Thị trường chuyển phát 2023: Doanh nghiệp Việt 'ứng chiến' với đối thủ ngoại
Năm 2023, hai 'ông lớn' ngành bưu chính là Viettel Post và VietnamPost bước vào cuộc cạnh tranh gay gắt với các đại gia chuyển phát nước ngoài nhằm giành lại thị phần trị giá hàng tỷ USD.
Doanh nghiệp nước ngoài đang giữ hơn 60% thị phần
Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, doanh thu dịch vụ toàn ngành bưu chính năm 2022 ước đạt 52.300 tỷ đồng, tăng 16,2% so với năm 2021. Viettel Post và VietnamPost hiện vẫn là 2 “cánh chim đầu đàn” của thị trường chuyển phát. Năm 2022, VietnamPost đạt tổng doanh thu hơn 27.325 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 517 tỷ đồng; Viettel Post đạt tổng doanh thu khoảng 21.235 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế khoảng 389,44 tỷ đồng.
Đáng chú ý, các doanh nghiệp nước ngoài đang chiếm giữ hơn 60% thị phần thị trường chuyển phát, các doanh nghiệp Việt Nam chỉ chiếm khoảng hơn 30% thị phần.
Ông Hoàng Trung Thành, Tổng giám đốc Viettel Post cho biết, ngành chuyển phát hiện nay đạt giá trị gần 5 tỷ USD. Với hàng thương mại điện tử chiều về, riêng phí chuyển phát ước tính khoảng 800 triệu USD. Các mảng khác như kho lạnh tuy chưa có đánh giá đầy đủ, nhưng cũng ước tính đạt con số tỷ USD.
Các tập đoàn nước ngoài có nhiều lợi thế về tài chính, công nghệ, nguồn hàng hóa, thương hiệu… đều có mặt ở thị trường Việt Nam. Họ thực hiện chiến lược mở rộng thị trường nhượng quyền, đầu tư gián tiếp, giảm giá vận chuyển dưới giá thành, thậm chí áp dụng cước phí vận chuyển 0 đồng để cạnh tranh giành thị phần. Cuộc cạnh tranh trong thị trường chuyển phát, logistics, thương mại điện tử vô cùng khốc liệt.
“Các doanh nghiệp bưu chính trong nước cạnh tranh đơn thuần theo công thức: doanh thu trừ chi phí ra lợi nhuận, còn các doanh nghiệp nước ngoài niêm yết trên sàn thì khác. Cụ thể, họ chỉ cần phát triển được khách hàng, mở được thị trường và có doanh thu ở Việt Nam thì giá cổ phiếu của họ ở bản địa sẽ tăng lên, họ sẽ thu về rất nhiều tiền, rồi lại mang tiền đó sang đây cho ‘cuộc chơi’ cạnh tranh…”, ông Thành phân tích.
Thực trạng này cũng đã được Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ ra. Theo đó, các doanh nghiệp ngoại lợi dụng chính sách giảm giá, khuyến mại, chiết khấu để cung cấp dịch vụ bưu chính với giá thấp, thậm chí dưới giá thành, dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh.
“Nguy cơ lớn là các doanh nghiệp chuyển phát trong nước sẽ rơi vào cuộc cạnh tranh không bình đẳng, bị ép giá, bị chi phối về sản lượng vận chuyển và dần bị thôn tính, mất dần vai trò dẫn dắt thị trường chuyển phát hàng hóa trong nước, hạ tầng logistics quốc gia sẽ rơi vào tay các doanh nghiệp nước ngoài. Điều này có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh kinh tế, an ninh quốc gia, nếu như Nhà nước không có chính sách điều tiết và quản lý phù hợp”, Vụ Bưu chính (Bộ Thông tin và Truyền thông) nhận định.
“Át chủ bài” của doanh nghiệp Việt
Năm 2023, “cuộc chiến” giành đơn hàng giữa các doanh nghiệp chuyển phát trong nước và khối ngoại vẫn sẽ tiếp tục. Doanh nghiệp nào có tốc độ chuyển hàng nhanh hơn, giá cạnh tranh hơn sẽ chiếm ưu thế lớn. Vì vậy, làm chủ hệ thống giao hàng tốc độ cao sẽ là “át chủ bài” của doanh nghiệp.
Theo Allied Market Research, với tốc độ tăng trưởng kép 24,1% trong giai đoạn 2022-2030, thị trường chuyển phát nhanh của Việt Nam ước đạt khoảng 114.680 tỷ đồng vào năm 2030 (tương đương 4,88 tỷ USD).
Ông Hoàng Trung Thành cho biết, Viettel Post phải thiết kế, quy hoạch lại hạ tầng mạng lưới đầu tư cả phần cứng, phần mềm và hệ thống quy trình, như hệ thống chia chọn hàng hóa tự động... Danh nghiệp sẽ xây dựng các trung tâm kho bãi lớn tại các địa phương và khoảng 1.500 bưu cục. Tiếp đó, đội ngũ bưu tá cũng phải thiết kế lại; hoàn thiện quy trình vận hành để đảm bảo hàng hóa được xử lý nhanh nhất và theo dõi được hành trình của hàng hóa.
Đồng thời, Viettel Post sẽ hoàn thiện cơ chế, chính sách tuyển dụng, đào tạo, huấn luyện, quản lý để kiểm soát được trải nghiệm khách hàng và chất lượng dịch vụ. Ngoài ra, doanh nghiệp sẽ mở rộng các lĩnh vực khác để bổ trợ cho những lĩnh vực xương sống, như xây dựng hệ thống logistics để phục vụ thương mại điện tử xuyên biên giới. Chiến lược tiếp theo là đầu tư hệ thống logistics phục vụ hàng lạnh - sản phẩm nông, ngư nghiệp...
Xác định kết nối mạng lưới là yếu tố quan trọng để rút ngắn thời gian và giảm chi phí vận chuyển, Vietnam Post cũng tăng cường đầu tư mở rộng mạng lưới phục vụ và hệ thống hạ tầng hiện đại.
Ông Chu Quang Hào, Tổng giám đốc Vietnam Post cho biết, đơn vị đã đưa vào vận hành Trung tâm Vận chuyển và Kho vận khu vực phía Bắc tại Hà Nội. Qua đó, hoàn thiện hệ sinh thái khép kín gồm 7 trung tâm kho bãi cấp vùng, 700 trung tâm cấp huyện và 10.600 điểm cung cấp dịch vụ, giao nhận hàng hóa cấp xã hiện đại. Tiến tới, sẽ cung cấp giải pháp hoàn tất đơn hàng tự động cho khách hàng lớn nhất Việt Nam, góp phần lưu thông dòng chảy hàng hóa thông suốt trong nước và quốc tế, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao cả về chất lượng và tốc độ tăng trưởng của thị trường chuyển phát hàng hóa thương mại điện tử, logistics...
Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, Vụ Bưu chính kiến nghị các bộ, ban, ngành tham mưu cho Chính phủ hỗ trợ doanh nhiệp chuyển phát, logistics, thương mại điện tử trong nước về chính sách kinh doanh, ưu đãi đầu tư hạ tầng… Đặc biệt, cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước được ưu tiên giao, thuê, mua các vị trí đất làm kho bãi, hạ tầng chuyển phát, logistics, thương mại điện tử tại các vị trí địa lý trọng yếu về an ninh kinh tế, an ninh quốc gia và cần có quy hoạch hạ tầng logistics tại các vị trí này trên toàn quốc.
Bên cạnh đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định pháp luật bưu chính, thương mại điện tử, thuế, cạnh tranh và các quy định khác của pháp luật Việt Nam và thế giới. Các bộ, ban, ngành cần nghiên cứu quy định một mức giá sàn cho một số sản phẩm bưu chính quan trọng, phổ biến, tránh việc các doanh nghiệp nước ngoài lợi dụng bán dưới giá thành, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh.