Thị trường đất nông nghiệp: Cần cơ chế gì?
63% hộ nông dân có diện tích đất nhỏ hơn 0,5 ha , 26% có từ 0,5 - 2 ha, ngoài ra, có những hộ nông dân sở hữu nhiều mảnh đất nhỏ, rải rác gây ra hạn chế bất cập trong sản xuất nông nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Vì vậy, cần thể chế thúc đẩy thị trường đất nông nghiệp là vấn đề được đặt ra.
Nhằm cung cấp căn cứ, gợi ý chính sách cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan khác, được sự hỗ trợ của Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reforrm), sáng nay (25/2), Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) tổ chức Hội thảo "Phát triển các thể chế hỗ trợ thúc đẩy thị trường nông nghiệp ở Việt Nam".
Thị trường đất nông nghiệp Việt đang ở đâu?
Ông Hoàng Vũ Quang – Phó Viện trưởng Viện IPSARD – cho hay, đất đai Việt Nam khá manh mún, phân tán. Cụ thể, 63% hộ nông dân có diện tích đất nhỏ hơn 0,5 ha, 26% có từ 0,5 - 2 ha. Ngoài ra, những hộ nông dân có rất nhiều mảnh đất. Quy mô rất nhỏ, điều này gây ra hạn chế bất cập trong sản xuất nông nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Mặc dù thời gian qua, nhà nước đã có chủ trương chính sách tích tụ ruộng đất theo quy mô lớn, trong những năm gần đây đã có biến chuyển nhưng chưa đáp ứng được kỳ vọng. Nếu giải quyết được bài toán tích tụ ruộng đất thì mới có thể nâng cao được sức cạnh tranh.
Tại Hội thảo các chuyên gia đã đưa ra một số đánh giá thị trường đất nông nghiệp Việt Nam cũng như trao đổi về những vướng mắc trong thể chế phát triển thị trường từ vướng mắc chính sách, pháp luật đất đai; các thể chế hỗ trợ phát triển thị trường đất nông nghiệp; các vướng mắc trong quá trình thực hiện ở địa phương.
Đánh giá những yếu tố ảnh hưởng đến quá trình tập trung đất nông nghiệp ở Việt Nam, ông Nguyễn Văn Tốn – Vụ Nông nghiệp, Ban Kinh tế Trung ương – cho hay, nhận thức về tập trung ruộng đất còn chưa thống nhất. Tổ chức thực hiện còn hạn chế. Trên thực tế, đã có hiện tượng một số dự án chưa đảm bảo mục đích tập trung ruộng đất để phát triển nông nghiệp quy mô lớn mà được lách luật để chuyển đổi mục đích sử dụng đất như chuyển thành khu đô thị hay khu, cụm công nghiệp.
Thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp còn sơ khai, thiếu minh bạch, chưa hấp dẫn thậm chí có xu hướng giảm. Thị trường cho thuê đất kém hơn rất nhiều so với thị trường chuyển nhượng đất nông nghiệp. Ngoài ra, một số quy định của pháp luật còn chưa thúc đẩy thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp. Các hình thức tích tụ và tập trung đất còn ẩn chứa các yếu tố chưa bền vững.
Chia sẻ khó khăn của doanh nghiệp nông nghiệp trong tiếp cận đất đai hiện nay, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp Chế - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – cho hay, 31% doanh nghiệp được phỏng vấn cho biết thủ tục hành chính gây phiền hà nhất cho doanh nghiệp. Con số này cao hơn cả thuế, bảo hiểm xã hội, môi trường, quản lý thị trường. Bên cạnh đó, khung giá đất nhà nước hiện nay chưa phù hợp với thị trường, thường chỉ bằng 20 – 30% khung giá đất thị trường. Khung giá đất do tỉnh ban hành cũng chỉ bằng 30 – 60% giá đất thị trường tại địa phương….
Ông Nguyễn Trung Kiên – Trưởng bộ môn nghiên cứu thị trường và ngành hàng - Viện IPSARD - nhận định, tại Việt Nam, thị trường đất nông nghiệp mới ở giai đoạn đầu của quá trình phát triển. Hình thức chuyển nhượng, chuyển đổi quyền sử dụng đất trầm lắng, tỷ lệ mảnh đất của hộ nông dân có nguồn gốc từ chuyển nhượng chiếm chưa tới 10%. Hình thức góp vốn bằng quyền sử dụng đất ít phổ biến, thiếu bền vững và rủi ro cao.
Cần có hệ thống quản lý đất đai hiệu quả, minh bạch
Tại Hội thảo các chuyên gia đã cùng nhau tập trung thảo luận các kinh nghiệm quốc tế về xây dựng tổ chức/thể chế hỗ trợ phát triển thị trường đất nông nghiệp. Ông Nguyễn Trung Kiên – Trưởng bộ môn nghiên cứu thị trường và ngành hàng - Viện IPSARD – cho hay, Năm 2014, Nhật Bản thành lập Tổ chức quản lý trung gian đất (FIFAO) thuê đất của nông dân và cho các trang trại/doanh nghiệp thuê lại. Trong tổ chức này, vai trò chính phủ rất quan trọng. Theo đó, chính phủ Nhật Bản hỗ trợ chính sách cho FIFAO. Đánh thuế cao các hộ bỏ hoang đất, thu hồi đất hoang không chủ, hỗ trợ tài chính cho trang trại/doanh nghiệp lớn để thuê đất. Còn tại Trung Quốc, năm 2010 nước này đã thành lập Trung tâm dịch vụ chuyển nhượng đất đai (LTSC). Trung tâm này có vai trò thu thập, cung cấp thông tin về cung cầu cho thuê đất; hỗ trợ thủ tục; cung cấp dịch vụ làm hợp đồng; giải quyết tranh chấp. Chính phủ Trung Quốc hỗ trợ các trang trại/doanh nghiệp quy mô lớn bảo lãnh vay vốn và cho vay ưu đãi để thuê đất. Hỗ trợ trang trại/doanh nghiệp quy mô lớn đầu tư cơ sở hạ tầng thủy lợi, nhà kho và may máy thiết bị lớn.
Đất đai là yếu tố đầu vào quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Tích tụ đất đai được xem là tiền đề phát triển kinh tế hộ gia đình trong quá trình quá độ chuyển từ sản xuất nhỏ, tự cung tự cấp lên sản xuất lớn. Tập trung đất đai luôn được coi là một công cụ hoặc điểm xuất phát cho sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tập trung, đầu tư khoa học công nghệ.
Ông Hoàng Vũ Quang cho rằng, theo kinh nghiệm ở các nước có thị trường đất nông nghiệp phát triển (40/227 quốc gia), để xây dựng và phát triển thị trường đất nông nghiệp, bên cạnh chính sách pháp luật đất đai và các chính sách hỗ trợ khác, cần có các tổ chức hỗ trợ cung ứng hạ tầng phục vụ các giao dịch cho thị trường hoạt động như: hệ thống quản lý đất đai hiệu quả, quỹ/ngân hàng phát triển đất có đủ năng lực, thẩm quyền và động lực phát triển quỹ đất.
“Tạo môi trường hành lang pháp lý cho thị trường đất nông nghiệp vận hành tốt. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ ưu đãi như: tín dụng, lao động…. Bên cạnh đó, cần có hệ thống quản lý đất đai hiệu quả, minh bạch”, ông Hoàng Vũ Quang nói.
Ông Nguyễn Trung Kiên khuyến nghị, cần hoàn thiện, cập nhật hệ thống đăng ký đất đai. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia tích hợp, thống nhất trên cả nước…. Về tăng cường vai trò của Trung tâm phát triển quỹ đất, cần xây dựng khung pháp lý và hoàn thiện tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính, đảm bảo để Tổ chức phát triển quỹ đất hỗ trợ giao dịch đát nông nghiệp; thực hiện các chức năng cung cấp thông tin, cân đối cung cầu, kích thúc và hoàn thiện thị trường. Xây dựng cơ chế, tổ chức hỗ trợ xử lý tranh chấp giao dịch đất nông nghiệp, hợp đồng nông sản.
“Đất đai là mấu chốt thúc đẩy đầu tư tư nhân vào nông nghiệp trong thời gian tới. Nới hạn điền cũng cần tính đến trong thời gian tới”, ông Đậu Anh Tuấn khuyến nghị.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thi-truong-dat-nong-nghiep-can-co-che-gi-133072.html