Thị trường dầu khó đoán định trong năm mới

Giữa lúc giá dầu tăng nhanh, biến thể Omicron lại xuất hiện khiến nhu cầu chùng xuống do các nước gia tăng áp đặt các biện pháp hạn chế đi lại, tạo điều kiện cho các nguồn cung có cơ hội củng cố vùng đệm dự trữ. Bên cạnh đó, các nước như Mỹ, Canada và Brazil đang tận dụng giá dầu cao để tăng sản lượng, vì vậy, một số nhà phân tích nhận định thị trường dầu trong năm 2022 sẽ cân bằng hơn.

Nhưng các nhà phân tích khác cho rằng giá dầu sẽ vượt ngưỡng 100 đô la/thùng nhờ nhu cầu phục hồi mạnh mẽ hơn trong năm mới, khiến nguồn cung không theo kịp.

Nhóm OPEC+ dự kiến tiếp tục chính sách kìm hãm nguồn cung trong năm 2022, trong khi đó, các nước như Mỹ, Canada và Brazil sẽ tìm cách tăng sản lượng dầu. Ảnh: Reuters

Omicron không tác động nhiều đến nhu cầu

Giá dầu tăng trong phần lớn thời gian trong năm 2011 nhờ nhu cầu tăng mạnh khi nền kinh tế toàn cầu tái mở cửa. Giá dầu Brent đã tăng hơn 50% trong năm ngoái, lên mức 77,86 đô la/thùng.

Giá dầu tăng giúp các tập đoàn dầu khí như Exxon Mobil và Chevron của Mỹ lãi lớn, nhưng khiến người lái xe ở nước này “méo mặt”. Giá xăng trung bình tại Mỹ đã tăng lên mức 3,29 đô la/gallon (3,78 lít) so với mức 2,25 đô la cách đây một năm. Năng lượng đóng góp lớn nhất cho mức tăng chỉ số tiêu dùng của Mỹ trong mùa thu vừa qua, khiến Tổng thống Joe Biden phải ra lệnh bán dầu từ kho dự trữ chiến lược quốc gia nhằm kiềm chế lạm phát.

Giá dầu thô trên thị trường thế giới tăng lên các mức cao nhất kể từ năm 2014 trước khi các chính phủ triển khai các biện pháp hạn chế đi lại để ngăn chặn biến thể Omicron vào cuối tháng 11. Kể từ đó, thị trường dầu rung lắc dữ dội, với giá dầu Brent có lúc bị đạp xuống mức 65 đô la/thùng, giảm sâu so với mức đỉnh gần đây, 87 đô la/thùng được thiết lập trong tháng 10. Giờ đây các nhà giao dịch đầu phải đau dầu trả lời hai câu hỏi: Liệu Omicron có phá hỏng quỹ đạo tăng của giá dầu? Hay liệu nhu cầu dầu sẽ lại được xung lực tăng và có thể kiểm tra năng lực cung ứng dầu của thế giới?

Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (EIA), thế giới vẫn đang sử dụng ít dầu hơn so với trước đại dịch, tiêu thụ khoảng 96,2 triệu thùng/ngày trong năm nay. Nhưng nhu cầu dầu đang tăng nhanh hơn sản lượng khai thác, vì vậy, EIA cho rằng nhu cầu sẽ đạt mức trước đại dịch, hơn 100 triệu thùng/ngày vào quí 3-2022.

Giới phân tích và giao dịch hàng hóa năng lượng nhận định Omicron sẽ không gây ra cú sốc đối với giá dầu giống như vào thời kỳ phong tỏa đầu tiên sau để kiểm soát Covid-19, khiến giá dầu thô kỳ hạn ở Mỹ rơi xuống mức âm trong thời gian ngắn. Một trong những lý do có thể giúp ngăn chặn giá dầu sụp đổ là nhu cầu dầu từ ngành hóa dầu đang bù đắp cho sự sụt giảm tiêu thụ nhiên liệu máy bay. Nhu cầu dầu cũng được hỗ trợ khi các công ty điện lực ở châu Âu và châu Á tăng cường đốt than và dầu dầu mazut và than để sản xuất ra điện trong bối cảnh giá khí đốt tăng vọt.

Rebecca Babin, nhà giao dịch dầu ở Công ty CIBC Private Wealth U.S cho rằng gần đây, giới đầu tư cũng bán dầu để chốt lời, đẩy giá xuống thấp hơn mức giảm hợp lý do tác động của Omicron đối với nhu cầu.

Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh do Nga dẫn đầu (hay còn gọi là nhóm OPEC+) dự báo nhu cầu dầu toàn cầu tiếp tục phục hồi trong năm nay và chỉ tạm thời bị tác động nhẹ do sự xuất hiện của biến thể Omicron. Tại cuộc họp chính sách vào ngày 4-1 tới, nhóm OPEC+ dự kiến phê duyệt kế hoạch tăng sản lượng ở mức khiêm tốn, 400.000 thùng/ngày trong tháng 2.

Giá dầu có thể vượt ngưỡng 100 đô la

Chính sách kìm hãm nguồn cung của OPEC+ khiến lượng dự trữ dầu của các thành viên thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), một nhóm chủ yếu là các nước giàu, giảm xuống dưới mức trung bình của 5 năm. Tuy nhiên, giới phân tích đang hoài nghi về khả năng của OPEC+ trong việc tăng sản lượng mạnh mẽ trở lại sau khi giảm chi tiêu đầu tư cho sản xuất trong thời kỳ dịch bệnh.

“Có những nước không còn công suất dự phòng” Amrita Sen, đối tác sáng lập hãng tư vấn năng lượng Energy Aspects, nói. Bà cũng cho rằng cơ hội “hồi sinh” thỏa thuận hạt nhân với Iran để giúp dỡ bỏ lệnh cấm vận dầu mỏ với nước này dường như đang dần tắt.

Một trong những thành viên OPEC đang gặp khó khăn trong nỗ lực bơm dầu là Nigeria, nhà cung cấp dầu lớn nhất châu Phi. Nước này sản xuất 1,29 triệu thùng dầu/ngày trong tháng 11-2021, ít hơn 360.000 thùng so với hạn ngạch mà OPEC cho phép. IEA cho biết các vấn đề về hoạt động, các vụ tấn công phá hoại và sự cố rò rỉ đường ống có thể đã cản trở Nigeria phục hồi sản lượng.

Tháng trước, các nhà phân tích ở Ngân hang đầu tư JP Morgan nói rằng sự thiếu đầu tư cho các mỏ dầu trong 18 tháng qua khiến nhiều nước sản xuất dầu khó có khả năng phản ứng nhanh trước nhu cầu đang phục hồi. Họ dự báo giá dầu Brent có thể tăng vọt lên mức 125 đô la/thùng trong năm nay và 150 đô la/thùng trong năm 2023 do tình trạng thiếu đầu tư trong ngành công nghiệp dầu mỏ.

Francisco Blanch, Giám đốc bộ phận nghiên cứu hàng hóa và phái sinh tại Ngân hàng Bank of America, nhận định: “Dựa vào diễn biến của thị trường dầu trước đây, chúng ta đã rút ra rằng nhu cầu có thể trở lại mạnh mẽ hơn”. Ông dự báo giá dầu Brent có thể đạt 120 đô la/thùng vào năm 2022, trừ khi số ca nhập viện vì Covid-19 tăng mạnh hoặc có đợt bùng phát dịch lớn ở Trung Quốc.

Hay thị trường sẽ cân bằng hơn?

Số lượng giàn khoan dầu ở Mỹ đang tăng lên dưới sự dẫn dắt của các công ty năng lượng chưa niêm yết cổ phiếu, đang thâu tóm thị phần từ các công ty năng lượng đại chúng, vốn đang bị giới đầu tư yêu cầu tăng cổ tức thay vì vung tiền vào các giếng dầu. Edward Morse, Giám đốc bộ phận nghiên cứu hàng hóa tại Ngân hàng Citigroup, cho biết điều đó cùng với sản lượng dầu tăng ở các nước bao gồm Canada và Brazil, sẽ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ dầu.

Trong cuộc trao đổi với CNBC, Phó Chủ tịch hãng nghiên cứu thị trường IHS Markit nói rằng sau hơn một năm để nhóm OPEC+ kiểm soát thị trường, Mỹ sẽ thể hiện vai trò của mình bằng cách đẩy mạnh sản xuất dầu. Ông dự báo sản lượng dầu của Mỹ sẽ tăng đến 900.000 thùng/ngày trong năm 2022. Ông nhận định giá dầu trong năm nay chỉ dao động trong biên độ 65-85 đô la/thùng và khó đạt được mốc 100 đô la/thùng trừ khi có biến động địa chính trị lớn xảy ra.

Trong cuộc thăm dò ý kiến của Reuters hôm 31-12, các nhà phân tích dầu mỏ hạ dự báo giá dầu trong năm 2022 trong bối cảnh biến thể Omicron làm giảm nhu cầu trong ngắn hạn và có nguy cơ dư thừa nguồn cung khi các nước sản xuất dầu bên ngoài OPEC tăng sản lượng. Nhu cầu dầu giảm có thể giúp củng cố vùng đệm cho nguồn cung.

35 nhà kinh tế và nhà phân tích được Reuters hỏi ý kiến dự báo giá dầu Brent sẽ đạt mức trung bình 73,57 đô la/thùng trong năm 2022, thấp hơn khoảng 2% so với mức 75,33 đô la mà họ dự báo vào tháng 11.

Norbert Rücker, nhà phân tích của Ngân hàng Julius Baer , cho biết: “Với nhu cầu dầu tăng trưởng chậm lại trong khi tăng trưởng nguồn cung vẫn tiếp tục và cuộc khủng hoảng năng lượng hạ nhiệt, chúng tôi thấy thị trường dầu ngày càng cân bằng hơn thay vì thắt chặt trong năm 2022. Do đó, giá dầu sẽ có xu hướng thấp hơn so với mức hiện nay”.

Theo WSJ, Reuters

Khánh Lan

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/thi-truong-dau-kho-doan-dinh-trong-nam-moi/