Thị trường dầu khí thế giới trước thềm các lệnh trừng phạt mới với Nga và Iran
Giá dầu tăng khoảng 2% vào tối thứ Sáu tuần qua, đạt mức cao nhất trong ba tuần, nhờ kỳ vọng các lệnh trừng phạt bổ sung đối với Nga và Iran có thể thắt chặt nguồn cung, cùng với dự báo lãi suất thấp hơn ở châu Âu và Mỹ sẽ thúc đẩy nhu cầu nhiên liệu.
Hợp đồng dầu thô Brent tăng 1,08 USD, tương đương 1,5%, đóng cửa ở mức 74,49 USD/thùng. Giá dầu thô WTI của Mỹ tăng 1,27 USD, tương đương 1,8%, chốt phiên ở mức 71,29 USD/thùng.
Đây là mức đóng cửa cao nhất của dầu Brent kể từ ngày 22/11 và đánh dấu mức tăng 5% trong tuần. Trong khi đó, giá dầu WTI ghi nhận mức tăng 6% trong tuần và đạt đỉnh cao nhất kể từ ngày 7/11.
"Sự tăng giá này được thúc đẩy bởi kỳ vọng về các lệnh trừng phạt chặt chẽ hơn đối với Nga và Iran, định hướng kinh tế hỗ trợ hơn từ Trung Quốc, sự hỗn loạn chính trị ở Trung Đông và khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất vào tuần tới", các nhà phân tích tại công ty tư vấn năng lượng Ritterbusch and Associates nhận định trong một báo cáo.
Lệnh trừng phạt mới và tình hình cung cầu dầu
Các đại sứ Liên minh châu Âu (EU) trong tuần này đã đồng ý áp đặt gói trừng phạt thứ 15 đối với Nga liên quan đến cuộc chiến tại Ukraine, nhắm vào đội tàu chở dầu bí mật của Nga. Mỹ cũng đang xem xét các biện pháp tương tự.
Anh, Pháp và Đức đã thông báo với Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc rằng họ sẵn sàng, nếu cần thiết, kích hoạt cơ chế “snap back” để tái áp đặt toàn bộ các lệnh trừng phạt quốc tế nhằm ngăn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân.
Dữ liệu từ Trung Quốc tuần này cho thấy nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc, nước nhập khẩu lớn nhất thế giới đã tăng trở lại trong tháng 11, lần đầu tiên sau 7 tháng. Dự báo lượng nhập khẩu sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao đến đầu năm 2025, khi các nhà máy lọc dầu tăng nhập khẩu từ nhà xuất khẩu hàng đầu là Ả Rập Xê Út nhờ giá thấp, trong khi các nhà máy độc lập chạy đua sử dụng hết hạn ngạch của mình.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã nâng dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu năm 2025 lên 1,1 triệu thùng/ngày (bpd) so với mức 990.000 bpd trong tháng trước, dựa trên các biện pháp kích thích kinh tế của Trung Quốc.
Tuy nhiên, cho vay ngân hàng mới tại Trung Quốc trong tháng 11 tăng ít hơn nhiều so với dự kiến, cho thấy nhu cầu tín dụng suy yếu ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, dù các nhà hoạch định chính sách đã cam kết sẽ tung thêm các biện pháp kích thích mới.
Cung và cầu dầu
IEA dự báo thặng dư dầu trong năm tới, khi các quốc gia ngoài OPEC+ dự kiến tăng sản lượng khoảng 1,5 triệu bpd, dẫn đầu bởi Argentina, Brazil, Canada, Guyana và Mỹ.
OPEC+ bao gồm Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh như Nga.
Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), một thành viên OPEC, có kế hoạch giảm xuất khẩu dầu vào đầu năm tới khi OPEC+ tìm cách tăng cường cắt giảm sản lượng, theo Bloomberg.
Giá dầu thô Iran bán cho Trung Quốc, một thành viên OPEC khác, đã tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm qua, do các lệnh trừng phạt của Mỹ làm giảm công suất vận chuyển và tăng chi phí logistics.
Các nhà đầu tư cũng đang đặt cược rằng Fed sẽ cắt giảm lãi suất của Mỹ vào tuần tới, với các đợt giảm thêm vào năm sau, sau khi dữ liệu cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần bất ngờ tăng.
Giá nhập khẩu của Mỹ hầu như không tăng trong tháng 11, nhờ chi phí thực phẩm và nhiên liệu tăng được bù đắp bởi sự giảm giá ở các lĩnh vực khác cùng với đồng USD mạnh.
4 nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã ủng hộ việc cắt giảm lãi suất thêm nếu lạm phát ổn định ở mức mục tiêu 2% như dự báo.
Lãi suất thấp hơn có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tăng nhu cầu dầu.