơn 20.000 tỷ đồng/phiên, tăng 18,6% so với năm trước. Đặc biệt, các doanh nghiệp niêm yết và doanh nghiệp đại chúng đã huy động gần 10.000 tỷ đồng vốn qua TTCK, cho thấy vai trò ngày càng quan trọng của thị trường này trong việc trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế.

Sắc xanh quay trở lại với VN-Index trong phiên thứ 2 sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Nguồn: KBSV.

Trên thị trường trái phiếu, hoạt động đấu thầu trái phiếu Chính phủ huy động cho Kho bạc Nhà nước đạt 82,6% kế hoạch năm 2024, trong khi thanh khoản thị trường tăng 80,7%. Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán phái sinh tiếp tục vận hành an toàn, tạo thêm lựa chọn đầu tư cho các nhà giao dịch.

Theo bà Vũ Thị Thúy Ngà – Phó Tổng giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), trên cơ sở chiến lược phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, có thể khẳng định rằng đây là kênh huy động vốn quan trọng không chỉ đối với nền kinh tế nói chung mà còn với Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) nói riêng. Trong năm 2025, mục tiêu đặt ra là tiếp tục vận hành thị trường ổn định, đồng thời phát triển các công cụ tài chính mới nhằm đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư cũng như các tổ chức phát hành.

Trước những nỗ lực từ các cơ quan quản lý và sự tham gia tích cực của các thành viên thị trường, giới chuyên gia đánh giá cao triển vọng phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam. Theo ông Kang Moon Kyung – Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, để thị trường phát triển bền vững, cần tiếp tục nâng cao tính minh bạch trong công bố thông tin và quy trình giao dịch, đồng thời cải thiện hệ thống quản lý và giám sát. Bên cạnh đó, một chính sách kinh tế ổn định sẽ là yếu tố then chốt, tạo dựng niềm tin lâu dài cho nhà đầu tư.

Bà Hồ Thúy Ái – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Quản lý Quỹ Phú Hưng cho biết, Công ty đã chủ động tổ chức nhiều hội thảo và đóng góp ý kiến phản hồi về các chính sách đầu tư, nhằm thúc đẩy sự phát triển của TTCK Việt Nam. Những nỗ lực này không chỉ giúp nâng cao chất lượng môi trường đầu tư mà còn góp phần nâng tầm vị thế của Việt Nam, tạo sức hút mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Kỳ vọng nâng hạng thị trường mới nổi

Đáng chú ý, trong năm 2025 TTCK Việt Nam được kỳ vọng nâng hạng lên thị trường mới nổi. Trong quá trình tiến hành nâng hạng, TTCK Việt Nam đã và đang đối mặt với nhiều thách thức. Đánh giá về sự kiện quan trọng này, bà Phạm Thị Thùy Linh – Vụ trưởng Vụ Phát triển Thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), nhấn mạnh rằng mục tiêu nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi không chỉ nhằm thu hút nhà đầu tư nước ngoài mà còn góp phần nâng cao vị thế của TTCK và tài chính Việt Nam trên trường quốc tế.

Ảnh minh họa.

Nhằm đáp ứng các tiêu chí nâng hạng, trong năm 2024, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 68 với nhiều quy định quan trọng. Trong đó, đáng chú ý là việc nhà đầu tư tổ chức nước ngoài không còn bắt buộc phải có đủ tiền trước khi thực hiện giao dịch, giúp cải thiện tính linh hoạt và hấp dẫn của thị trường. Đồng thời, quy định về việc yêu cầu công bố thông tin bằng tiếng Anh đối với các công ty niêm yết và công ty đại chúng cũng được đưa ra, đảm bảo quyền tiếp cận thông tin công bằng cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh các sửa đổi về mặt pháp lý, UBCKNN cũng triển khai các hoạt động tiếp xúc, làm việc trực tiếp với nhà đầu tư quốc tế và các tổ chức xếp hạng để lắng nghe phản hồi, tháo gỡ vướng mắc và làm rõ các vấn đề liên quan. Những nỗ lực này nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho dòng vốn ngoại tham gia vào TTCK Việt Nam.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu nâng hạng, thị trường vẫn cần tiếp tục cải thiện nhiều yếu tố quan trọng. Trong đó, việc nâng cấp hệ thống hạ tầng công nghệ phục vụ giao dịch, tăng cường chất lượng công bố thông tin, đảm bảo tính minh bạch trên thị trường và nâng cao tiêu chuẩn quản trị công ty của các doanh nghiệp niêm yết, công ty đại chúng là những yếu tố then chốt. Trong thời gian tới, UBCKNN sẽ tiếp tục làm việc chặt chẽ với các tổ chức xếp hạng quốc tế, các quỹ đầu tư lớn và nhà đầu tư nước ngoài để kịp thời tháo gỡ các rào cản còn tồn tại.

Thu Hương

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/thi-truong-chung-khoan-viet-nam-vung-buoc-huong-den-nang-hang-169766.html