Tín hiệu khởi sắc của ngành tôm Kiên Giang
Sau 1 năm giá tôm xuống thấp, những tháng cuối năm 2024 và đầu năm 2025, thị trường tôm nguyên liệu khởi sắc trở lại, nông dân trong tỉnh Kiên Giang phấn khởi có thêm động lực để tiếp tục thả nuôi vụ mới.
Theo chia sẻ của nhiều hộ nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn các huyện Hòn Đất, Kiên Lương, Giang Thành và TP. Hà Tiên, năm 2024 là năm khá khó khăn đối với người nuôi tôm bởi tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi diễn biến phức tạp, thời tiết bất lợi ảnh hưởng rất lớn đến sự sinh trưởng và phát triển của con tôm.
Bên cạnh đó, giá cả các mặt hàng phục vụ sản xuất như thuốc, thức ăn đều tăng cao, trong khi giá tôm trên thị trường duy trì ở mức thấp hơn 9 tháng đầu năm 2024. Nhiều hộ nuôi gặp dịch bệnh, giá tôm thấp, thua lỗ, không có tiền đầu tư thả nuôi vụ mới. Một số hộ chỉ thả nuôi cầm chừng với mật độ thưa để chờ giá lên.
![Nông dân ấp Vạn Thanh, xã Thổ Sơn (Hòn Đất) canh nhá thức ăn kiểm tra tôm nuôi.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_06_433_51410755/ce7c2bae13e0fabea3f1.jpg)
Nông dân ấp Vạn Thanh, xã Thổ Sơn (Hòn Đất) canh nhá thức ăn kiểm tra tôm nuôi.
Những tháng cuối năm 2024, thị trường tôm bắt đầu khôi phục trở lại, nhu cầu thu mua tôm nguyên liệu của các doanh nghiệp phục vụ xuất khẩu và thị trường tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán tăng, đẩy giá tôm tăng cao. Nhiều hộ còn tôm nuôi rất phấn khởi vì bán được giá.
Ghi nhận từ một số thương lái thu mua tôm khu vực Kiên Lương, TP. Hà Tiên, tôm thẻ chân trắng đang được các nhà máy chế biến thu mua với giá từ 95.000-100.000 đồng/kg loại 100 con/kg, tôm loại 40-50 con/kg giá từ 140.000-145.000 đồng/kg.
Đối với tôm ôxy phục vụ thị trường tết tại các tỉnh phía Bắc và Campuchia, thương lái mua giá cao hơn từ 10% so với giá thu mua của các nhà máy chế biến, cao hơn mức giá thành sản xuất nên người nuôi tôm có lãi.
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Kiên Giang, năm 2024 toàn tỉnh thả nuôi 136.340ha tôm nước lợ, đạt 100,47% chỉ tiêu kế hoạch năm. Sản lượng tôm nuôi các loại đạt 133.181 tấn, tăng 10,07% so cùng kỳ năm 2023. Sản lượng tôm nuôi tăng do trong năm qua người dân tăng diện tích thả nuôi.
Dự báo năm 2025 tình hình xuất khẩu tôm nguyên liệu của Việt Nam có nhiều biến động, chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ các nước xuất khẩu tôm mạnh như Ecuador, Ấn Độ, Honduras ảnh hưởng đến giá tôm trong nước. Thêm vào đó, tình hình thời tiết ngày càng diễn biến bất thường, dịch bệnh tôm nuôi chưa được kiểm soát chặt chẽ sẽ ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất vụ tôm nước lợ năm 2025 trên địa bàn tỉnh.
Để đảm bảo thực hiên thắng lợi vụ tôm nước lợ năm 2025, tỉnh Kiên Giang chủ động ban hành sớm khung lịch thời vụ thả tôm cho từng vùng. Chi cục Thủy sản tỉnh tăng cường công tác phối hợp với các địa phương tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất an toàn, hiệu quả, tăng cường công tác quan trắc, cảnh báo môi trường, dịch bệnh; vận hành hệ thống thủy lợi đáp ứng nhu cầu phục vụ lấy nước nuôi tôm của người dân; tiếp tục triển khai hỗ trợ người dân thực hiện đăng ký mã số nhận diện cơ sở nuôi tôm nước lợ đáp ứng nhu cầu truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Đồng thời, khuyến cáo người nuôi lựa chọn con giống chất lượng, hướng dẫn quy trình nuôi nhiều giai đoạn và thả giống kích cỡ lớn để hạn chế rủi ro dịch bệnh và thiệt hại do yếu tố môi trường... Khuyến khích các địa phương thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã nuôi tôm để liên kết sản xuất, giảm khâu trung gian, tiết kiệm chi phí sản xuất.